Thứ Ba, 01/10/2024 00:20 SA
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề án về Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng
Chống tham nhũng: không có vùng cấm
Thứ Ba, 29/08/2006 09:42 SA

Hôm qua 28-8, phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Ngay trong buổi họp đầu tiên, UBTVQH đã thực hiện một nội dung quan trọng là thông qua Nghị quyết về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Theo đó, Trưởng ban chỉ đạo này là Thủ tướng Chính phủ, có quyền tạm đình chỉ chức vụ thứ trưởng và tương đương trở xuống.

 

060828-tin-chong-tham-nhung.jpg

 

ĐÌNH CHỈ CÔNG TÁC CẤP THỨ TRƯỞNG KHÔNG CẦN BÁO TRƯỚC

 

Đa số ý kiến của các Ủy viên UBTVQH đều nhất trí với quy định quan trọng nhất trong nghị quyết: “Thủ tướng Chính phủ đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ thứ trưởng và tương đương; chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường trực của HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, và các chức vụ khác do Thủ tướng bổ nhiệm; cách chức khi người đó có dấu hiệu tham nhũng, gây khó khăn cho hoạt động chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức”.

 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, đây là ủy quyền của Ban Bí thư cho Thủ tướng ra quyết định tạm đình chỉ mà không phải thông báo trước. Thủ tướng phải chịu trách nhiệm cá nhân với quyết định của mình. Ông cũng cho biết, nghị quyết đã bỏ quy định thời hạn tạm đình chỉ với lý do thời gian dài hay ngắn phụ thuộc vào mức độ vi phạm và tính chất phức tạp của vụ việc, vào tiến trình điều tra, truy tố, xét xử...

 

Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm trong dự thảo là quy định Thủ tướng với tư cách Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng có quyền kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ các chức vụ cao hơn thứ trưởng (bao gồm Phó Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; trưởng ban, các phó trưởng ban của Đảng và các chức vụ tương đương; chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Chánh án TAND tối cao, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao).

 

Ông Hà Mạnh Trí, Viện trưởng Viện KSND tối cao thắc mắc: “Dự thảo ghi như thế, nếu cấp cao hơn Phó Thủ tướng có dấu hiệu tham nhũng thì sao? Và như vậy có phải là các chức vụ cao hơn Phó Thủ tướng là không tham nhũng?”.

 

Tham dự phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cũng cho rằng, quyền của Thủ tướng thì Thủ tướng cứ xử, còn ngoài quyền hạn thì Thủ tướng có quyền kiến nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tạm đình chỉ chức vụ.

 

Tiếp thu những ý kiến này, Ban soạn thảo đã điều chỉnh lại theo hướng ngoài việc tự mình được ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ cấp thứ trưởng và tương đương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức đình chỉ chức vụ với những chức vụ ngoài thẩm quyền.

 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, với thẩm quyền được Ban Bí thư giao thêm, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo chỉ là chỉ đạo, định hướng chung theo hướng không để lọt tội phạm tham nhũng, không làm oan sai, không để “chìm xuồng”; nhưng còn việc bắt ai hay không, truy tố hay không, xét xử như thế nào thì Ban Chỉ đạo tuyệt đối không can thiệp.

 

ĐỘC LẬP VỀ BỘ MÁY, KINH PHÍ ĐỂ HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ

 

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu cũng giải thích thêm rằng về bộ máy của Ban chỉ đạo cũng sẽ độc lập. Kinh phí hoạt động của ban này cũng vậy. “Căn cứ tình hình thực tiễn, Thủ tướng sẽ trình Quốc hội về kinh phí hoạt động của Ban này theo Luật Ngân sách nhà nước”.

 

Ngoài cơ cấu “cứng” được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng là Thủ tướng Chính phủ giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Thủ tướng là Phó trưởng ban Thường trực, sẽ có thêm một Ủy viên Thường trực kiêm Chánh văn phòng của Ban Chỉ đạo này. Chế độ, chính sách của Ủy viên Thường trực sẽ tương đương với cấp bộ trưởng. Các ủy viên khác sẽ gồm Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ VH-TT, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

 

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu, ngay sau khi Chủ tịch nước ký lệnh công bố nghị quyết này, UBTVQH sẽ thông qua nghị quyết về các chức danh cụ thể trong Ban chỉ đạo. Tham gia phiên họp, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng bày tỏ mong muốn Chủ tịch nước và UBTVQH sớm ban hành các văn bản này để ban chỉ đạo sớm đi vào hoạt động.

 

Một số nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng

 

Chỉ đạo, đôn đốc cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền kiểm tra việc triển khai các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng về công khai, minh bạch; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; về thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức; về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng.

Chỉ đạo, đôn đốc hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra; đôn đốc, kiểm tra hoạt động truy tố, xét xử đối với vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử thông qua hoạt động của mình làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng cũng như những sơ hở, bất hợp lý của chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề ra biện pháp khắc phục; sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp.

Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền trong việc xử lý đơn khiếu nại, tố cáo hành vi liên quan đến tham nhũng và các thông tin về vụ việc tham nhũng do các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện, cung cấp, đưa tin…

 

Khi ban bố tình trạng khẩn cấp về bệnh dịch

Cần áp dụng biện pháp đặc biệt

 

Chiều 28-8, UVTVQH đã thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Theo kiến nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hoài Thu, dự luật cần có quy định cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt, kể cả “hạn chế một số quyền của con người” để bảo vệ lợi ích chung của quốc gia.

 

Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH cho rằng: một số bệnh dịch tối nguy hiểm thuộc nhóm A, khi phải ban bố tình trạng khẩn cấp nghĩa là bệnh dịch đó đã lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe nhân dân, thậm chí liên quan đến an ninh quốc gia.

 

BẢO MINH (SGGP)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek