Thứ Sáu, 04/10/2024 12:24 CH
Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân Lương Mộng Sanh:
Thi đua “Dân vận khéo” phải thường xuyên, liên tục
Thứ Tư, 13/04/2011 13:00 CH

Cùng với toàn tỉnh, thời gian qua, huyện miền núi Ðồng Xuân đã triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội,  giữ vững an ninh - quốc phòng ở địa phương. Trao đổi với Báo Phú Yên chung quanh vấn đề này, đồng chí Lương Mộng Sanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ðồng Xuân, cho biết:

 

pnDX110413.jpg

Hội LHPN huyện Đồng Xuân khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thi đua làm theo gương Bác và thi đua “Dân vận khéo” - Ảnh: P.N.Đ

 

Qua hai năm (2009-2010) thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, có thể khẳng định rằng, phong trào đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và an ninh trật tự trên địa bàn huyện; qua đó nâng cao nhận thức, động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia công tác dân vận. Điều đáng nói là các tổ chức cơ sở đảng trong huyện đã chủ động xây dựng, thực hiện đạt kết quả bước đầu các mô hình đã đăng ký. Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã khơi dậy, phát huy tính năng động sáng tạo, kích thích cán bộ, đảng viên và nhân dân dám nghĩ dám làm để chung tay giải quyết có hiệu quả những vấn đề khó khăn, phức tạp trong cuộc sống; thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, tạo tiền đề cơ bản để tiếp tục củng có mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đây còn là cơ sở quan trọng để Đảng bộ huyện tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận của các hệ thống chính trị, làm cho công tác dân vận ngày càng phát triển sinh động và thực sự đi vào chiều sâu.

 

“Trong hai năm thực hiện (2009-2010), huyện Đồng Xuân có 68 tập thể và 143 cá nhân đăng ký thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”. Trong đó, có 12 mô hình trên lĩnh vực kinh tế, 25 mô hình văn hóa - xã hội, 34 mô hình an ninh - quốc phòng, 140 mô hình các lĩnh vực khác. Đã có 33 mô hình được biểu dương, khen thưởng”.

* Đồng chí có thể cho biết một số mô hình tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở địa phương?

 

- Đó là các mô hình “Vận động cán bộ, hội viên đóng góp xây dựng nhà tình thương” của Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lê Thị Sê; “Vận động nhân dân tham gia cứng hóa giao thông nông thôn” của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xuân Sơn Nam Nguyễn Thanh Ngọc; “Chuyển đổi quyền sở hữu vật dụng” của Chi hội Phụ nữ thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước… với nhiều cách làm rất phong phú. Chẳng hạn, Chi hội Phụ nữ thôn Phước Hòa đã phân công hội viên trực tiếp đến từng gia đình có điều kiện kinh tế khá vận động quyên góp những vật dụng còn sử dụng được nhưng không còn cần thiết đối với gia đình họ để trao cho những gia đình phụ nữ nghèo, học sinh nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Đó có thể là chiếc xe đạp hay sách giáo khoa cũ… người này không dùng nhưng người khác lại đang rất cần để giúp cho học tập, sinh hoạt được thuận lợi hơn. Thực tế cho thấy mô hình đã đạt hiệu quả xã hội thiết thực, tuy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất. Có thể thấy rằng, thực chất của mô hình “Dân vận khéo” là khéo tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động dân vận của hệ thống chính trị nhằm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao và trực tiếp góp phần giải quyết thành công những khó khăn, vướng mắc ngay từ địa bàn dân cư. Thực hiện mô hình “Dân vận khéo” theo cách nhìn đổi mới công tác dân vận cũng là nhằm khắc phục cách làm chung chung để chỉ đạo tập trung, có địa chỉ, có nội dung nhằm vào mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể theo đúng phương châm “Hướng về cơ sở”.

 

* Đồng Xuân đang tiếp tục đẩy mạnh thi đua “Dân vận khéo”. Để phong trào ngày càng phát triển sâu rộng và đạt hiệu quả bền vững, chúng ta cần quan tâm làm tốt vấn đề gì, thưa đồng chí?

 

- Từ thực tiễn hai năm qua, chúng tôi đã rút ra một số kinh nghiệm để chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” tốt hơn. Đó là phải coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để tạo sự đồng thuận của tập thể nơi đăng ký các mô hình, phân công đúng người, đúng việc trong triển khai thực hiện từ khi mới bắt đầu khảo sát xây dựng cho đến lúc tổng kết, đánh giá hiệu quả. Đó là, công tác dân vận nói chung và thi đua “Dân vận khéo” nói riêng phải do cấp ủy và tổ chức đảng lãnh đạo và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, kết hợp nhịp nhàng với hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền. Đó là, xây dựng, thực hiện mô hình “Dân vận khéo” phải gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vừa phục vụ lợi ích thiết thực, chính đáng của nhân dân, vừa hướng đến thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh của địa phương, cơ sở…Vấn đề quan trọng nhất là thi đua “Dân vận khéo” phải thường xuyên, liên tục, không “đầu voi, đuôi chuột”, tùy thuộc vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mà xây dựng, thực hiện các mô hình sát hợp. Đồng thời, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, năng động, nhiệt tình, tâm huyết, sáng tạo trong vận động quần chúng. Có như vậy, mới thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ là cán bộ dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm, nói cho dân nghe, làm cho dân hiểu”, “phải thật thà nhúng tay vào việc”.

 

* Xin cảm ơn đồng chí!

  

HOÀNG CHƯƠNG - HOÀI NAM (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek