Thứ Năm, 03/10/2024 20:18 CH
Người chỉ huy gương mẫu, tình bạn chiến đấu thủy chung
Thứ Bảy, 08/01/2011 14:18 CH

Chuông điện thoại reo, tôi cầm máy. Từ đầu dây bên kia, một giọng nói quen thuộc: “Anh Long à! Anh Nghiên vừa ra đi rồi!” - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mạnh, Chánh văn phòng Bộ Tổng tham mưu thông báo với tôi, giọng xúc động.

 

anch110108.jpg

Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên kiểm tra mô hình, trang thiết bị huấn luyện tại Cục Tác chiến điện tử

 

Tôi bàng hoàng, hẫng hụt như vừa mất đi một trong những gì quý giá nhất trong cuộc đời, mặc dù những lần cuối vào bệnh viện thăm anh, trong tôi đã bùi ngùi, tiên lượng điều xấu nhất có thể xảy ra…

 

Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên không còn nữa… Sự tĩnh lặng trong căn phòng càng dội về trong tôi hình ảnh Trung sĩ Nguyễn Khắc Nghiên từ buổi ban đầu khi chúng tôi biết nhau cách đây gần 40 năm về trước…

 

Đó là đầu năm 1971, khi ấy tôi là Chủ nhiệm Trinh sát Trung đoàn 46. Đơn vị mới được thành lập, đồng chí trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho tôi cùng cơ quan cán bộ và quân lực đi nhận 2 đại đội trinh sát và đặc công từ đơn vị bạn. Về đến đơn vị, cấp trên thông báo trung đoàn không tổ chức biên chế đại đội đặc công nữa. Do vậy, trung đoàn chọn những cán bộ từ tiểu đội trưởng trở lên, đã qua chiến đấu bổ sung sang các tiểu đoàn bộ binh, trong đó có Trung sĩ Nguyễn Khắc Nghiên.

 

Hình ảnh đầu tiên về Nguyễn Khắc Nghiên đã để lại cho tôi ấn tượng đẹp… Một trung sĩ mới về, trẻ măng (hồi đó anh vừa tròn 20 tuổi), to cao, đẹp trai, da trắng hồng, vẻ mặt luôn tươi tắn, đĩnh đạc. Đặc biệt, khi chỉ huy tập đội ngũ, giọng anh hô dứt khoát, rành rõ, đúng kiểu nhà binh. Qua lớp tập huấn cán bộ do trung đoàn tổ chức, qua các bài tập huấn chiến thuật và chỉ huy, phát hiện thấy anh viết, vẽ rất đẹp, cấp trên quyết định điều Trung sĩ Nguyễn Khắc Nghiên từ trung đội phó sang giữ chức trợ lý tác chiến Tiểu đoàn bộ binh 1, Trung đoàn 46 (sau đó đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 48). Mọi công việc trong huấn luyện bộ đội, từ kế hoạch, chương trình đến chuẩn bị vật chất, thao trường đều được anh thực hiện đầy đủ, nhanh, tạo thuận lợi cho các đại đội.

 

Đầu tháng 3/1972, toàn trung đoàn hành quân vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Anh Nghiên đề đạt bằng được với cấp trên để xuống đơn vị được trực tiếp chiến đấu. Trong giai đoạn tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị, Trung đội trưởng Nguyễn Khắc Nghiên đã chỉ huy trung đội tham gia tiến công tiêu diệt chi khu Cam Lộ (nay là huyện lỵ Cam Lộ); tiếp đến tiến công địch trên đồi Tân Vĩnh, phía bắc căn cứ Ái Tử, sau đó cùng trung đoàn tiến quân vào chiến đấu tại Hồ Lầy, Cây Lội, phía tây bắc Thừa Thiên-Huế. Chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc, Trung sĩ Nguyễn Khắc Nghiên được kết nạp vào Đảng ngay đợt đầu trong chiến trường, cuối tháng 4/1972.

 

Cuối tháng 6 năm đó, đơn vị được lệnh quay ra làm nhiệm vụ phòng giữ thị xã -Thành cổ Quảng Trị, anh được giao đảm trách đại đội phó, ít ngày sau đồng chí đại đội trưởng hy sinh, anh thay thế chỉ huy Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48 ở tuổi 21. Anh là một đại đội trưởng trẻ tuổi nhất tiểu đoàn và trung đoàn hồi đó. Trẻ, nhưng anh lại có tác phong sâu sát trong đơn vị, gần gũi với chiến sĩ. Tôi đi kiểm tra các vị trí chiến đấu của Đại đội 2, hầu như các chiến sĩ đều quý mến và rất tin tưởng anh. Qua mỗi giai đoạn, từng trận chiến đấu, anh đều có phương án rất cụ thể tại địa hình nơi Đại đội 2 phòng giữ. Mặc cho bom đạn xối xả suốt ngày đêm, nhưng anh vẫn luôn có mặt tại vị trí chỉ huy, tại nơi cam go nhất của đại đội, kiên cường đánh ngăn chặn địch, nhanh chóng và dũng mãnh trong xuất kích. Mưu mẹo, linh hoạt và dứt khoát trong tính cách chỉ huy của anh đã truyền thêm ý chí và quyết tâm chiến đấu cao của chiến sĩ trong đơn vị.

 

Tôi không bao giờ quên trận đánh của Tiểu đoàn 1, đã chặn đứng cuộc tiến công và tiêu diệt Tiểu đoàn 8 thủy quân lục chiến ngụy tại Trâm Lý - Quy Thiện ngày 8/7/1972. Trước đó 2 ngày, biết địch sẽ tập trung tiến đánh từ Trâm Lý sang Quy Thiện để chiếm nhà thờ Tri Bưu, tôi và các đại đội trưởng đi chuẩn bị bố phòng và quyết định cách đánh với thế trận: Chốt chặn kết hợp với tiến công, bởi địa thế ở đây buộc địch sẽ phải tiến qua cánh đồng rộng lớn giữa hai thôn. Đại đội trưởng Nghiên xin đảm trách tại khu vực đánh vào sườn đội hình địch, đồng thời anh nhấn mạnh: “Đề nghị toàn tiểu đoàn phải giữ bí mật hành động của bộ đội, nhằm lừa địch chủ quan như đi vào chỗ trống, khi thời cơ thuận lợi nhất ta bất ngờ đánh dồn dập”. Thực tế đã diễn ra đúng như dự kiến. Trong trận này, Tiểu đoàn 8 thủy quân lục chiến ngụy đã bị đánh thiệt hại nặng, bị diệt 163 tên, buộc phải lui về phía sau củng cố (theo thông báo của Mặt trận B5), trong khi toàn Tiểu đoàn 1 chỉ có một chiến sĩ bị thương nhẹ. Phải chăng, ý chí chiến đấu cao, tính kiên cường trong phòng ngự của anh đã hình thành bước đầu về tư duy quân sự, tư duy của người chỉ huy, để rồi từ đó qua từng cương vị ngày càng cao trong quân ngũ đã hun đúc nên một Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn Khắc Nghiên.

 

Vâng! Ý chí chiến đấu ấy trong suốt 81 ngày đêm khốc liệt ở Thành cổ Quảng Trị, Tiểu đoàn 1 chúng tôi, tính riêng về cán bộ đại đội trưởng, có hơn 10 đồng chí hy sinh, bị thương, phải rời khỏi vị trí chiến đấu. Riêng và duy nhất đồng chí Nguyễn Khắc Nghiên bị thương vẫn xin ở lại cùng đơn vị chiến đấu cho đến ngày cuối cùng (16/9/1972) mới rời khỏi Thành cổ Quảng Trị theo lệnh của trên.

 

Phẩm chất cao đẹp của một quân nhân, của người chỉ huy, của người đảng viên đã được tôi luyện trong anh từ trong khói lửa chiến tranh cho tới những năm tháng sau này của cuộc đời quân ngũ. Thời gian trôi đi, mỗi người mỗi ngả do nhiệm vụ mới. Thỉnh thoảng gặp lại, nhưng mọi tin tức về nhau chúng tôi đều biết và mừng cho nhau. Anh trưởng thành và phát triển qua các cương vị ngày càng cao, càng nặng nề về công việc, thế nhưng tính cách và tình cảm của anh thì vẫn luôn giữ vẻ hồn nhiên, nhiệt huyết, chân chất của một thời tuổi 20.

 

Tôi nhớ vào dịp trước Tết Nguyên đán năm 2003, Trung tướng Nguyễn Khắc Nghiên đến thăm tôi khi tôi đã nghỉ hưu. Anh mang theo chùm nhãn làm quà. Tôi mời anh lên phòng khách tầng 2, anh cười: “Ta ngồi đây cũng được!”. Hai chúng tôi hàn huyên bên chiếc bàn đơn sơ ở tầng 1 trong tình đồng đội, tình bạn thân thiết, mặc dù tôi hơn anh 10 tuổi. Sau ít phút nói chuyện đời thường, anh thông báo: “Em đã nhận nhiệm vụ của cấp trên, vừa làm việc với các cơ quan trong bộ xong. Em cũng bàn giao xong ở Quân khu 1 rồi, nay đến thăm và chào anh để sớm mai bay vào Đà Nẵng nhận bàn giao của Tư lệnh Quân khu 5. Tết này chắc em không có mặt ở Hà Nội để đến chúc Tết gia đình…”.

 

Tôi cảm ơn, siết chặt tay anh: “Chúc Trung tướng thành công trong nhiệm vụ mới nơi “đầu sóng ngọn gió” miền Trung”. Anh đáp nhanh, gọn: “Rõ!”.

 

Tôi thật cảm động khi nghe anh tâm sự: “Em đến với anh vẫn như xưa, vẫn như mọi lần đến thăm thủ trưởng, như vẫn là trợ lý, là đại đội trưởng đến giao ban tại sở chỉ huy tiểu đoàn”. Ôi, tình nghĩa làm sao, sâu lắng làm sao trong con người anh - một cán bộ chỉ huy cao cấp, một vị Tư lệnh quân khu, một Ủy viên Trung ương Đảng. Xe anh lăn bánh, tôi dõi theo và phút chốc lặng người. Vâng! Đây là một quân nhân, một đồng đội, một tình bạn chiến đấu thủy chung!

 

Thật vậy, khi anh đã mang quân hàm Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, là Ủy viên Trung ương Đảng, nhưng khi có ít phút rảnh rỗi, anh vẫn nghe tôi gọi điện thoại đến, hoặc gọi lại cho tôi, hoặc gặp nhau chốc lát để thăm hỏi, trao đổi công việc đời sống thường ngày. Không chỉ riêng tôi mà các đồng đội khác từng gắn bó trong chiến đấu, công tác cùng anh, dù đã về với đời thường ở những miền quê xa xôi nào đó, mà anh ít có điều kiện gặp, nếu biết ai có khó khăn gì, trong phạm vi có thể, anh đều quan tâm giúp đỡ trực tiếp hoặc gián tiếp. Không ít lần qua nhà thăm tôi, anh vẫn trải lòng mình: “Làm thế nào góp phần tri ân các đồng đội - liệt sĩ và vinh danh gia đình các đồng chí đã hy sinh trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị…”. Tình sâu nghĩa nặng, tình đồng chí, đồng đội trong anh là như thế!

 

Vậy mà giờ đây anh đã ra đi về cõi vĩnh hằng! Anh ra đi khi sự nghiệp còn dang dở, để lại sự thiếu vắng đến hẫng hụt trong tôi và nhiều đồng chí, đồng đội từng biết, từng tiếp xúc, gần gũi bên anh...

 

Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên quý mến! Xin được ngỏ lòng như một nén tâm nhang vĩnh biệt anh và chia buồn cùng gia quyến!                  

                           

Đại tá TRẦN NGỌC LONG  - (QĐND)  

Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48 - Thạch Hãn

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek