Mọi dân tộc đều có tổ tiên của mình. Nhưng không phải dân tộc nào cũng xác định được cụ thể tổ tiên, cội nguồn của dân tộc mình. Dân tộc Việt Nam có cái phúc lớn là đã xác định được các vua Hùng (bao gồm 18 đời Hùng Vương) của nhà nước Văn Lang, được ghi vào cổ sử, là những bậc tiên liệt thời kỳ mở đầu của dân tộc ta.
Lúc câu chuyện huyền thoại, truyền thuyết về thời kỳ các vua Hùng dựng nước như câu chuyện về Quốc Mẫu Âu Cơ với cái bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con trai, 50 người theo mẹ lên rừng, 50 người theo cha xuống biển, người con cả trụ lại đất Phong Châu trở thành vị vua Hùng thứ nhất của nhà nước Văn Lang; về chàng Lang Liêu và đời sống cư dân trồng lúa nước với sự tích bánh chưng, bánh dày; về người anh hùng làng Gióng mới ba tuổi đầu, nhưng trước cảnh mất còn của dân tộc đã vươn vai lớn dậy thành người khổng lồ phá tan giặc dữ... đậm đà giá trị cộng đồng và tính nhân văn sâu sắc, đã đi vào tâm khảm mọi người dân Việt, dù sống ở quê cha, đất tổ hay đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài, luôn tự hào mình là con cháu các vua Hùng, mở đầu từ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”
Hằng năm, đến ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 (âm lịch) mọi người dân Việt, kẻ có điều kiện thì hành hương về đất Tổ, thành kính thắp nén hương trước mộ các vua Hùng, người không có điều kiện thì thắp nén hương trên bàn thờ tổ tiên ở tại gia cũng là cách hướng về Giỗ Tổ.
Năm Tân Mão 2011 này, Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng sẽ diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch (từ ngày 8 đến 12/4/2011). Nhân dịp này, thực hiện đề án: “Trống đồng – âm vang đất Tổ”, Hội Di sản Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam sẽ dâng 18 trống đồng lên nơi thờ các vua Hùng, một số trống đồng khác sau khi làm lễ tại đền Hùng (để nhập linh khí) sẽ đưa đến Đại sứ quán Việt Nam tại một số nước để giới thiệu báu vật thời Hùng Vương, kêu gọi đồng bào ta đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài hướng về cội nguồn dân tộc. Bên cạnh đó còn có các hoạt động như: Hội thảo quốc tế “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, phục dựng lại các truyền thuyết, tổ chức Liên hoan hát xoan nhằm phục vụ cho công việc xây dựng hồ sơ đề nghị Tổ chức Khoa học - Giáo dục thế giới (UNESCO) công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại, và “Hát xoan Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
* * *
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đến thắp hương ở đền Hùng, mà đáng nhớ nhất là lần Bác cùng sư đoàn quân tiên phong, trên đường từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản thủ đô, ghé lại đền Hùng, thắp hương kính báo với tổ tiên. Bác đã nói với các cán bộ, chiến sĩ sư đoàn câu nói bất hủ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lần cuối cùng Bác đến thắp hương mộ Tổ khi Người đã 72 tuổi. Lo cho sức khỏe của Bác, các đồng chí cùng đi đề nghị Bác chỉ dừng ở đền Hạ, không lên đền Thượng, vì từ chân núi lên tới đền Thượng, phải lên 525 bậc, tính cả lúc xuống, như vậy Bác phải bước qua hơn một nghìn bậc (nên nhớ: lúc này đường lên đền Thượng, chúng ta chưa có điều kiện sửa sang như ngày nay). Nhưng Bác không nghe theo lời đề nghị đó, tiếp tục bước lên cao, và vui vẻ nói với mọi người: “Đã đi là phải tới đích”.
Nhân ngày Giỗ Tổ, chúng ta lớp hậu sinh, xin hứa với Bác: Luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng “giữ lấy nước”, và “đã đi là phải tới đích”, cái đích mà sinh thời Bác luôn mong muốn và căn dặn lại: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
(Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh)
BẰNG TÍN