Thứ Bảy, 05/10/2024 02:23 SA
Đoàn kết, tự lực tự cường, đưa Phú Yên sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, bình yên, văn minh, hạnh phúc
Thứ Bảy, 02/04/2011 10:00 SA

(Diễn văn lễ kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển do đồng chí ĐÀO TẤN LỘC, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày)


Đồng chí Đào Tấn Lộc trình bày diễn văn. - Ảnh: M.KÝ

- Kính thưa đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.

- Kính thưa đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố bạn.

- Thưa các vị khách quý;

- Thưa đồng bào, đồng chí;

Hôm nay, tại thành phố biển Tuy Hòa xinh đẹp, chúng ta long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, tôi trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận TQVN, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; các vị đại sứ, đại diện các nước và các tổ chức quốc tế; các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh qua các thời kỳ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân toàn tỉnh lời chào mừng nồng nhiệt và lời chúc tốt đẹp nhất. Tôi xin hoan nghênh các vị khách trong và ngoài nước, các đoàn nghệ thuật đến từ Hàn Quốc và từ Hà Nội, Hải Dương kết nghĩa, từ các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nhân dịp khai mạc Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ 2011 tại Phú Yên tối nay, các bạn đã mang đến cho nhân dân Phú Yên tình cảm nồng ấm, thân thiết và tinh thần hợp tác vì phồn vinh và phát triển.



Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu lãnh đạo tỉnh Phú Yên trong đoàn Chủ tịch. - Ảnh: D.T.X

Thưa các vị đại biểu;

Thưa đồng bào, đồng chí;

Ngược dòng lịch sử, từ những năm cuối thế kỷ XVI, những lưu dân người Việt đầu tiên từ vùng Thuận Quảng theo Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh vào khai khẩn, mở mang vùng đất ki-mi từ dãy Cù Mông đến núi Đá Bia để sinh cơ lập nghiệp, hình thành các tụ điểm dân cư khu vực ven biển và các triền đất thấp vùng châu thổ sông Cái, sông Đà Rằng, sông Bàn Thạch; rồi theo các thung lũng dọc các sông lớn đến giao lưu với các buôn làng người bản địa vùng cao nguyên phía đông dãy Trường Sơn; từng bước mở mang đường sá, ruộng vườn, phát triển dần thành làng, xã. Đến những năm đầu thế kỷ XVII, vùng đất từ Cù Mông đến Đá Bia đã dần trở nên trù phú, dân cư đông đúc; đây là cơ sở để chúa Nguyễn Hoàng cho thành lập phủ Phú Yên với 2 huyện Tuy Hòa và Đồng Xuân vào năm 1611, tính đến nay tròn 400 năm.

Từ đây, các thế hệ người Việt, người Chăm, người Ê Đê, người Ba Na và sau đó cả người Hoa chống triều đình nhà Thanh đến cùng nhau sinh sống trên vùng đất Phú Yên. Với ý chí vượt khó và tinh thần đoàn kết, cộng đồng các dân tộc đã chung lưng đấu cật, sát cánh bên nhau đấu tranh với biết bao thiên tai, địch họa, góp sức xây dựng và phát triển vùng đất mới này. Chính những đặc điểm tự nhiên và xã hội đó, nên ngay từ đầu, vùng đất Phú Yên đã là nơi hội tụ, giao thoa các yếu tố văn hóa của cư dân miền núi, đồng bằng và ven biển; hòa quyện cả văn hóa Việt, Chăm và các dân tộc bản địa trên dãy Trường Sơn, tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa trên vùng đất Phú Yên.

Thưa đồng bào, đồng chí;

Từ năm 1629, Phú Yên được đổi thành dinh Trấn biên và đã đảm nhiệm vai trò này 69 năm cho đến khi vùng Biên Hòa nhận nhiệm vụ Trấn biên dinh vào năm 1698. Trong suốt gần 70 năm với vai trò trấn biên, Phú Yên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm phên dậu cho đất nước phía trời Nam trong công cuộc dựng nước ở thế kỷ XVII.

Đến giai đoạn nhà Tây Sơn khởi nghiệp vào những năm 70 của thế kỷ XVIII, tỉnh Phú Yên là địa bàn giao tranh ác liệt giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh, tiêu biểu là trận chiến trên vịnh Xuân Đài vào năm 1775 do người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, chỉ huy đánh tan đội thủy quân của Tống Phước Hiệp, tạo thế đứng vững chắc cho nhà Tây Sơn xây dựng nghiệp lớn thống nhất đất nước.


Màn hát múa phục vụ lễ Kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển. - Ảnh: M.NGUYỆT

Nửa cuối thế kỷ XIX, sau khi giặc Pháp xâm lược nước ta, ở Phú Yên đã dấy lên nhiều phong trào yêu nước rộng khắp, mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Lê Thành Phương. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, chí sĩ Lê Thành Phương cùng một số sĩ phu yêu nước ở Phú Yên đã đứng lên tập hợp nghĩa quân, dựng cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Nghĩa quân đã chiếm được thành An Thổ – là lỵ sở tỉnh Phú Yên lúc bấy giờ. Cuộc khởi nghĩa đã có tác động mạnh mẽ đến phong trào Cần Vương ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ. Sau cuộc khởi nghĩa Lê Thành Phương là những cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Bá Sự, Võ Trứ, của Ma Bí, Săm Brăm… Đặc biệt phong trào yêu nước của thủ lĩnh Săm Brăm, người Chăm H’Roi ở miền Tây Phú Yên, đã lan rộng đến nhiều tỉnh Tây Nguyên, tạo ra phong trào chống Pháp sôi nổi trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy các cuộc khởi nghĩa cuối cùng đều thất bại, lực lượng nghĩa quân bị giặc Pháp và tay sai đàn áp khốc liệt, song lòng yêu nước nồng nàn và khí tiết “thà chết không chịu nhục” của Lê Thành Phương và các thủ lĩnh nghĩa quân trước lúc ra pháp trường đã để lại cho hậu thế tấm gương tuyệt vời về khí phách Việt Nam, mà các thế hệ người Phú Yên luôn tự hào và ngưỡng mộ.

Thưa đồng bào, đồng chí;

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được Bác Hồ chủ trì thành lập ngày 3/2/1930, thì đến ngày 5/10/1930, chi bộ Đảng đầu tiên ở Phú Yên cũng được thành lập tại xóm Đồng Bé, thôn Phước Long, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân. Đến tháng 1/1931, Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên ra đời, lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Trải qua các cao trào cách mạng do Đảng ta phát động và lãnh đạo, các phong trào đấu tranh ở Phú Yên diễn ra liên tục, mạnh mẽ, rộng khắp, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi vang dội của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), tỉnh Phú Yên với trách nhiệm là tỉnh địa đầu vùng tự do Liên khu V, đã bình tĩnh bước vào cuộc kháng chiến với khí thế hừng hực, không ngại mất mát, hy sinh, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, anh dũng chiến đấu đánh lui nhiều cuộc càn quét, lấn chiếm của địch, giữ vững vùng tự do; vừa huy động sức người, sức của chi viện cho chiến trường cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vừa xây dựng căn cứ địa vững chắc, làm nên các chiến thắng: đèo Cả, núi Hiềm, Sông Ba Trường Lạc, suối Cối, đánh bại chiến dịch Atlande của Pháp, góp phần xứng đáng chia lửa cho chiến trường chính Tây Bắc, được đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi, cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đánh bại chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước ta.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Đảng bộ và nhân dân Phú Yên vượt qua bao mưa bom, bão đạn, gian khó, hy sinh; vừa chắt chiu sẻ chia từng con người, từng hạt gạo cho bè bạn với nghĩa tình “hạt trắng hạt trong cõng qua dốc Mõ, hạt đen hạt đỏ để lại nuôi con”, vừa xây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh, viết tiếp những trang sử vàng chói lọi bằng những chiến công hiển hách: Đồng khởi Hòa Thịnh tháng 12/1960 mở đầu phong trào đồng khởi đồng bằng Khu V; giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tháng 10/1961; tổ chức tiếp nhận vũ khí từ hậu phương lớn chi viện qua đường Hồ Chí Minh trên biển tại bến Vũng Rô 1964-1965, chiến thắng Gò Thì Thùng 1966; tổng tiến công nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968; từ khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng rộng khắp; phối hợp với bộ đội chủ lực làm nên chiến thắng Đường 5 lịch sử, giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với những đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 100% huyện, thị, thành phố, 70% số xã và nhiều tổ chức, cá nhân được tuyên dương anh hùng. Nhưng để có thành tích vẻ vang đó, nhân dân Phú Yên đã hy sinh vô bờ bến, với hơn 13.300 liệt sĩ, hơn 5.300 thương binh, hàng vạn gia đình tử biệt sinh ly, nhà tan cửa nát... Vẫn còn đó nỗi nhớ khôn nguôi của gần 1.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng và hàng nghìn người mẹ, người vợ liệt sĩ khác. Vẫn còn đó nỗi đau dai dẳng của gần 1 vạn nạn nhân chất độc da cam làm lay động lòng người.


Đội lễ nhạc. - Ảnh: T.THỦY

Từ năm 1975 đến nay, vượt qua những vết thương chiến tranh và cả những khó khăn của thời kỳ bao cấp trong 14 năm nhập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, ra sức khôi phục và đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh, ổn định từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Đặc biệt từ khi thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã phấn đấu đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Nhiều công trình hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, viễn thông, cấp nước, trường học, bệnh viện được xây dựng; tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, nhất là 10 năm gần đây GDP tăng trưởng bình quân khoảng 11,6% năm. Tỉnh Phú Yên cơ bản thoát được tình trạng tỉnh nghèo, vị thế và điều kiện phát triển không ngừng được nâng lên, được Đảng và Nhà nước xét tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới. Những thành tựu đó tạo tiền đề để đưa địa phương chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng cả nước ra sức thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thưa đồng bào, đồng chí;

400 năm đã trôi qua kể từ khi thành lập tỉnh Phú Yên đến nay, biết bao thế hệ tiền nhân đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương để bảo vệ xây dựng, tô điểm cho vùng đất này ngày thêm đơm hoa kết trái. Thế hệ này kế thừa tiếp nối  thế hệ kia về kiến thức, kinh nghiệm, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất trong dựng nước và giữ nước, góp phần tạo nên các giá trị truyền thống tốt đẹp của con người trên vùng đất Phú Yên. Đó là sự đoàn kết gắn bó, đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi “mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên” của các dân tộc cùng sinh sống trên một vùng đất. Đó là tình làng nghĩa xóm, là nhân nghĩa thủy chung, nhường nhịn nhau, biết sống vì người khác trong cuộc sống cộng đồng. Đó là bản chất  cần cù lao động, chân chất, tự lực tự cường, luôn biết vượt khó đi lên. Đó là lòng yêu nước sâu sắc, không cúi đầu trước kẻ thù xâm lược, luôn biết đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích riêng của địa phương, của gia đình. Những truyền thống tốt đẹp đó ngày càng được phát huy nhân rộng từ khi có Đảng lãnh đạo, đã tạo điều kiện cho nhân dân Phú Yên viết tiếp những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp giữ nước và xây dựng quê hương.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo và các vị khách quý;

Thưa đồng bào, đồng chí;

Thực tiễn sinh động trong bốn thế kỷ qua trên vùng đất Phú Yên đã chứng minh rằng: Vùng đất và con người Phú Yên luôn một lòng vì nước, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc giao. Khi đất nước cần một địa bàn trấn biên vững chắc trong hành trình về phương Nam, đã có một Phú Yên - Trấn biên dinh kiên cường làm phên dậu. Khi đất nước hiệu triệu khởi nghĩa cần vương chống Pháp xâm lược, đã có một Phú Yên nổi dậy dưới cờ nghĩa Lê Thành Phương, Nguyễn Bá Sự dù biết sẽ phải máu chảy đầu rơi, nhà tan cửa nát. Khi đất nước kêu gọi kháng chiến cứu nước, đã có một Phú Yên đồng khởi vùng lên theo Đảng chiến đấu hy sinh và sẵn sàng sẻ chia với bạn bè để cùng đi đến ngày toàn thắng. Các thế hệ tiền bối của Phú Yên luôn xứng đáng với truyền thống hào hùng và nhân nghĩa của dân tộc; đã mở mang, gìn giữ và trao lại cho thế hệ sau một vùng giang sơn gấm vóc và một ý chí vượt khó, tự tin tiến lên phía trước.

Ngày nay, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả dân tộc ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc, mà trước mắt đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu đó vừa được xem là mệnh lệnh của đất nước giao cho Đảng bộ và nhân dân Phú Yên, vừa là ước nguyện của tiền nhân gửi gắm cho thế hệ người Phú Yên đương đại nhằm xây dựng một vùng đất mãi “trù phú và bình yên” cho muôn đời con cháu.

Kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển hôm nay là dịp để chúng ta ôn cố tri tân, bày tỏ lòng biết ơn công đức của tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, khẳng định các giá trị truyền thống tốt đẹp mà bao lớp người Phú Yên đã dày công vun đắp để ra sức gìn giữ và phát huy lên tầm cao mới... Kỷ niệm 400 năm Phú Yên hôm nay cũng đồng thời là điểm khai mạc Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ tại Phú Yên, đây cũng là dịp để chúng ta kết nối với các tỉnh thành anh em cùng khu vực Nam Trung Bộ đã bao đời đồng cam cộng khổ, ra sức xây dựng toàn vùng thành một điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Để xứng đáng với lòng kỳ vọng của các bậc tổ tiên, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và của đất nước, toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân tỉnh ta hãy phát huy truyền thống đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn thách thức, xây dựng và phát triển quê hương Phú Yên yêu dấu của chúng ta sớm trở thành một tỉnh giàu đẹp, bình yên, văn minh, hạnh phúc, sánh vai cùng các tỉnh thành bạn trong cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.

Xin trân trọng cám ơn đồng bào, đồng chí.

(*) Tựa đề do Tòa soạn đặt

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek