Thứ Tư, 27/11/2024 23:57 CH
Những giải pháp thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020
Chủ Nhật, 16/01/2011 07:38 SA

Trong 2 ngày 13 và 14/1, các đại biểu dự Đại hội XI của Đảng đã trình bày nhiều tham luận, ý kiến làm rõ những nội dung của các văn kiện đại hội, đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 – 2020). Phóng viên Báo Phú Yên có mặt tại đại hội trích giới thiệu một số giải pháp đó.

 

gap110116.jpg

Đoàn Phú Yên giao lưu với các đoàn bạn tại đại hội  - Ảnh: NGUYÊN TRƯỜNG

 

* Đồng chí Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC

 

Cách đây đúng 10 năm tại Đại hội lần thứ IX, lần đầu tiên, Đảng ta đã ghi vào văn kiện luận điểm quan trọng về phát triển kinh tế tri thức với tư cách là một yếu tố mới thành đường lối CNH, HĐH đất nước. Hôm nay, nhìn lại sự kiện đó, chúng ta cảm nhận một cách rõ ràng sự sáng suốt, tầm nhìn xa và tính nhạy bén trong tư duy phát triển của Đảng ta. Tại Đại hội XI này, sự phân tích khách quan, thẳng thắn thực tiễn phát triển đất nước, cho phép chúng ta nhận thấy rõ bên cạnh việc mang lại những thành công nổi bật, mô hình tăng trưởng kinh tế mà chúng ta đang áp dụng đã bộc lộ những bất cập, không đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới khi bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước đã thay đổi sâu sắc. Tiếp tục mô hình đó, đất nước ta sẽ phải trả giá đắt về môi trường, phải hy sinh các cơ sở tăng trưởng dài hạn, nghĩa là dành phần rủi ro cho các thế hệ tương lai, cho con cháu chúng ta. Và nguy hiểm hơn, sự tiếp tục đó không cho phép Việt Nam thành công trong cạnh tranh và hội nhập vào mạng lưới phát triển toàn cầu, đẩy nền kinh tế tụt hậu và tụt hậu xa hơn.

 

Vấn đề thực tiễn đặt ra là trong khung khổ chiến lược chung, cần phải có những giải pháp chiến lược gì để Việt Nam phát triển nền kinh tế tri thức một cách hiệu quả? Tôi xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp cụ thể, góp vào việc khởi động triển khai nhiệm vụ chiến lược quan trọng bậc nhất này.

 

Thứ nhất, khẩn trương xây dựng một Chương trình phát triển kinh tế tri thức mang tầm cỡ chiến lược quốc gia, coi đây là “trục” của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại.

 

Thứ hai, tập trung ưu tiên xây dựng hai Trung tâm Quốc gia về công nghệ cao ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, coi đây là mẫu hình, là đầu tàu phát triển khoa học – công nghệ - công nghiệp của cả nước.

 

Thứ ba, phát triển các khu công nghiệp – công nghệ cao cấp vùng, với hạt nhân là các vườn ươm công nghệ - vườn ươm doanh nghiệp hiện đại, thay thế các khu công nghiệp kiểu cũ, đang tỏ ra kém hiệu quả, thậm chí cản trở sự phát triển.

 

Thứ tư, coi trọng nguyên tắc phát triển khoa học công nghệ với sự dẫn dắt, hỗ trợ của thị trường – doanh nghiệp, được khuyến khích, nuôi dưỡng bằng tinh thần cạnh tranh thị trường lành mạnh. Đặc biệt chú trọng phát triển thị trường công nghệ, coi đây là sức kích thích quan trọng nhất của nền khoa học.

 

Thứ năm, Nhà nước thực sự đóng vai trò “bà đỡ”, tạo khung khổ pháp lý và hỗ trợ các điều kiện cần thiết để phát triển khoa học – công nghệ và cho hoạt động nghiên cứu – triển khai.

 

Thứ sáu, thực hiện một chiến lược phát triển khoa học có lộ trình phù hợp với năng lực nội sinh và có khả năng tranh thủ các thành tựu của thế giới. Trong giai đoạn đầu tiên, chiến lược đó cần dành sự ưu tiên cho việc khuyến khích hoạt động tiếp nhận, học hỏi và ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ của thế giới; trên nền tảng đó, tạo ra và làm mạnh lên năng lực nghiên cứu nội sinh, từ đó, xây dựng nền khoa học – công nghệ mạnh của Việt Nam, sánh vai với thế giới.

 

Thứ bảy, lôi kéo, thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia, có tiềm lực khoa học – công nghệ và tài chính mạnh đầu tư vào Việt Nam, khuyến khích họ xây dựng các trung tâm nghiên cứu – phát triển, tạo kênh để từ đó, tri thức, công nghệ lan tỏa rộng rãi ra toàn bộ nền kinh tế.

 

* Đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng VH-TT-DL: XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC - SỨC MẠNH NỘI SINH QUAN TRỌNG CỦA SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

 

Từ nội dung cơ bản của dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội Đảng lần thứ XI bổ sung và phát triển, căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội năm 2011-2020 trình bày tại đại hội, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, chúng tôi đề xuất một số giải pháp:

 

1) Xây dựng “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển’’. Lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã chứng minh con người là sức mạnh lớn nhất của dân tộc ta. Chính vì vậy, nhiệm vụ chủ yếu của văn hóa là tập trung “Xây dựng con người việt Nam giàu lòng yêu nước, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, có văn hóa; có tinh thần quốc tế chân chính”.

 

2) Đồng thời với việc hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

3)Phát triển văn hóa và xây dựng con người có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau, vì vậy, cần thiết phải quan tâm đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật - lĩnh vực nhạy cảm của văn hóa, tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân.

 

4) Giữ gìn và phát huy tài sản văn hóa tinh thần của 54 dân tộc anh em là nhiệm vụ có ý nghĩa về văn hóa và chính trị to lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

5) Quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa (xuất bản sách báo, sản xuất phim ảnh...) theo định hướng của Đảng và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân.

 

6) Hoàn thiện thể chế văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, tăng cường hiệu quả các mối quan hệ phối hợp liên ngành. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, các chính sách văn hóa. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa ở trong nước và ở nước ngoài. Tăng cường và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa, cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa, đặc biệt coi trọng nguồn lực xã hội hóa. Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, giới thiệu các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc với bè bạn năm châu, góp phần tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân được hưởng thụ tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú văn hóa dân tộc.

 

7) Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước là giải pháp mang tính quyết định trên các lĩnh vực văn hóa. Có chủ trương, đường lối, nhân sự chủ chốt, phân công, phân nhiệm rõ ràng; phát huy trách nhiệm tập thể và cá nhân, phát huy tối đa sức mạnh sáng tạo của toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã khẳng định: Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bốn lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội gắn bó mật thiết với nhau, cần được coi trọng như nhau, trong đó, văn hóa không đứng ngoài, đứng trên mà phải hiện diện ở mọi lĩnh vực. Thấm nhuần tư tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã quán triệt sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội. Đây chính là điều kiện cần thiết cho văn hóa hoàn thành tốt vai trò là sức mạnh nội sinh quan trọng, góp phần phát triển đất nước toàn diện và bền vững.

 

* Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao: CHỦ ĐỘNG VÀ TÍCH CỰC HỘI NHẬP QUỐC TẾ

 

Để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XI, chúng tôi xin nêu một số kiến nghị như sau:

 

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong hội nhập quốc tế, trước hết là chủ động, tích cực trong nắm bắt thời cơ, nhận rõ thách thức, chủ động, tích cực lựa chọn mức độ và tốc độ tham gia, thậm chí khởi xướng các liên kết khu vực và quốc tế phù hợp với lợi ích của ta, trong tăng cường năng lực mọi mặt để nắm bắt, tạo dựng và tận dụng cơ hội và xử lý hiệu quả các thách thức từ quá trình hội nhập.

 

Sớm xây dựng chiến lược tổng thể và hội nhập quốc tế với mục tiêu và lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, trước mắt là đến 2020 và đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa xã hội, để trên cơ sở đó, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội và giới doanh nghiệp có chiến lược hội nhập của mình.

 

Nhanh chóng nâng cao sức mạnh tổng hợp của quốc gia, tạo điều kiện thiết yếu để đảm bảo cho hội nhập quốc tế thành công. Nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, trước hết là chăm lo công tác xây dựng Đảng và củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc, bao gồm cả cộng đồng hơn 4 triệu kiều bào ta ở nước ngoài. Nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia cũng có nghĩa là nâng cao sức cạnh tranh và khả năng thích ứng của nền kinh tế trước các biến động của tình hình quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, từng bước tham gia sâu hơn và các hoạt động hợp tác quốc tế về an ninh-quốc phòng, các cơ chế an ninh khu vực và quốc tế.

 

Thứ hai, thực hiện đúng phương châm “triển khai đồng bộ và toàn diện” các định hướng đối ngoại được Đại hội XI thông qua; tăng cường thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại. Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa đối ngoại Đảng, Nhà nước, Quốc hội, địa phương và hoạt động ngoại giao nhân dân, phối hợp giữa các ngành, các cấp, các kênh tham gia các hoạt động đối ngoại.

 

Trong quá trình đó, ngoại giao cần thực sự trở thành một nền ngoại giao toàn diện với ba trụ cột là : ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; đối ngoại quốc phòng và an ninh cần tiếp tục được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

 

Thứ ba, song song với việc thực hiện các định hướng và phương châm đối ngoại mới, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các định hướng lớn của đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới, đặc biệt là định hướng “đưa các quan hệ đối ngoại đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững”. Đưa các quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững vừa là mục tiêu của phương châm đối ngoại toàn diện vừa là nền tảng vật chất cho việc triển khai thành công chiến lược hội nhập quốc tế trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Chiều sâu của quan hệ, về cơ bản là mức độ đan xen lợi ích và tính hiệu quả của các cơ chế hợp tác trong việc thúc đẩy quan hệ và xử lý các vấn đề nảy sinh. Theo đó, cần có chiến lược thiết lập các khuôn khổ ổn định, lâu dài với các đối tác quan trọng đối với an ninh và phát triển của đất nước. Đồng thời, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác, nhất là về kinh tế, theo hướng gia tăng sự đan xen lợi ích lâu dài với các đối tác này.

 

KHÁNH HOÀNG, NGUYÊN TRƯỜNG (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek