Thứ Ba, 26/11/2024 19:40 CH
“Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”
Thứ Sáu, 17/06/2011 08:00 SA

Cách đây 52 năm, mặc dù bận nhiều công việc, nhưng ngày 1/4/1959, Bác Hồ đã về thăm làng cá và ngư dân trên đảo Tuần Châu thuộc tỉnh Quảng Ninh và đảo Cát Bà thuộc TP Hải Phòng. Những nơi Bác đến, người đã căn dặn cán bộ và nhân dân: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ” và nhắc nhở: “Cán bộ phải tổ chức sản xuất và chăm lo đời sống cho nhân dân vùng biển”.

 

cangu4110617.jpg

Khai thác cá ngừ đại dương là thế mạnh của ngư dân Phú Yên  - Ảnh: K.DUY

 

Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, công nhân, viên chức, lao động ngành Thủy sản và bà con ngư dân trong cả nước luôn bền bỉ phấn đấu, xây dựng ngành Thủy sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Không ngừng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên và người lao động, đặc biệt là việc nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bà con ngư dân vùng biển, như lời Bác Hồ đã căn dặn cách đây 52 năm.

 

Chúng ta tự hào đất nước ta là một quốc gia biển, có chiều dài bờ biển trên 3.260km, diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế trên 1 triệu kilômét vuông, với dân số vùng biển và đảo trên 32 triệu người. Phú Yên cũng là một tỉnh có thế mạnh về biển, bờ biển dài trên 189km, diện tích vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế trên 34.000km2, với 9 đảo lớn, nhỏ gần bờ, có nhiều rạn đá san hô và thảm thực vật biển tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loài thủy sản sinh sôi, phát triển. Dân số vùng biển gần 500.000 người, chiếm hơn một nửa dân số của tỉnh, là nguồn nhân lực quan trọng để phát triển kinh tế biển và tham gia bảo vệ biển, đảo.

 

Nhận rõ tầm quan trọng của lực lượng sản xuất thủy sản đối với phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh, quốc phòng của Tổ quốc, những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm đầu tư cho phát triển thủy sản cả về cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ và đào tạo nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ và nhân dân vùng biển. Đồng thời, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân để nâng cao sức sản xuất và ổn định cuộc sống. Nhờ đó mà nhiều tiềm năng, lợi thế về tự nhiên và xã hội ngành Thủy sản đã được khai thác và phát huy hiệu quả. Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản, thì chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng có bước phát triển vượt bậc, công nghệ chế biến ngày càng hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và đa dạng về chủng loại mặt hàng, việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản đã vươn ra thị trường quốc tế. Còn sản phẩm thủy sản chế biến để tiêu thụ trong nước cũng đa dạng hơn, chất lượng và giá trị cao hơn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

 

 Ở Phú Yên, các vùng đất nhiễm mặn và mặt nước hoang hóa ở hạ lưu sông Bàn Thạch, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, vịnh Vũng Rô đã trở thành những vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt nghề nuôi tôm hùm bằng lồng, bè và nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên đã phát triển vào loại bậc nhất cả nước. Nhiều công ty, xí nghiệp, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh được thành lập và hoạt động ngày càng mạnh, nhiều cảng cá, bến cá, cơ sở đóng sửa tàu thuyền, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản.

 

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều tàu nước ngoài đã trắng trợn, ngang nhiên xâm phạm lãnh hải nước ta, có nhiều hành vi uy hiếp ngư dân và các lực lượng làm ăn kinh tế trên biển, làm cho ngư dân không yên tâm khi ra khơi đánh bắt thủy sản và các lực lượng làm ăn kinh tế trên biển gặp nhiều khó khăn, thiệt hại. Nhiều trường hợp tàu cá của ngư dân bị tàu nước ngoài bắt giữ ngay trên biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và lai dắt về nước họ, bắt ta phải trả tiền chuộc mới thả tàu, thả người, đó là điều hết sức phi lý. Còn có trường hợp nhiều tàu cá của ngư dân trong quá trình buông câu, thả lưới trên biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước ta cũng bị tàu nước ngoài cắt đứt mất câu, mất lưới, người ngư dân trở thành tay trắng. Điều này làm cho người dân và các ngành, các cấp chính quyền địa phương hết sức lo lắng và phẫn nộ.

 

Trước tình hình đó, việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh và trật tự an toàn trên biển Đông là hết sức cấp thiết. Một mặt, vừa tăng cường đấu tranh ngoại giao, vừa tăng cường hoạt động của các lực lượng trên biển; mặt khác, cần phải chủ động đẩy mạnh công tác tự vệ và phòng vệ trên biển cho ngư dân và các lực lượng làm ăn kinh tế của ta trên biển Đông. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho các tàu hoạt động ở ngư trường khơi - vùng đặc quyền kinh tế, đặc biệt đối với các tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân các tỉnh miền Trung như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định để họ tăng khả năng ra khơi, bám biển hoạt động và tăng khả năng ứng phó, phòng vệ ngay trên biển khơi. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa quân và dân ngay trên biển để tăng cường khả năng hợp đồng tác chiến, tạo sức mạnh tổng hợp xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải nước ta và xâm hại ngư dân. 

 

Chỉ thực hiện đồng bộ các biện pháp đó, chúng ta mới góp phần để ngư dân yên tâm ra khơi, bám biển đánh bắt thủy sản phát triển kinh tế, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc; khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc, để thực sự “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ” như lời Bác Hồ đã căn dặn.

 

NGUYỄN KHẮC TÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek