Chính phủ vừa ban hành Nghị định về Công tác dân tộc với một số chính sách như: Chính sách đầu tư phát triển bền vững, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số; chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa;...
Đảm bảo và thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh minh họa |
Cụ thể như trong chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được miễn học phí ở tất cả các cấp học, ngành học.
Về chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số, Nghị định nêu rõ, ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số, nhất thiết phải có cán bộ chủ chốt người dân tộc thiểu số. Đảm bảo tỉ lệ hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số, ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp.
Người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng, tập huấn, được hưởng chế độ đãi ngộ và các ưu đãi khác để phát huy vai trò trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở địa bàn dân cư, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.
Định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa-thể thao dân tộc
Đối với việc bảo tồn và phát triển văn hóa, cần phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc theo từng khu vực hoặc từng dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về chính sách y tế và dân số, Nghị định của Chính phủ nêu rõ yêu cầu phải tập trung xây dựng, củng cố, mở rộng cơ sở y tế, khám chữa bệnh; bảo đảm thuốc phòng và chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, hỗ trợ việc bảo tồn, khai thác, sử dụng những bài thuốc dân gian và phương pháp chữa bệnh cổ truyền có giá trị của đồng bào các dân tộc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Những năm qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc. Đặc biệt là Chương trình 135-II được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 10/1/2006 để tiếp tục hỗ trợ cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi phát triển, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc. Chương trình này là sự tiếp nối của Chương trình 135-I được phê duyệt vào ngày 31/7/1998. Sau 5 năm thực hiện, Chương trình 135-II được triển khai trên địa bàn của hơn 1.950 xã; gần 3.280 thôn, bản đặc biệt khó khăn của 369/690 huyện thuộc 50/63 tỉnh. Kết quả là tỉ lệ hộ nghèo các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm từ 47% năm 2006 xuống còn 28,8% năm 2010. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở các xã trong Chương trình đạt 4,2 triệu đồng/người/năm (mục tiêu của Chương trình đến hết năm 2010 đạt trên 70% số hộ có thu nhập bình quân đầu người 3,5 triệu đồng/người/năm). Tỉ lệ xã có đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm xã đến thôn, bản tăng lên 80,7% vào năm 2010 (mục tiêu là 80%). 100% xã có trạm y tế, 100% người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý được trợ giúp miễn phí…
Theo chinhphu.vn