Cử tri xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) xem niêm yết danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp - Ảnh: P.NAM |
SƠN HÒA CHỜ ÐÓN NGÀY HỘI LỚN
Huyện Sơn Hòa có 14 ủy ban bầu cử với 154 thành viên, 68 tổ bầu cử với 748 thành viên. Ngoài đại biểu ứng cử Quốc hội, HĐND tỉnh, toàn huyện có 537 đại biểu ứng cử HĐND xã, thị trấn, trong đó nữ chiếm 24,76%, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 37,05%, người ngoài Đảng 29,42%. Chủ tịch UBND huyện Cao Minh Hòa cho biết, huyện đã cấp phát các mẫu dấu, nhận và phân phối tài liệu, triển khai phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối, chú trọng các địa bàn giáp ranh với Tây Nguyên, đồng thời chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tổ chức tuyên truyền lưu động thường xuyên tại các khu dân cư và tuyên truyền trực quan ở các khu vực trung tâm về cuộc bầu cử.
Xã Suối Bạc có 3.742 cử tri, trong đó có hơn 2.000 cử tri nữ; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 36%, chủ yếu ở hai thôn Suối Bạc và Tân Lập. Toàn xã có 7 đơn vị bầu cử, 7 tổ thuộc 6 thôn, với 117 thành viên. Chủ tịch UBND xã Suối Bạc Phan Thế Lựu phấn khởi cho hay: “Địa phương đang đẩy mạnh việc tuyên truyền luật bầu cử, giới thiệu tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của các ứng cử viên trên đài truyền thanh xã. Chúng tôi chỉ đạo các thôn buôn vận động bà con gấp rút thu hoạch nông sản và kết thúc gieo trồng, dành thời gian tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên, luật bầu cử và đi bầu đúng thời gian, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch”. Già làng Ma Sung ở thôn Suối Bạc nói: “Càng gần đến ngày bầu cử, bà con càng phấn khởi hăng hái thu hoạch mía, sắn để không còn vướng bận công việc khi đi bỏ phiếu”.
Xã Ea Chà Rang có trên 90% cử tri là người dân tộc thiểu số. Tuy chưa có thông báo treo cờ Tổ quốc, song nhiều gia đình đã tự giác treo cờ trước ngõ. Công tác chuẩn bị bầu cử tại đây cũng đã cơ bản hoàn tất. Phó Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang Thái Hồng Tân phấn khởi cho biết: “Ý thức, trách nhiệm của bà con đã được nâng lên rất nhiều so với trước đây nên công tác tuyên truyền, vận động bầu cử gặp nhiều thuận lợi. Địa phương đang phân công người về các thôn buôn, tổ bầu cử, vận động bà con làm vệ sinh buôn làng, tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại các điểm niêm yết danh sách, đồng thời nghiên cứu kỹ tiểu sử, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức các ứng cử viên để sáng suốt lựa chọn đúng người”.
Cử tri xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) xem danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 - Ảnh: T.HIẾU |
HÒA THỊNH NÁO NỨC
Những ngày này, ở các khu dân cư thuộc xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), người dân bàn bạc, thảo luận sôi nổi về các ứng cử viên, về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 sắp tới. Cụ Trương Văn Xuân, 74 tuổi, ở thôn Mỹ Xuân 1, nói: “Dù lá phiếu của tôi cũng chỉ đóng góp một phần rất nhỏ đến kết quả bầu cử nhưng tôi nghĩ chỉ riêng việc chọn đúng người có tâm, có tài và đầy trách nhiệm là đã làm được điều ý nghĩa”.
Không chỉ các bậc cao niên, những cử tri trẻ tuổi cũng hồi hộp chờ đến ngày bầu cử để có thể tự tay cầm lá phiều bầu những người mà mình gởi gắm niềm tin. Hà Thị Diện, 22 tuổi, ở thôn Mỹ Xuân 2, cho biết: “Hôm 9/5 vừa rồi, lần đầu tiên em tham gia tiếp xúc với các ứng cử viên vận động bầu cử nên khá hồi hộp. Em đã lên mạng internet, vào trang web báo Phú Yên để tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh. Trong ngày bầu cử, em sẽ chọn và bỏ phiếu cho các ứng cử viên có đức, có tài”. Theo trưởng thôn Phú Hữu Nguyễn Văn Thụy, cả thôn có 460 hộ, trên 1.800 người, trong đó có hơn 1.110 cử tri sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong ngày bầu cử sắp đến. Hiện chi bộ, ban nhân dân, ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể của thôn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để đảm bảo 100% cử tri hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân của mình.
Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh Lê Văn Hùng cho biết, gần một tháng qua, UBND xã tập trung đẩy mạnh công tác chuẩn bị bầu cử ở tất cả các khâu, các bộ phận, phần việc theo đúng tiến độ và đúng quy định pháp luật. Trong xã có một số hộ có người thân đi làm ăn nơi xa. UBND xã đã đốc thúc các trưởng thôn vận động các hộ này kêu gọi người thân trở về quê tham gia bầu cử đông đủ. “Là người con của quê hương cách mạng, chúng tôi luôn nhắc nhau sao cho xứng đáng với truyền thống anh hùng của các thế hệ đi trước. Cử tri toàn xã đi bầu nhanh, đủ và đúng luật vào ngày 22/5 tới chính là thiết thực góp phần phát huy truyền thống ấy” - ông Hùng nhấn mạnh.
PHÚ MỠ ÐÃ SẴN SÀNG
Xã vùng cao Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) có 5 thôn, được chia làm 6 tổ bầu cử với 1.786 cử tri. Nói về công tác chuẩn bị bầu cử của địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ La Chí Cu cho biết: “Do cử tri của xã đa phần là người dân tộc thiểu số nên thời gian qua, Ủy ban Bầu cử xã Phú Mỡ đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền để cử tri hiểu rõ hơn về ý nghĩa của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Các thành viên tổ bầu cử đi về các thôn, xuống từng hộ dân tuyên truyền, không chỉ giải thích bằng miệng mà còn phát tờ rơi đến từng nhà để cử tri nắm bắt thông tin, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân”. Toàn xã hiện có 7 hộ đang làm ăn tại khu Chín Bếp cách trung tâm xã hơn 10km, đường sá đi lại khó khăn, nhưng các tổ trưởng bầu cử và thôn trưởng cũng đã lên tận nơi tuyên truyền và vận động những hộ này về thực hiện nghĩa vụ công dân trong ngày bầu cử.
Không chỉ quan tâm đến công tác tuyên truyền, thời gian qua, Đảng ủy, UBND, Ủy ban Bầu cử xã Phú Mỡ còn chỉ đạo lực lượng công an, xã đội, các tổ trưởng tổ bầu cử phối hợp với các bí thư chi bộ, thôn trưởng đi kiểm tra và nắm tình hình an ninh trật tự ở các thôn giáp ranh với các xã bạn như thôn Phú Hải, Phú Đồng, nếu phát hiện có những người lạ mặt, khả nghi có biểu hiện tác động không lành mạnh đến bà con cử tri thì can thiệp ngay. Một việc rất thiết thực mà Ủy ban Bầu cử xã không bỏ sót là thường xuyên kiểm tra danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp đang được niêm yết để phòng ngừa đối tượng xấu xé rách hoặc ghi những thông tin sai lệch vào đó.
Tuy tuổi cao, sức yếu song cụ La Mo Hoài (91 tuổi), dân tộc Chăm ở thôn Phú Tiến 2, vẫn rất quan tâm đến cuộc bầu cử lần này. 9 giờ sáng, cụ nhờ con cháu chở đến trụ sở UBND xã để nghiên cứu tiểu sử các ứng cử viên. Cụ nói: “Tui đã nhiều lần đi bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND. Lần này tui sẽ bỏ phiếu cho những người biết hướng dẫn cho bà con buôn làng cách trồng lúa, nuôi bò… hiệu quả để xóa được đói, giảm được nghèo”. Bà La O Thê, dân tộc Chăm, ở thôn Phú Tiến 1, đưa tay lên dò từng hàng trên danh sách cử tri để kiểm tra tên mình. Bà cho biết: “Hôm nay tui nghỉ một buổi lên rẫy để đến xã giải quyết công việc, kiểm tra tên mình có chưa để đi bầu cho đúng”.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ La Chí Cu cho biết thêm: “Vừa rồi, đoàn của huyện về kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử của xã và đánh giá tốt. Tuy vậy, chúng tôi không chủ quan mà phải thường xuyên rà soát mọi việc để đảm bảo ngày bầu cử trên địa bàn xã diễn ra an toàn, thành công”.
P.NAM – H.NAM – X.HUY – T.HIẾU