Những năm qua, công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội ở C10 (Trường Sĩ quan Không quân) đã được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, phát huy được sức mạnh tổng hợp trong tiến hành công tác tư tưởng.
C10 ra quân huấn luyện bay. - Ảnh: Q.HẢI
Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chính ủy C10 cho biết: “Công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội giữ vị trí hết sức quan trọng trong xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị. Nhiệm vụ huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay, giáo dục - đào tạo học viên phi công quân sự, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy của đơn vị có bước phát triển mới, đối tượng quản lý đa dạng, đòi hỏi đơn vị phải thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, kết hợp với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo công khai minh bạch, đề cao tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình trong đơn vị”.
Một trong các biện pháp đơn vị thực hiện đó là phải biết nắm chắc các thời điểm “nhạy cảm”, tức là các thời điểm mà tư tưởng bộ đội dễ xảy ra biến động là điều rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng nói chung, công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội nói riêng. Đó là các thời điểm: đón chiến sĩ mới về đơn vị, chuẩn bị ra quân, trực những ngày nghỉ, ngày lễ, tết hoặc nhận phụ cấp, lương... Trong những thời điểm đó, trạng thái tâm lý của bộ đội dễ thay đổi, dễ xảy ra các tư tưởng tiêu cực, các luồng tư tưởng xấu có cơ hội phát sinh và phát triển. Đây cũng là thời điểm dễ xảy ra vi phạm kỷ luật. Nhiều năm qua, C10 luôn chủ động dự báo đúng tình hình tư tưởng của bộ đội vào những thời điểm “nhạy cảm” này. Nhờ đó, đơn vị đã phân loại tư tưởng kịp thời các đối tượng, có biện pháp quản lý và giải quyết dứt điểm, tập trung vào các đối tượng dễ vi phạm kỷ luật, như một số đồng chí hoàn thành nhiệm vụ thấp, không được nâng lương, thăng quân hàm, sa vào cờ bạc, lô đề... Đơn vị cũng đã phân công cán bộ giáo dục, quản lý, đấu tranh kiên quyết với các hành vi lệch lạc nên đã kịp thời sửa chữa, tiến bộ. Chiến sĩ Nguyễn Văn H, nhà gần đơn vị nên đã có một vài lần H tự ý về thăm gia đình và người yêu. Cùng với việc gặp gỡ, đơn vị nhờ gia đình và người yêu của H tác động, giúp H tiến bộ. Hoặc trước các đợt xuất ngũ, một số chiến sĩ thường có biểu hiện hẹn nhau bỏ chế độ ngủ nghỉ về đêm, tụ tập uống rượu, gây gổ mất đoàn kết. Nhờ sự phát hiện của những chiến sĩ tích cực, đơn vị chẳng những nắm được ý định của một số quân nhân có biểu hiện vi phạm mà còn biết chính xác “địa điểm”. Đơn vị đã cử cán bộ theo dõi, quản lý và có mặt đúng vào thời điểm số chiến sĩ hẹn nhau uống rượu, nhẹ nhàng khuyên nhủ điều hơn, lẽ thiệt nhưng cũng kiên quyết yêu cầu chấp hành nghiêm kỷ luật. Kết quả, số chiến sĩ này đều nhận ra khuyết điểm và chấp hành tốt các chế độ quy định cho đến ngày xuất ngũ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả công tác tư tưởng hiện nay chưa được như mong muốn là tình trạng xa rời, thiếu gắn bó, quan liêu, mệnh lệnh của một số cán bộ, chỉ huy còn thấp, khiến cho bộ đội thiếu chỗ dựa, không biết cởi mở lòng mình với ai khi gặp những khúc mắc, khó khăn trong cuộc sống. Chính vì thế, Đảng ủy, chỉ huy đơn vị luôn đề cao phương pháp “cầm tay chỉ việc” đối với tất cả các đối tượng. “Cầm tay chỉ việc” ở đây không có nghĩa là làm thay, làm hộ; càng không phải là “chỉ tay năm ngón”, nói chung chung, không cụ thể, không sát thực mà là “nói đi đôi với làm”, nói được thì làm được, biết làm mẫu, làm điểm để cấp dưới làm theo hoặc vận dụng sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ. “Cầm tay chỉ việc” chính là cách để chống quan liêu, hình thức của cán bộ cấp trên đối với cấp dưới. Nhờ đó, 100% cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức trách nhiệm cao, chủ động sáng tạo, đoàn kết thống nhất, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
QUANG HẢI