Thứ Sáu, 04/10/2024 08:30 SA
Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư xây dựng một số kết cấu hạ tầng quan trọng và Khu kinh tế Nam Phú Yên, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ phát triển bền vững, giai đoạn 2011-2015
Chủ Nhật, 03/07/2011 07:30 SA

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Tỉnh ủy đề ra Chương trình hành động về đầu tư xây dựng một số kết cấu hạ tầng quan trọng và Khu kinh tế Nam Phú Yên, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ phát triển bền vững, giai đoạn 2011-2015 như sau:

 

PHẦN I

TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ ÐẦU TƯ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG QUAN TRỌNG VÀ KHU KINH TẾ NAM PHÚ YÊN GIAI ÐOẠN 2006-2010

 

I- TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ ÐẦU TƯ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG QUAN TRỌNG GIAI ÐOẠN 2006-2010:

 

Trong 5 năm qua, nhờ xác định đúng trọng tâm, huy động tốt các nguồn lực, tỉnh ta đã tập trung một lượng vốn khá lớn để đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng, bước đầu hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng, phục vụ sự phát triển các ngành, lĩnh vực, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát huy được lợi thế của từng vùng, từng ngành, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển theo hướng bền vững. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2006-2010 khoảng 26.525 tỷ đồng, tăng bình quân 22,1%/năm, bằng 54,6% tổng GDP.

Đã tập trung đầu tư các dự án lớn, dự án quan trọng của tỉnh. Trong đó, hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình, dự án như: Dự án thứ ba Cấp nước và vệ sinh các thị xã, thị trấn; Bệnh viện Đa khoa tỉnh (phần xây lắp); Cải thiện điều kiện vệ sinh và môi trường thành phố Tuy Hòa; cơ sở hạ tầng tuyến đường ven biển Độc Lập – Long Thủy – Gành Đá Đĩa (chưa tính dự án cầu An Hải do Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình – thành phố Hồ Chí Minh đầu tư theo hình thức BOT(1) - đang triển khai thi công).

 

Cơ bản hoàn thành các dự án: Hạ tầng 2 Khu công nghiệp Hòa Hiệp (giai đoạn 1 và giai đoạn 2); dự án Năng lượng nông thôn giai đoạn II (RE II); Hệ thống chống ngập lụt thành phố Tuy Hòa. Thông tuyến Trục giao thông phía Tây chiều dài 115 km, với 11/13 cầu và hoàn thiện phần thảm bê tông nhựa 60km.

 

Đã phối hợp với Bộ, ngành Trung ương triển khai các dự án: Nâng cấp Quốc lộ 25; Hầm đường bộ qua đèo Cả, trên Quốc lộ 1A. Đang hoàn tất thủ tục và xúc tiến triển khai các dự án về chống biến đổi khí hậu, giao thông, thủy lợi.

 

II- TÌNH HÌNH ÐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ NAM PHÚ YÊN GIAI ÐOẠN 2006-2010:

 

- Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển tại Quyết định số: 53/2008/QĐ-TTg, ngày 28/4/2008 và quyết định thành lập tại Quyết định số: 54/2008/QĐ-TTg, ngày 28/4/2008, với quy mô 20.730 ha, bao gồm phường Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú Đông (thành phố Tuy Hòa), các xã Hòa Tâm, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam và một phần các xã: Hòa Xuân Nam, Hòa Xuân Đông, Hòa Vinh (huyện Đông Hòa).

 

- Đến nay, tỉnh đã triển khai trước một số dự án lớn để chuẩn bị hạ tầng ban đầu cho Khu kinh tế Nam Phú Yên, như: dự án Hạ tầng đô thị Nam Tuy Hòa - Vũng Rô; Hạ tầng các Khu công nghiệp và Cảng Vũng Rô; đồng thời, tiến hành triển khai các khu tái định cư để phục vụ cho việc di dân, bàn giao mặt bằng cho các dự án lớn về lọc, hóa dầu trong Khu kinh tế.

 

- Hoàn thành cầu Hùng Vương; đường Phước Tân - Bãi Ngà; Khu tái định cư Phú Lạc – giai đoạn I (chưa đưa vào sử dụng).

 

- Đang triển khai tiểu dự án 2, 3 từ Nam cầu Hùng Vương đến Bắc cầu Đà Nông; dự án Khu trung tâm hành chính và khu dân cư mới (bao gồm tái định cư) xã Hòa Tâm (quy mô 60ha; giai đoạn 1 (25ha), tổng mức đầu tư 350 tỉ đồng); Khu tái định cư Phú Lạc (giai đoạn 2) và một số hạng mục còn lại của các dự án: Đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cảng Vũng Rô...

 

- Sau khi có quyết định thành lập Khu kinh tế, đã triển khai lập, trình phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế và đang triển khai quy hoạch chi tiết các khu chức năng; đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường vào cảng Hàng không Tuy Hòa; cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ Quốc lộ 1A – ngã ba Phú Hiệp –  đường dẫn cầu Đà Nông.

 

- Đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Hòa Tâm cho Công ty Cổ phần Hiệp Hòa Phát, hiện nhà đầu tư đang lập quy hoạch chi tiết.

 

III- ÐÁNH GIÁ CHUNG:

 

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cả liên tục biến động, diễn biến thời tiết bất lợi... nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khích lệ, góp phần cải thiện và tăng cường kết cấu hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010; đồng thời, kết nối được một số dự án lớn, quan trọng của tỉnh vào danh mục, chương trình đầu tư chung của khu vực, cả nước sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ có mục tiêu, ODA... chuẩn bị cho giai đoạn 2011-2015.

 

IV- TỒN TẠI, HẠN CHẾ:

 

- Nguồn vốn thu hút tuy tăng nhiều, nhưng việc sử dụng vốn chưa hiệu quả, phổ biến là không sử dụng hết vốn, phải chuyển nguồn sang năm sau; do đó số công trình hoàn thành theo tiến độ ít. Nhiều công trình, dự án được xác định là công trình quan trọng, cấp bách, nhưng việc triển khai, thi công chậm, nên chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh nói chung và Khu kinh tế nói riêng.

 

- Công tác quản lý đầu tư còn một số bất cập; công tác chuẩn bị đầu tư còn kéo dài, dẫn đến một số công trình chậm tiến độ, chất lượng kém.

 

- Cơ sở hạ tầng thuộc các lĩnh vực chưa được đầu tư đồng bộ, chưa phát huy hiệu quả tổng hợp, nên phần nào cũng gây lãng phí trong đầu tư.

- Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư còn hạn chế, làm kéo dài thời gian thực hiện đầu tư các công trình.

 

- Một số dự án hạ tầng (FDI) có quy mô lớn (dự án hạ tầng Khu công nghiệp hóa dầu và Tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking; hạ tầng khu du lịch liên hợp) đã đăng ký, nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm, gây dư luận không tốt, làm giảm lòng tin của nhân dân.

 

V- NGUYÊN NHÂN:

 

1- Nguyên nhân của những kết quả đạt được:

 

- Sự nỗ lực lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phát huy trí tuệ tập thể của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chính quyền các cấp trong xây dựng, thực hiện quy hoạch; lựa chọn các công trình quan trọng đúng định hướng, phù hợp với thực tế phát triển của tỉnh trước mắt và lâu dài.

 

- Sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả của Trung ương, Chính phủ và các bộ, ngành.

 

- Sự hợp tác tích cực và có hiệu quả của các tỉnh lân cận trong việc giải quyết các vấn đề lớn mang tính liên vùng.

 

2- Nguyên nhân tồn tại, hạn chế:

 

a) Nguyên nhân khách quan:

 

- Khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế thế giới, lạm phát đã tác động tiêu cực đến việc triển khai các dự án. Thời tiết diễn biến bất lợi, mưa lũ kéo dài làm thiệt hại một số kết cấu hạ tầng quan trọng đã xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các kết cấu hạ tầng mới.

 

- Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ, thường thay đổi, nhất là trong các lĩnh vực đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư.

 

b) Nguyên nhân chủ quan:

 

- Một số chủ đầu tư chưa thực hiện tốt, đầy đủ trách nhiệm thuộc thẩm quyền quyết định của mình, chưa mạnh dạn, kiên quyết trong xử lý công việc; đáng lưu ý là lựa chọn tư vấn, nhà thầu chưa tốt, nhiều trường hợp thiếu năng lực dẫn đến lỗi phạm; thiếu kiên quyết trong xử lý lỗi phạm, dẫn đến tình trạng trì trệ trong thi công, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

 

- Một số cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện tốt, đầy đủ trách nhiệm, chưa làm tốt công tác giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ dự án. Lãnh đạo tỉnh chưa kịp thời kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án.

 

- Bố trí vốn cho một số công trình trọng điểm có lúc chưa tập trung. 

 

- Đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật, quản lý kinh tế của một số Ban quản lý còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý các dự án lớn, công trình trọng điểm, cấp bách.

 

- Hầu hết các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng (tư vấn, giám sát, thi công...) trên địa bàn quy mô còn nhỏ, chưa đủ năng lực, điều kiện để tham gia thực hiện các công trình có quy mô lớn.

 

VI- BÀI HỌC KINH NGHIỆM:

 

Thực tiễn 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 07-CTr/TU của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng, giai đoạn 2006-2010, rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

 

- Một là, phải có tầm nhìn để định hướng lựa chọn danh mục công trình, trên cơ sở đó xác định thứ tự ưu tiên, nhằm bố trí vốn tập trung cho các kết cấu hạ tầng quan trọng, tạo điều kiện công trình hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

 

- Hai là, phải có giải pháp phù hợp để huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, vừa tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, vừa huy động các nguồn tài trợ, thu hút các nhà đầu tư và khơi dậy nội lực ở địa phương.

 

- Ba là, lựa chọn các đơn vị tư vấn đảm bảo năng lực chuyên môn; nhà đầu tư, nhà thầu có đủ năng lực tài chính, năng lực thực hiện dự án. Mặt khác, chủ đầu tư có tinh thần trách nhiệm cao, nhiều kinh nghiệm sẽ quyết định đến tiến độ, chất lượng công trình, dự án.

 

- Bốn là, phải thực hiện sự phân cấp triệt để, ủy quyền mạnh mẽ gắn với việc phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng, đồng thời thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát mới tạo được chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

 

PHẦN II

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

 

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định các giải pháp để thực hiện mục tiêu, phương hướng giai đoạn 2011-2015, trong đó, xây dựng hoàn thành kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Nam Phú Yên giai đoạn 1 và một số công trình giao thông quan trọng được xem là một trong các giải pháp đột phá để phát triển.    

 

A- MỤC TIÊU CHỦ YẾU:

 

- Xác định các danh mục ưu tiên ngay từ đầu kế hoạch 5 năm và từng năm nhằm chủ động việc huy động nhiều vốn đầu tư (của Chính phủ, bộ ngành Trung ương, ODA(2)) và kêu gọi đầu tư theo các hình thức BOT(3), BT(4), BOO(5), PPP(6). Từ đó, tạo sự nhất quán về quan điểm việc xác định danh mục một số công trình, dự án hạ tầng quan trọng, mang tính đột phá, để đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015, gồm: Trục giao thông phía Tây; tuyến đường bộ ven biển; 4 tuyến giao thông Đông – Tây nối vùng biển, ven biển với miền núi; nâng cấp hệ thống lưới điện, hệ thống cấp thoát nước và một số hạ tầng khác, tạo điều kiện để phục vụ yêu cầu phát triển chung của tỉnh, gắn kết với sự phát triển chung của toàn vùng, sớm hình thành cửa ngõ mới ra hướng Đông của Tây Nguyên, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.

 

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị văn minh, hiện đại, từng bước trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, với trọng tâm là ngành công nghiệp lọc, hóa dầu và các ngành công nghiệp sau dầu; gắn với việc phát triển và khai thác có hiệu quả cảng Vũng Rô, cảng Bãi Gốc, cảng hàng không Tuy Hòa, hình thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ của địa phương, đồng thời là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

 

B- MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU:

 

I- VỀ ÐẦU TƯ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG QUAN TRỌNG:

 

1- Về giao thông:

 

a) Đầu tư 3 trục giao thông Bắc – Nam gồm:

 

- Trục giao thông phía Tây, nối các tỉnh Bình Định - Phú Yên - Đắk Lắk, cơ bản hoàn thành trong năm 2011. Riêng đoạn qua thị trấn La Hai hoàn thành trong năm 2012.

 

- Tuyến đường bộ ven biển: tiếp tục đầu tư để thông tuyến đoạn nối từ trung tâm hành chính tỉnh đến cảng Vũng Rô trong năm 2011 và hoàn thành trong năm 2013. Hoàn thành việc nâng cấp đoạn nối từ thành phố Tuy Hòa đến gành Đá Đĩa trong năm 2014, đoạn từ cầu An Hải nối gành Đá Đĩa đến Xuân Thọ (bao gồm cầu Tiên Châu).

 

- Tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn nối các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An và thành phố Tuy Hòa.

 

b) Đầu tư 3 tuyến giao thông Đông - Tây:

 

- Triển khai việc nâng cấp, xây dựng tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên – Gia Lai, hoàn thành đoạn trên địa phận tỉnh Phú Yên.

 

- Tuyến đường cứu hộ cứu nạn, tránh lũ Tuy An – Sơn Hòa hoàn thành trong năm 2012.

 

- Tuyến đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân hoàn thành trong năm 2012.

c) Phối hợp cùng tỉnh Đắk Lắk đề nghị với Bộ Giao thông Vận tải việc quản lý, sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 29 phù hợp với quy hoạch của 2 địa phương. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện các công trình, dự án quốc gia trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo tiến độ như: nâng cấp quốc lộ 25; xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả trên quốc lộ 1A; hoàn thành việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Tuy Hòa; xúc tiến việc nghiên cứu để sớm triển khai dự án tuyến đường sắt từ Phú Yên đi Tây Nguyên.

 

2- Về cấp điện, cấp nước và một số dịch vụ khác:

 

- Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp điện, cấp nước, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng điện, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên, các khu công nghiệp, khu du lịch. Tập trung khai thác có hiệu quả các nhà máy thủy điện hiện có; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng các nhà máy thủy điện nhỏ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư hoặc đã cho chủ trương đầu tư. Thu hút đầu tư nhà máy phong điện tại thị xã Sông Cầu và một số khu vực có điều kiện. Tạo điều kiện để ngành điện triển khai thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện và xây dựng mới một số trạm biến áp bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất và đời sống.

 

- Mở rộng việc cấp nước cho các khu công nghiệp và dịch vụ. Hoàn tất các thủ tục và thực hiện đầu tư Nhà máy nước để cấp nước cho Khu kinh tế Nam Phú Yên và vùng phụ cận.

 

- Tạo điều kiện để các nhà đầu tư viễn thông, thoát nước, xử lý chất thải... triển khai dự án theo tiến độ.

 

II- ÐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ NAM PHÚ YÊN:

 

- Nâng cấp hoàn chỉnh tuyến đường Hòa Vinh đi Phú Hiệp đến Khu công nghiệp Hòa Hiệp – giai đoạn 1, đồng thời chỉnh trang một số tuyến đường trên địa bàn các xã Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa).

 

- Đầu tư tuyến đường từ Quốc lộ 1A (Phú Khê) – Trung tâm hành chính mới xã Hòa Tâm – Khu công nghiệp Hoà Hiệp - giai đoạn 2 (xã Hòa Hiệp Nam), trong đó ưu tiên đoạn từ quốc lộ 1A (Phú Khê) – Trung tâm hành chính mới xã Hòa Tâm.

- Đầu tư các khu tái định cư Hoà Tâm, Hòa Hiệp Trung và một số hạng mục hạ tầng quan trọng trong khu đô thị Nam Tuy Hòa.

 

- Hoàn thành việc nâng cấp cảng biển Vũng Rô, đảm bảo đủ năng lực tiếp nhận tàu 10.000 DWT trong năm 2014; đầu tư hoàn chỉnh giai đoạn I khu hậu phương của cảng (khoảng 100ha) gắn với phát triển và hình thành các dịch vụ cảng (dịch vụ giao nhận, đóng gói, vận chuyển, lưu kho, hải quan, tư vấn khách hàng trọn gói…).

 

- Triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm gắn với đầu tư cảng Bãi Gốc. Ưu tiên các công trình phục vụ việc triển khai xây dựng các nhà máy trong khu công nghiệp.

 

- Phối hợp và tạo điều kiện để chủ đầu tư khởi công dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô trong năm 2012.

 

C- MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

 

1- Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

 

- Tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị và triển khai thực hiện đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng và Khu kinh tế Nam Phú Yên theo đúng kế hoạch; xử lý kịp thời các vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành đối với các dự án đang triển khai. Ưu tiên đầu tư xây dựng các khu tái định cư và việc giải quyết đền bù cho dân để thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là cấp huyện để làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

 

- Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh bạn để triển khai các dự án của Trung ương trên địa bàn tỉnh, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương để đầu tư xây dựng một số kết cấu hạ tầng quan trọng của tỉnh.

 

2- Về công tác quy hoạch, kế hoạch và quản lý đầu tư:

 

- Triển khai thực hiện tốt công tác lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch. Tập trung rà soát, điều chỉnh kịp thời các quy hoạch, đảm bảo phù hợp với những định hướng lớn của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; gắn xây dựng quy hoạch với xây dựng các cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện quy hoạch, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện và thu hút đầu tư.

 

- Trên cơ sở quy hoạch phát triển từng ngành được duyệt, chủ động lập các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng, để triển khai thực hiện theo hướng chủ động về nguồn vốn và thứ tự ưu tiên.

 

- Phối hợp với tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa.

 

- Nâng cao chất lượng công tác quản lý đầu tư ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư xây dựng, từ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, kế hoạch thực hiện, tổ chức thi công, giám sát, thanh quyết toán dự án.

 

3- Về cơ chế chính sách:

 

- Lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị các dự án và chủ động làm việc với các bộ, ngành Trung ương, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương để triển khai đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của tỉnh, tạo động lực cho công nghiệp và dịch vụ phát triển bền vững. Chủ động chuẩn bị các dự án và vốn đối ứng để thu hút các nguồn vốn ODA.

 

- Xây dựng chương trình vận động và xúc tiến đầu tư trên cơ sở chuẩn bị đầy đủ danh mục các dự án gọi vốn đầu tư với các hình thức như BOT, BT, BOO, PPP, vốn của các nhà đầu tư, vốn của các thành phần kinh tế để đẩy mạnh đầu tư các kết cấu hạ tầng thiết yếu, tạo động lực cho phát triển.

 

- Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi cụ thể, ổn định, tạo điều kiện để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng.

 

- Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan cấp tỉnh và các huyện, thị, thành phố trong việc triển khai thực hiện đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng. Tập trung hỗ trợ về mặt thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đăng ký sớm triển khai đầu tư.

 

4- Về công tác kiện toàn tổ chức và cải cách hành chính, chống tham nhũng và lãng phí trong đầu tư:

 

- Đổi mới công tác quản lý, điều hành gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai đăng ký, thực hiện dự án. Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai đầu tư, đảm bảo thực thi trách nhiệm nhanh gọn, hiệu quả, chống nhũng nhiễu.

 

- Cập nhật, bổ sung chương trình tổng thể về cải cách hành chính; phát triển các dịch vụ công; chấm dứt tình trạng chồng chéo trong giải quyết thủ tục giữa các sở, ngành và địa phương trong tỉnh. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa các cơ quan chức năng với chính quyền địa phương và nhà đầu tư để đảm bảo cho việc chuẩn bị và triển khai đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng được thực hiện đúng theo chương trình, kế hoạch, tiến độ đặt ra.

 

- Tiếp tục rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh các quy trình, thủ tục đầu tư theo hướng tăng phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới, cho các chủ đầu tư, đảm bảo phù hợp với các quy định mới của các luật (Đầu tư, Đấu thầu, Xây dựng, Doanh nghiệp...), các quy định của Chính phủ và bộ, ngành Trung ương.

 

- Trong năm 2011, kiện toàn tổ chức bộ máy của các ban Quản lý dự án theo hướng chuyên ngành, đảm bảo tính chuyên nghiệp cao, để thực hiện tốt chức năng chủ đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng.

 

- Thành lập Tổ công tác liên ngành để giúp lãnh đạo tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành đối với một số dự án lớn, có ý nghĩa quyết định đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

- Nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc chọn tư vấn, chọn nhà thầu, kết hợp với tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cơ bản. Xây dựng kế hoạch, thanh tra chuyên ngành năm và tổ chức thanh tra thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, uốn nắn và xử lý nghiêm những sai phạm trong quá trình thực hiện đầu tư.

 

- Xây dựng cơ chế tiết kiệm trong khởi công, động thổ, nghiệm thu, khánh thành, nhằm chống lãng phí trong đầu tư. Công khai, minh bạch trong công tác đầu tư xây dựng, trong đấu thầu, mua sắm thiết bị, hàng hóa, giao đất xây dựng công trình.

 

5- Giải pháp về huy động nguồn vốn:

 

- Đẩy mạnh thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư và nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng và Khu kinh tế Nam Phú Yên, đảm bảo tổng nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 ước đạt khoảng 36.100 tỉ đồng. Trong đó: vốn hỗ trợ có mục tiêu chiếm khoảng 5,8%; vốn Trung ương đầu tư chiếm 11,6%; vốn Trái phiếu Chính phủ chiếm 12,5%; vốn ODA chiếm 1,7%; vốn thu hút đầu tư theo hình thức BOT, BT chiếm 32,9%; vốn của các doanh nghiệp chiếm 3,6%; vốn của các nhà đầu tư hạ tầng chiếm 31,9%. Đồng thời, phải có giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, nhất là hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư, nhằm tránh thất thoát, lãng phí.

 

- Công khai các dự án và áp dụng rộng rãi các hình thức đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng theo các phương thức BOT, BOO, BT, PPP... Phân bổ, quản lý tốt vốn đầu tư xây dựng cơ bản; thực hiện tốt các chính sách và quy định pháp luật về quản lý đầu tư.

 

PHẦN III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

1- Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chương trình hành động này của Tỉnh ủy gắn với việc học tập quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với cấp, ngành mình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả. Hoàn thành việc tổ chức quán triệt ở cấp huyện và tương đương trong tháng 8/2011, cấp cơ sở trong tháng 9/2011.

 

2- Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát quy hoạch, qua đó điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, xây dựng các dự án ưu tiên đầu tư thuộc phạm vi quản lý. Bố trí vốn để tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu Chương trình hành động của Tỉnh ủy.

 

3- Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Văn phòng Tỉnh ủy giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, sơ, tổng kết việc thực hiện chương trình này.

 

----------------------------------

(1) BOT: Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao.

(2) ODA: Hỗ trợ phát triển chính thức.

(3) BOT: Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao.

(4) BT: Xây dựng – Chuyển giao.

(5) BOO: Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh.

(6) PPP: Đầu tư theo theo hình thức đối tác công – tư.

 

T/M TỈNH ỦY

Bí thư

ĐÀO TẤN LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek