Yêu nước thương dân là một trong những phẩm chất, đức hạnh cao quý nhất của Bác Hồ. Toàn bộ cuộc đời và hoạt động cách mạng vô cùng phong phú và oanh liệt của Bác đều nhằm mưu cầu hạnh phúc cho dân.
Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (xuân Đinh Mùi, 9/2/1967) - Ảnh: T.LIỆU |
Ham muốn tột bậc của Hồ Chí Minh là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” (Hồ Chí Minh toàn tập, t4, tr161).
Yêu nước thương dân, chăm lo hạnh phúc của toàn dân cho nên Bác Hồ suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân. Ngay khi còn trẻ tuổi, với tình yêu đất nước, thương nhân dân bị áp bức lầm than mà Nguyễn Ái Quốc đã bất chấp mọi hiểm nguy, gian khổ quyết chí ra nước ngoài tìm đường cứu nước cứu dân. Toàn bộ cuộc đời của Bác là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Yêu nước thương dân nên trước lúc đi xa Người còn “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Bác căn dặn Đảng và Chính phủ sau khi kết thúc chiến tranh phải có kế hoạch chu đáo để phát triển kinh tế, văn hóa, không ngừng chăm lo đời sống nhân dân, trước tiên là công việc đối với con người.
Yêu nước thương dân nên Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành đội tiền phong cách mạng chiến đấu vì lợi ích của nhân dân, lãnh đạo toàn dân vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngọn cờ cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta giương cao là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đã dẫn dắt nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thắng lợi sau to lớn, vĩ đại hơn thắng lợi trước.
Hơn 80 năm qua, kể từ khi có Đảng do Bác Hồ sáng lập, cách mạng Việt Nam có được những thắng lợi vẻ vang như ngày nay là do đường lối cách mạng của Đảng đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân nên được nhân dân đồng lòng ủng hộ và thực hiện. Giành lại độc lập dân tộc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và của Bác Hồ.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ ra, thắng đế quốc thực dân đã khó nhưng thắng nghèo nàn, lạc hậu để xây dựng chủ nghĩa xã hội còn khó hơn nhiều. Bởi lẽ, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp sáng tạo mới mẻ và khó khăn. Xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh một đất nước vốn là thuộc địa, một nước nông nghiệp lạc hậu lại bị chiến tranh lâu dài tàn phá, không kinh qua chế độ tư bản chủ nghĩa là công cuộc “biến đổi cách mạng” lâu dài, gian khổ, khó khăn và sâu sắc. Trong sự nghiệp cách mạng khó khăn, mới mẻ này đòi hỏi Đảng ta luôn phấn đấu để ngày càng trở thành một đảng thật trong sạch, vững mạnh, tiên phong về tư tưởng, trí tuệ, có chiến lược và quyết sách đúng đắn, vì nhân dân, có mối quan hệ máu thịt với nhân dân.
Một vấn đề rất đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là muốn cho Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh thì chẳng những Đảng luôn luôn liên hệ mật thiết với nhân dân mà quan trọng là dựa vào dân để xây dựng Đảng. Điều này có chiều sâu tư tưởng về yêu dân, thương dân và kính dân của Bác Hồ. Theo Bác thì dân là gốc của nước, là sức mạnh, là lực lượng to lớn của Đảng, của cách mạng. Đảng là người lãnh đạo và tổ chức toàn dân nên Đảng phải đem sức dân mà giải phóng cho dân, đem tài dân sức dân mà làm lợi cho dân, đem lại ấm no, sung sướng, hạnh phúc cho dân. Trí tuệ và năng lực sáng tạo của Đảng đều bắt nguồn từ quần chúng, nhân dân. Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra rằng: dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra và Người đã nêu những phương châm chỉ đạo về tổ chức và phương thức hoạt động của Đảng và hệ thống chính trị:
“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”.
Xuất phát từ quan điểm đạo đức của người cách mạng là suốt đời phục vụ nhân dân, cho nên Bác Hồ và Đảng ta luôn luôn quan tâm rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng làm nền tảng cho cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Cũng như “sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài, giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Nâng cao đạo đức cách mạng, điều cốt yếu là cán bộ, đảng viên phải tự mình rèn luyện. Nét đặc biệt trong phẩm chất người đảng viên là liên hệ mật thiết với nhân dân, học tập nhân dân, làm đầy tớ và là người lãnh đạo nhân dân. Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, vì thế, người đảng viên phải đặt mục đích hoạt động, cống hiến của mình là vì dân. Muốn làm người lãnh đạo, muốn giáo dục và thuyết phục quần chúng, muốn hướng dẫn nhân dân làm theo đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, thì trước hết cán bộ, đảng viên phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đảng ta, Bác Hồ luôn căn dặn cán bộ, đảng viên rằng, trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng. Từng lời nói, từng việc làm của đảng viên đều quan hệ đến sự nghiệp cách mạng, vì nó ảnh hưởng lớn đến quần chúng. Nhân dân lao động, quần chúng ngoài Đảng thường nghe đảng viên nói và nhìn đảng viên làm mà xem xét tư cách, năng lực của người đảng viên. Liên hệ mật thiết với quần chúng, học hỏi quần chúng, sống cuộc sống của quần chúng, tuyệt đối chấp hành nghị quyết, đường lối của Đảng, vận động nhân dân thực hiện đường lối chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước là những tiêu chuẩn nhất thiết mà người đảng viên trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải phấn đấu đạt cho kỳ được.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đang ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Để làm tốt việc này chúng ta thấy cần quán triệt đầy đủ và sâu sắc lời dạy của Bác Hồ trong quá trình thực hiện nghị quyết của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ ra muốn thực hiện thật tốt nghị quyết của Đảng thì phải có quan điểm quần chúng, phải thật sự dựa vào dân, học hỏi quần chúng nhân dân. Muốn tránh độc đoán, sai lầm thì bàn bạc với những phần tử hăng hái trong quần chúng” và “bàn bạc với nhân dân” vì Người cho đây là “một vấn đề rất trọng yếu cho cách làm việc của Đảng” (Hồ Chí Minh toàn tập,t5,tr297). Do đó phải xây dựng thành nguyên tắc: việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng; tin vào dân chúng, đưa mọi vấn đề để dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn: Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta. Theo Bác thì luôn luôn phải làm theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng. Phải khéo léo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng, trước kia, việc gì cũng từ trên dội xuống, từ nay việc gì cũng phải từ dưới nhoi lên.
Một bài học lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết trong thực tiễn lãnh đạo Đảng ta cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự về công tác xây dựng Đảng và mối quan hệ của Đảng với nhân dân; Nơi nào công việc kém, là vì cán bộ xa dân chúng, không cùng dân bàn bạc, không giải thích: nơi nào phong trào khá là vì việc gì to nhỏ, cán bộ cũng biết giải thích, biết cùng dân bàn bạc đến nơi, đến chốn, dựa vào dân chúng.
Thiết nghĩ, làm đúng những điều Bác dạy với tinh thần noi gương yêu dân, kính dân, trọng dân, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội XI của Đảng.
PHẠM VĂN KHÁNH