Đội ngũ cán bộ (CB) của Đảng hiện nay nói chung, của Phú Yên nói riêng, nhìn chung được rèn luyện thử thách trong quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ nên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu con đường đi lên CNXH, quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Đội ngũ CB cơ sở ngày càng được trẻ hoá, chất lượng được nâng lên, trình độ chuyên môn nghiệp vụ từng bước được đào tạo theo yêu cầu chức danh được đảm nhiệm.
Tuy vậy, một số CB hiện nay trình độ và năng lực quản lý nhà nước, công tác vận động quần chúng còn hạn chế, kiến thức về khoa học kỹ thuật và công nghệ cao còn thiếu. Đặc biệt, thiếu nghiêm trọng CB đầu đàn…Đáng chú ý là nhiều nơi CB chưa bảo đảm tính kế thừa, tỷ lệ CB nữ, người dân tộc thiểu số còn thấp.
Dân chủ hóa sẽ góp phần tạo ra một đội ngũ cán bộ có năng lực và phẩm chất cách mạng tốt. Trong ảnh: Cán bộ UBND phường 7 (TP Tuy Hòa) giải quyết công việc hàng ngày - Ảnh: THẠCH BÍCH
Đáng chú ý, đội ngũ CB tuy đông nhưng không đồng bộ, trình độ kiến thức và năng lực lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Số lượng được đào tạo, bồi dưỡng nhiều nhưng chưa đồng bộ, đào tạo nâng cao, chuyên sâu còn ít, năng lực thực tiễn của một bộ phận còn hạn chế… Một số ít CB lười học, lười nghiên cứu; một số học cốt để kiếm bằng cấp, thậm chí chạy bằng giả. Một số khác không tự tu dưỡng, rèn luyện, tự phê bình và phê bình, bị chủ nghĩa cá nhân chi phối dẫn đến suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống…
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ 2001 đến 2005, toàn tỉnh ngoài hơn 500 cán bộ quản lý các cấp được đào tạo lý luận chính trị cử nhân và cao cấp, 893 cán bộ được đào tạo lý luận chính trị trung cấp, 934 cán bộ công chức được đào tạo đại học chuyên ngành, 104 cán bộ đào tạo sau đại học, 284 cán bộ được đào tạo cao cấp và trung cấp quản lý NN…, còn có hàng trăm đối tượng cán bộ dân tộc thiểu số được đào tạo về quản lý kinh tế, trung cấp chính trị, quản lý NN… Nhờ vậy mà trình độ các mặt của CB đã được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, nhưng chủ yếu là do: Bước vào thời kỳ mới với những thách thức và yêu cầu mới nhưng các cấp ủy chưa dự báo được những yêu cầu mới đối với CB; chưa chủ động quy hoạch nguồn CB kế cận, làm cho đội ngũ CB thiếu đồng bộ, hẫng hụt. Do không quy hoạch nên đội ngũ CB vừa thừa vừa thiếu-thừa những người không có năng lực, thừa CB ở một số bộ phận trong khi lại thiếu CB có khả năng và ở những bộ phận khác.
Việc đánh giá, bố trí CB có khi còn chủ quan, chưa hợp lý, thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Nhiều trường hợp nặng về cơ cấu, hẹp hòi định kiến, không mạnh dạn đề bạt CB, nhất là CB nữ, CB trẻ; chưa thật sự dựa vào hiệu quả công tác của CB đó đảm nhận để đánh giá, đề bạt. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng không gắn với tiêu chuẩn, không gắn với quy hoạch, không gắn với bố trí sử dụng… Thường là đã cất nhắc lên thì không đưa xuống được hoặc đã vào cấp ủy thì không đưa ra được.
Đánh giá CB hàng năm, đối với cán bộ thuộc diện Thường vụ các huyện, TP quản lý có 0,1% chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nhiệm kỳ 2001-2005, cấp uỷ và UBKT các cấp trong tỉnh tiến hành kiểm tra 4.945 đảng viên và 766 tổ chức đảng, phát hiện có 1.070 đảng viên và 107 tổ chức có vi phạm, trong đó có 557 trường hợp bị xử lý kỷ luật.
CB của Đảng, là công bộc của dân yêu cầu phải có cả tài lẫn đức, trong đó đức phải được đặt lên hàng đầu, phải “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư“. Song mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn cách mạng cần có một loại cán bộ thích hợp. Thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đòi hỏi trình độ của đội ngũ CB phải được nâng cao hơn về mọi mặt. Để xây dựng đội ngũ CB đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra, cần phải “Tiếp tục đổi mới công tác CB cả về nội dung và phương pháp, tạo chuyển biến cơ bản, vững chắc trong công tác CB; xây dựng đồng bộ đội ngũ CB, đặc biệt là CB cấp chiến lược, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, thật sự vì Đảng, vì dân, có bản lĩnh và trí tuệ, đi đầu trong công việc, gương mẫu trong đạo đức lối sống, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XIV đã xác định. Bên cạnh phải nắm vững những quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ CB của thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, cần phải dân chủ hoá công tác CB. Tại Đại hội VI, mở đầu công cuộc đổi mới của Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói: “Dân chủ hoá công tác CB là cách làm đúng đắn mà chúng ta cần thực hiện. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, bao gồm cả công tác CB. Cần bác bỏ quan niệm bảo thủ cho rằng công tác CB là việc bí mật, chỉ một số ít người làm. Phải đổi mới tư duy trong công tác CB, điều quan trọng là phải dựa vào quần chúng. Nhân dân phải được tham gia ý kiến ngay từ quá trình chuẩn bị lựa chọn người sẽ lãnh đạo mình”.
LÊ VĂN LẬP