* Đến 11 giờ, toàn tỉnh có 169/811 khu vực bầu cử có 100% cử tri đi bầu
Sáng 22/5, hòa trong không khí phấn khởi của cả nước, các cư tri của Phú Yên đã tham gia bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
Ông Y Dỏ, cử tri thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc bỏ lá phiếu đầu tiên, khai mạc ngày hội bầu cử tại huyện Sơn Hòa. - Ảnh: P.NAM
* Tại huyện Sơn Hòa, sáng 22/5 trong tiết trời mát mẻ do cơn mưa lớn trên diện rộng từ chiều 21/5, trên các nẻo đường từ trung tâm thị trấn Củng Sơn đến các xã vùng sâu, vùng xa, hàng nghìn người dân cầm thẻ cử tri hồ hởi đổ về các điểm bỏ phiếu, tự hào cầm lá phiếu thực hiện quyền và trách nhiệm công dân.
Tại Tổ bầu cử số 6, thuộc thôn Suối Bạc, cách trung tâm xã Suối Bạc gần 5km có 858 cử tri, hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ngay từ 5g sáng, hàng trăm cử tri đã tập trung về điểm bỏ phiếu dự lễ chào cờ và xem lại lần cuối tiểu sử tóm tắt các ứng cử viên để có quyết định lựa chọn sáng suốt. Đến 5g30, cử tri Y Dỏ (sinh năm 1948, ở thôn Suối Bạc) bỏ lá phiếu đầu tiên khai mạc ngày Hội non sông trên địa bàn toàn huyện. Y Dỏ không dấu nổi niềm vui nói: “Là người công dân sống dưới chế độ XHCN, đã nhiều lần tham gia bầu cử, lần này tuy tuổi đã cao nhưng tôi vô vùng tự hào trực tiếp chọn ra cho mình những đại biểu đức, tài nhất, đại diện chính mình và nhân dân vào Quốc hội và HĐND các cấp". Còn em Hờ Diệu (sinh năm 1993 cũng ở thôn Suối Bạc) xúc động cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được vinh dự cầm lá phiếu bầu cử thực hiện trách nhiệm và quyền công dân, cũng là thời khắc đánh dấu sự trưởng thành của cuộc đời mình”. Đến 8 giờ 30 phút, tỉ lệ cử tri đi bầu tại Tổ bầu cử số 6, thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc đạt hơn 80%.
Hàng trăm cử tri thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc tập trung tại điểm bỏ phiếu từ 5 giờ sáng. - Ảnh: P.NAM
Thị trấn Củng Sơn có 9 khu vực bỏ phiếu. Lễ khai mạc bầu cử đồng loạt diễn ra từ 6g30 sáng. Ông La Chí Tâm (sinh năm 1935, ở khu phố Trung Hòa), cán bộ lão thành cách mạng, đại diện bà con đồng bào dân tộc thiểu số cho biết: “Tuổi càng cao tôi càng nhận thấy trách nhiệm công dân càng lớn. Trước ngày diễn ra bầu cử, tôi thường khuyên bảo con cháu phát huy tinh thần, trách nhiệm, nghiên cứu lựa chọn những người xứng đáng nhất thay mặt nhân dân góp sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy Ban bầu cử huyện Sơn Hòa Cao Minh Hòa trực tiếp kiểm tra chỉ đạo công tác bầu cử tại các địa bàn từ 4g sáng 22/5 chia sẻ niềm vui: “Năm nay, người dân phấn khởi đi bầu tập trung rất đông, ai nấy đều vui vẻ do được mùa nông sản, tinh thần phấn chấn đi bầu sớm. Hầu hết mọi người, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số đều nắm được cách thức bầu cử, hiểu rõ tiểu sử từng ứng cử viên nên có sự lựa chọn sáng suốt”. Ông Hòa cho biết thêm, có 20 công nhân đang khắc phục sự cố đường hầm thủy điện sông Ba Hạ, thuộc Tổ bầu cử số 5, xã Suối Trai được bố trí thùng phiếu phụ tại chỗ, thực hiện tròn trách nhiệm công dân.
Tại xã vùng cao
Đến với các buôn Lé A, buôn Lé B cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là ý thức trách nhiệm công dân của bà con dân tộc Ê đê, Chăm H’roi nơi đây. Dù công việc nhiều bận rộn, lo toan, nhưng ngày bầu cử thu hút từ người già tới con trẻ. 75 tuổi đời, mắt không còn tinh, tai không còn thính, chỉ biết ký mỗi cái tên của mình khi cần thiết nhưng ông Oi Dếch ở buôn Khăm lại nắm rõ xã nhà có 39 ứng cử viên, được bầu 25 đại biểu.
Đến 11 giờ trưa, có gần 100% số cử tri xã Krông Pa đã hoàn thành nghĩa vụ công dân. Theo Ủy ban bầu cử huyện Sơn Hòa, đến 11g, toàn huyện có 67/98 tổ bầu cử có 100% cử tri đi bầu.
Đến 11 giờ, toàn tỉnh có 169/811 khu vực bầu cử có 100% cử tri đi bầu Theo Ủy ban bầu cử tỉnh, đến 11 giờ, toàn tỉnh đã có 521.113 cử tri đi bỏ phiếu đạt tỉ lệ khoàng 82%. Trên địa bàn tỉnh đã có 169/811 khu vực bầu cử và 9/112 xã, phường, thị trấn kết thúc bỏ phiếu với 100% cử tri đi bầu. Riêng huyện Sơn Hòa có 67/98 tổ bầu cử đạt tỉ lệ 100% cử tri đi bầu và huyện Phú Hòa đã có xấp xỉ 100% cử tri đi bầu, dẫn đầu toàn tỉnh. Nơi có tỉ lệ cử tri đi bầu thấp nhất cũng đạt trên 80%. Theo phản ánh từ các địa phương trong tỉnh, cuộc bầu cử diễn ra trong thời tiết thuận lợi, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định, bà con cử tri rủ nhau đi bầu sớm, tập trung tạo khí thế phấn khởi, hồ hởi. Trước giờ khai mạc, tại tất cả 811 khu vực bỏ phiếu đều có đông cử tri tập trung, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ngay từ lúc 8 giờ sáng đã có một số thôn, buôn đã có 100% cử tri hoàn thành nghĩa vụ công dân như Kỳ Đu (Xuân Quang 2, Đồng Xuân), thôn Phú Hải (Phú Mỡ, Đồng Xuân), buôn Hố Hầm (Hòa Hội, Phú Hòa), buôn Chơ (Krông Pa, Sơn Hòa), buôn Gao và buôn Học (Ea Lâm)… N.TRƯỜNG
* Tại huyện Phú Hòa, sáng 22/5 hầu hết các gia đình ở đây đã thức dậy sớm hơn mọi ngày để chuẩn bị đi bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Tiếng loa truyền thanh giục dã vang lên khắp các thôn, xóm làm cho không khí của ngày hội lớn càng rộn rã hơn. Đúng 5g30, tất cả các điểm bầu cử đều mở cửa, thực hiện nghi thức khai mạc trong không khí trang nghiêm. Tuy tiến hành sớm, nhưng hầu hết các điểm bầu cử tại huyện Phú Hòa đều rất đông người. Đây là thời điểm chuẩn bị bước vào vụ sản xuất mới nên nhiều hộ dân đã tranh thủ thời gian đi bỏ phiếu để còn lo đồng áng và làm những việc khác. Đến 8g30, tại huyện Phú Hòa đã có 80% cử tri đi bỏ phiếu trong đó tổ bầu cử số 4 với 247 cử tri đồng bào dân tộc thiểu số thuộc buôn Hố Hầm, xã Hòa Hội và tổ bầu cử số 7 với 970 cử tri trong đó hơn một nửa là đồng bào công giáo thuộc giáo xứ Hóc Gáo, thôn Đồng Lãnh, xã Hòa Quang Bắc là những nơi đầu tiên của huyện Phú Hòa có 100% số cử tri đi bầu.
Tại buôn Hố Hầm (xã Hòa Hội) từ sáng sớm, cử tri đồng bào dân tộc Chăm H’roi đã tề tựu đông đủ ở khu vực bỏ phiếu đặt tại nhà rông văn hóa của buôn. Già làng Y Cái, 93 tuổi nét mặt rạng ngời, tay run run cầm lá phiếu bỏ vào thùng trong niềm hân hoan của những người có mặt tại đây. Già làng Y Cái cho biết, già rất vui vì được thực hiện quyền công dân khi cầm lá phiếu để chọn những người có đủ tài, đức bầu vào Quốc hội, HĐND tỉnh, xã. Già mong muốn những người trúng cử thường xuyên quan tâm đến quyền lợi của người dân nhất là với buôn Hố Hầm vì kinh tế nơi này còn nhiều khó khăn”. Cũng như già làng Y Cái, nhiều cụ cao niên ở huyện Phú Hòa mặc dù tuổi cao sức yếu không thể tự mình đi đến các khu vực bỏ phiếu vẫn quyết tâm thực hiện quyền bầu cử. Nhiều người đã nhờ con cháu chở đến bỏ phiếu; số khác thì chờ tổ bầu cử mang thùng phiếu phụ đến tận nhà để tự tay mình chọn ứng cử viên. Trong khi đó, nhiều cử tri lần đầu tiên được thực hiện quyền công dân đã không giấu nổi vẻ hồi hộp và vui mừng. Em Lê Thị Phong Nha, sinh năm 1993 ở thôn Định Thọ, thị trấn Phú Hòa bày tỏ: “Em thật sự phấn khởi khi lần đầu tiên mình được chọn người để bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp. Theo em các ứng cử viên lần này đều ngang tài, ngang sức, thật khó lựa chọn nhưng em tin mình sẽ bầu được những người xứng đáng nhất”.
Trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, huyện Phú Hòa có 76.742 cử tri; trong đó có 39.355 là người là nữ. Toàn huyện có 64 đơn vị bầu cử; các xã Hòa Thắng, Hòa An là những nơi có nhiều đơn vị bầu cử nhất (9 đơn vị bầu cử, 9 khu vực bỏ phiếu), xã Hòa Định Đông ít đơn vị bầu cử nhất với 5 đơn vị bầu cử. Ngoài các đại biểu Quốc hội khóa XIII, HĐND tỉnh, cử tri huyện Phú Hòa còn bầu 225 đại biểu HĐND các xã, thị trấn. Theo đồng chí Hà Trung Kháng – Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên địa phương đã hoàn thành việc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đúng luật định, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Ngày bầu cử thật sự tạo được khí thế sôi nổi trong mọi tầng lớp quần chúng nhân dân, cán bộ, Đảng viên toàn huyện.
* Tại huyện Đồng Xuân, sáng 22/5, hơn 42.215 cử tri với 80 tổ bỏ phiếu của huyện Đồng Xuân đã nô nức đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Các tuyến đường, nhà dân trong huyện, xã, thôn đã rực rỡ cờ Tổ quốc, tạo ra không khí trang nghiêm và hoành tráng. Từ 6g15, 79 tổ bầu cử ở huyện Đồng Xuân tổ chức khai mạc và tiến hành bỏ phiếu.
Các già làng của huyện Đồng Xuân bỏ những lá phiếu đầu tiên. - Ảnh: T.HIẾU
Tại tổ bầu cử số 4, thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân không khí bầu cử diễn ra trong không khí nghiêm túc, hoành tráng. Từ 5g40, tại Nhà văn hóa thôn Xí Thoại đã có hàng trăm cử tri có mặt rất sớm để đọc lại tiểu sử các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp để bỏ phiếu cho chính xác. Ông La Lan Tuy, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ bầu cử số 4, thôn Xí Thoại cho biết: “Toàn thôn có 362 cử tri đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Chăm và Bana. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền trước bầu cử nên bà con hiểu trách nhiệm và quyền lợi cử tri đi bầu sớm.
Già làng La Chí Thái, có mặt tại tổ bầu cử rất sớm, ông cũng là cử tri bỏ lá phiếu bầu đầu tiên tại thôn Xí Thoại, nói: “Trước ngày bầu cử 10 ngày, tôi đến từng hộ gia đình để vận động bà con cử tri trong thôn dù có đi làm ăn xa, đi nương rẫy cũng phải về trước một ngày để đi bầu cử, thực hiện đúng nghĩa vụ của mình”. Ông Thái cho biết thêm: “Trong nhiệm kỳ này tui thấy ai cũng có trình độ cao, vì vậy tui nói với bà con cần phải cẩn thận, đọc tiểu sử các ứng cử viên thật kỹ để bỏ phiếu cho chính xác. Phải bỏ phiếu những người có đủ tài, đức để gánh vác đất nước, lo cho nhân dân đủ no cơm, ấm áo, trẻ em được đến trường, nhân dân có nhà kiên cố ở, đường xá đi lại thông thoáng”.
Nhiều cử tri đã nhận thức và biết là ngày trọng đại của đất nước, của nhân dân nên mặc đồ truyền thống của mình để đi bỏ phiếu. Cử tri Mang Hóa, (SN 1964) bộ đội phục viên lính Campuchia năm 1978, có mặt sớm tại tổ bầu cử để bỏ phiếu, cho biết: “Hôm nay dù có bệnh tui cũng phải đến để thực hiện quyền công dân của mình. Tui mong các ứng viên trúng cử lần này phải mang tiếng nói của mình vào trong nghị trường Quốc hội và HĐND tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến những người có công, chính sách”.
Nhiều cử tri trẻ tuổi cũng nhận thức được nên có mặt rất sớm để kịp chào cờ, bỏ phiếu. So Thị Nhật, 22 tuổi, nói: “Hôm nay mình nghỉ một ngày đi rẫy để đến đây bỏ phiếu sớm. Mình đã đọc kỹ, tìm hiểu trình độ năng lực của các ứng cử viên rồi, mong các ứng cử viên trúng cử nhiệm kỳ này sẽ gần gũi dân hơn nữa để hiểu cuộc sống của dân mà chăm lo tốt hơn”.
Phú Mỡ, xã xa nhất huyện Đồng Xuân bà con đồng bào dân tộc cũng đi bầu cử rất sớm. Tù 5g30 sáng bà con đã có mặt ở khu vực bầu cử chuẩn bị làm lễ chào cờ và bầu cử sớm. Ma Meo (thôn Phú Lợi) nói: “Bầu cử xong sớm cho má còn đi cuốc cỏ sắn nữa.Sắp mưa rồi mà chưa cuốc cỏ là mùa sau mất mùa thôi”.
Ở thôn Kỳ Đu (xã Xuân Quang 2), thôn có 188 cử tri là đồng bào dân tộc thiểu số đã thực hiện bầu cử rất sớm. 8 giờ sáng đã đạt 100% số cử tri đi bầu.
Theo tổng hợp của Phòng Nội vụ huyện Đồng Xuân, đến thời điểm 9g45 sáng 22/5, toàn huyện đã có 20/80 tổ bầu cử đã có 100% số cử tri đi bỏ phiếu bầu cử; đạt hơn 93% tổng số cử tri trong huyện đi bầu cử. Sớm nhất là tổ bầu cử số 5, thuộc thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2. Tiếp đến là các điểm bầu cử của các xã Đa Lộc, Xuân Phước…Riêng xã vùng cao Phú Mỡ đã có 4/6 khu vực bầu cử hoàn thành đạt 100% cử tri đi bỏ phiếu vào lúc 9g. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo công tác bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp huyện Đồng Xuân: nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên việc bầu cử của đại phương tiến hành thuận lợi, an ninh trật tự đảm bảo, cử tri đi bầu cử với tinh thần trách nhiệm cao.
Ông Nguyễn Hoàng Sinh, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UB bầu cử huyện, nói: “Nhờ công tác tuyên truyền chuẩn bị tốt, nên các cử tri nhận thức rõ quyền lợi và nghĩ vụ của mình. Số điểm bầu cử có số cử tri đi bầu đạt 100% cao. Rất mừng là đến thời điểm này cong tác bảo vệ khu vực bầu cử, tình hình an ninh trật tự trên toàn huyện an toàn”.
P.NAM- M.H.MAM-H.TRUNG-H.NHƯ
- TRUNG HIẾU - TRẦN QUỚI