Thứ Năm, 03/10/2024 11:35 SA
Xây dựng các tổ chức đoàn thể chính trị vững mạnh
Thứ Hai, 17/01/2011 07:30 SA

Trong những ngày Đại hội XI của Đảng làm việc tại hội trường, các đại biểu thay mặt cho các đoàn thể chính trị - xã hội trình bày các tham luận nêu rõ trách nhiệm xây dựng tổ chức mình vững mạnh, vận động hội viên tích cực tham gia vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Phóng viên Báo Phú Yên có mặt tại đại hội trích giới thiệu những tham luận đó.

 

dh110117.jpg

Các đại biểu dự Đại hội XI của Đảng. - Ảnh: N.TRƯỞNG

 

Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ GIAI CẤP CÔNG NHÂN ĐI ĐẦU TRONG SỰ NGHIỆP CNH, HĐH ĐẤT NƯỚC”

 

Để xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, xứng đáng là giai cấp tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cơ sở xã hội, chỗ dựa vững chắc cho Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng tôi có 4 kiến nghị với đại hội như sau:

 

Một là, Đảng cần tiếp tục kiên định lập trường giai cấp công nhân, tăng cường và giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng; xây dựng và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả chiến lược về giai cấp công nhân gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, xứng đáng là giai cấp lãnh đạo cách mạng, thông qua đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam; làm cho giai cấp công nhân thực sự là nòng cốt của liên minh công nhân - nông dân - trí thức, nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cần chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X; phải sử dụng tổng hợp các biện pháp thực sự đưa nghị quyết của Trung ương Đảng vào cuộc sống, làm cho công nhân viên chức lao động cảm nhận được những thay đổi tích cực khi thực hiện Nghị quyết. 

 

Hai là, Đảng lãnh đạo Chính phủ phát huy mạnh mẽ hiệu lực quản lý của Nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách đối với công nhân lao động; Nhà nước sớm thể chế hóa những quan điểm, chủ trương lớn đã được thể hiện trong Nghị quyết của Đảng thành cơ chế chính sách cụ thể nhằm giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân, tạo chuyển biến thực sự mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân viên chức lao động tương xứng với những thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và những đóng góp của giai cấp công nhân. Trước mắt, cần tập trung lãnh đạo hoàn thiện chính sách, pháp luật, giải quyết những bức xúc hiện nay đối với công nhân như: nhà ở, nhà trẻ tại các khu công nghiệp, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hóa, an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường…

 

Ba là, cần triển khai có hiệu quả chủ trương, từng bước trí thức hóa giai cấp công nhân. Chất lượng giai cấp công nhân có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, cần đầu tư mạnh hơn cho đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề cho công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ, công nhân xuất thân từ nông dân, công nhân nữ, nhằm phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng trong công nhân, thành lập tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Có cơ chế, chính sách đẩy mạnh việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những cán bộ ưu tú xuất thân từ công nhân, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất, tăng dần tỉ lệ cán bộ xuất thân từ công nhân trong bộ máy lãnh đạo các cấp, góp phần tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Quan tâm tạo điều kiện về mọi mặt cho công đoàn các cấp, đặc biệt là công đoàn cơ sở hoạt động có hiệu quả. Đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và tạo cơ hội phát triển cho cán bộ công đoàn trẻ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, xuất thân từ công nhân.

 

Bốn là, Đảng cần quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho công nhân lao động, để họ luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, có ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tinh thần phấn đấu vươn lên trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế; xây dựng tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động, lương tâm nghề nghiệp…

 

Đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: “GIAI CẤP NÔNG DÂN VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI”

 

… Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH không phải là vấn đề phát triển về số lượng, mà điều cốt lõi là phải tạo được sự biến đổi về chất lượng chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước; nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỷ cương hợp tác lao động, thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng là đối tượng chính được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp CNH-HĐH và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Do vậy, chúng tôi xin đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam đến năm 2020 và trước mắt là thời kỳ 2011-2015 như sau:

 

Huy động các nguồn lực để giúp nông dân phát triển kinh tế theo hướng: thoát khỏi đói, nghèo, chuyển sang no đủ và làm giàu. Trước hết phải tập trung cho công tác quy hoạch nông thôn, quy hoạch các vùng sản xuất. Có quy hoạch phù hợp mới có cơ sở để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn hiện đại theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tạo thuận lợi cho phân công lao động theo cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh có khối lượng, chất lượng sản phẩm cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu để giải phóng triệt để sức lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân, từ đó thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, tiến tới phân công lao động “ai giỏi nghề gì, việc gì thì làm nghề đó, việc đó” đối với nông dân ngay tại buôn, làng, thôn, xóm nơi sinh sống. Nhiệm vụ, giải pháp này cũng là điều kiện tiên quyết để hình thành các hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đầu tư vốn, lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia trại, trang trại chuyên canh, đa canh, trang trại tổng hợp… Sản xuất có kiến thức, có khoa học kỹ thuật, có hạch toán kinh tế, gắn sản xuất với thị trường, hướng vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

 

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kiến thức cho người nông dân về kinh tế, về khoa học, kỹ thuật, văn hóa xã hội, pháp luật, thị trường và hội nhập, trong đó trọng tâm là chuyển giao khoa học-kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Trước mắt cần làm thí điểm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tại các vùng chuyên canh lớn, có thế mạnh như: nuôi trồng thủy, hải sản, trồng cây công nghiệp, rau hoa, cây ăn quả lưu niên, chăn nuôi bò sữa và gia súc gia cầm tại địa bàn nông thôn ven đô thị. Tập trung nâng cao chất lượng dạy nghề cho nông dân, khả năng tiếp cận, chia sẻ thông tin, tạo ra bước chuyển cơ bản về nhận thức để người nông dân lựa chọn nghề phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân.

 

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nông dân tại địa bàn dân cư về đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về lao động và việc làm; về thị trường giá cả, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật và kinh tế hội nhập… Tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào nông dân thi đua yêu nước; trọng tâm là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu, xây dựng nông thôn mới. Từ các phong trào nông dân thi đua yêu nước, có thể lựa chọn, đào tạo những người sản xuất kinh doanh giỏi, giúp họ trở thành những doanh nhân, doanh nghiệp có đức, tài làm nòng cốt và cầu nối nông nghiệp với công nghiệp, sản xuất với thị trường và chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới, đào tạo họ trở thành những cán bộ ưu tú các cấp của Đảng, Nhà nước và của Hội Nông dân Việt Nam…

 

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: “NÂNG CAO VỊ THẾ PHỤ NỮ”

 

Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ; khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, tăng cường sự tham gia, đóng góp của phụ nữ đối với đất nước và gia đình, Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam đề nghị với Đảng, Nhà nước một số vấn đề sau:

 

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phụ nữ, coi việc phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình, trong đó hạt nhân lãnh đạo là cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực và kết quả cụ thể trong tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam; thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 “nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực”.

 

Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện các chính sách, luật pháp để đảm bảo tính đồng bộ và thực hiện đúng nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ. Đó là “Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm” và quy định của Luật Bình đẳng giới là “Nam nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức”. Nhà nước ban hành chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện tốt vai trò trong xây dựng gia đình và nuôi dạy con, nhất là các chính sách phát triển nhà trẻ, mẫu giáo; các trung tâm tư vấn hôn nhân – gia đình và phòng chống tệ nạn xã hội, buôn bán phụ nữ - trẻ em và bạo lực gia đình; chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số; chính sách đào tạo lại cho phụ nữ trí thức, hỗ trợ phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi tham gia đào tạo, bồi dưỡng; nâng tỉ lệ lao động nữ được đào tạo nghề có chứng chỉ chuyên môn, kỹ thuật; chính sách thuế đối với nữ chủ doanh nghiệp; hỗ trợ nhà ở cho phụ nữ cao tuổi đơn thân, phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 

Phụ nữ Việt Nam là lực lượng quần chúng cách mạng to lớn. Từ khi có Đảng, địa vị phụ nữ được thay đổi căn bản, được Đảng, Bác Hồ quan tâm, dìu dắt, động viên nên ngày càng tiến bộ, bình đẳng. Các tầng lớp phụ nữ Việt Nam tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và tiếp tục phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”…

 

N.T (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek