Tiếp tục tìm hiểu các giải pháp phòng chống tham nhũng trong Nghị quyết 04-NQ/TW mà Ban Chấp hành trung ương vừa thông qua, phóng viên trò chuyện với ông Lê Văn Lân, Phó vụ trưởng Ban Nội chính trung ương, thành viên tổ biên tập Nghị quyết 04.
* Thưa ông, lâu nay xử lý đảng viên vi phạm pháp luật vẫn phải thông qua hai hệ thống: kiểm tra của đảng và thanh tra, điều tra, truy tố của nhà nước. Hai hệ thống này thường vênh nhau về mặt thời gian, và nhiều khi còn mâu thuẫn về nhận thức, xử lý. Trung ương có giải pháp gì?
- Trung ương thảo luận rất kỹ và dành riêng một mục trong Nghị quyết 04 cho nội dung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng.
Cụ thể, tới đây sẽ nghiên cứu gắn kiểm tra của đảng với thanh tra, điều tra, truy tố của nhà nước sao cho xử lý kịp thời sai phạm của cán bộ, đảng viên, vừa đúng pháp luât, vừa đúng quy định của Đảng. Tránh tình trạng cơ quan đảng làm trước, nhà nước làm sau hay ngược lại, dễ dẫn tới không thống nhất, và kéo dài thời gian xử lý.
Đặc biệt, Nghị quyết cũng nêu định hướng kết hợp tổ chức, hoạt động kiểm tra của đảng với thanh tra của nhà nước. Mô hình này Trung Quốc triển khai rất hiệu quả.
VƯỚNG MẮC CỦA CHỈ THỊ 52: ĐÃ THÁO GỠ
* Liên quan đến cơ chế phối hợp, bên công an, kiểm sát đang rất băn khoăn với một số nội dung của Chỉ thị 52. Trung ương lần này có bàn tới không?
- Vấn đề này cũng được Bộ Chính trị chuẩn bị đưa ra Trung ương thảo luận. Lâu nay, trước khi khởi tố, điều tra, truy tố cán bộ đảng viên có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan tố tụng phải báo cáo, xin ý kiến của cấp ủy quản lý cán bộ đó. Cấp ủy đồng ý thì tiến hành, còn chưa đồng ý thì phải chờ ý kiến cấp uỷ.
Nhìn chung thì các cấp ủy đã cho ý kiến kịp thời, giúp cơ quan pháp luật thực thi nhiệm vụ. Nhưng cũng có một số trường hợp, vì lý do này hay lý do khác, cấp ủy trả lời không kịp thời, ảnh hưởng đến thời gian xử lý theo pháp luật.
* Vậy vướng mắc đó được giải quyết ra sao?
- Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành trung ương đã nói rất rõ về vấn đề này, đó là: “Khi phát hiện đảng viên thuộc diện cấp ủy quản lý có dấu hiệu tham nhũng thì các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp xử lý theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức đảng về quyết định của mình, đồng thời phải kịp thời báo cho cấp ủy đảng quản lý cán bộ đó biết”.
Như vậy, cơ quan pháp luật báo cáo cho cấp ủy biết để chủ động xử lý về đảng, chứ không phải đợi cấp ủy đồng ý rồi mới làm.
TẤN CÔNG TỘI PHẠM: KHÔNG PHÂN BIỆT TRONG, NGOÀI ĐẢNG
* Được biết, Bộ Công an, VKSND Tối cao có ý kiến đề nghị tính toán cho áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt với tội phạm tham nhũng, dạng như các biện pháp áp dụng với tội phạm ma túy. Vấn đề này được thảo luận thế nào?
- Cũng có ý kiến đề xuất như vậy. Nhưng Trung ương thấy rằng đây là nghị quyết của Đảng, tập trung vào các giải pháp mang tính toàn diện, trước mắt và lâu dài phục vụ công cuộc phòng chống tham nhũng. Còn biện pháp, nghiệp vụ điều tra đặc biệt như ghi âm, nghe điện thoại, quay phim, chụp hình…thì thực tế đã có quy định áp dụng với tội phạm ma túy.
Đây là vấn đề cụ thể, mang tính kỹ thuật, đưa vào nghị quyết trung ương là không phù hợp, thậm chí còn gây hiểu lầm không hay. Vì vậy, vấn đề này sẽ được thảo luận khi nghiên cứu sửa đổi pháp luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh tinh thần chung là, không có sự phân biệt nào giữa đối tượng phạm pháp là đảng viên và người ngoài đảng trong áp dụng các biện pháp tố tụng.
* Các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ hoan nghênh những giải pháp mạnh mẽ nêu trong Nghị quyết 04. Vấn đề đặt ra là những ngày tới, khi khởi tố, điều tra đối tượng là đảng viên thì có phải chờ sửa đổi Chỉ thị 52 không, hay là có thể áp dụng luôn tư tưởng của nghị quyết?
- Theo tôi thì các cấp ủy có thể bám vào tư tưởng đó triển khai ngay nếu không có quy định khác. Bởi Nghị quyết 04 là của Ban Chấp hành trung ương, cơ quan có thẩm quyền cao nhất giữa hai kỳ Đại hội, lại ban hành sau Chỉ thị 52 của Bộ Chính trị. Nhưng đây là vấn đề quan trọng, nên Bộ Chính trị và các cơ quan chức năng chắc sẽ có hướng dẫn thêm.
* Xin cảm ơn ông!
Nghĩa Nhân (Pháp luật TP.HCM)