Thứ Sáu, 04/10/2024 02:20 SA
Cách mạng Tháng Tám ở các làng quanh thành An Thổ
Thứ Bảy, 21/08/2010 09:00 SA

Thành An Thổ – thủ phủ tỉnh Phú Yên thời nhà Nguyễn, đến năm 1839, theo yêu cầu của thực dân Pháp, chính quyền phong kiến Nam Triều tỉnh Phú Yên dời ra Sông Cầu. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Để mị dân, phát xít Nhật đã phóng thích tù chính trị ở các nhà lao Trà Kê, Buôn Ma Thuột. Được sự chỉ đạo của ban lãnh đạo nhà tù, các đồng chí: Trương Kiểm (An), Lê Cấp (Mẫn), Hoàng Văn Phúc (Xuân), Đoàn Văn Sơ (Sửu) về Phú Yên hoạt động, gây dựng lại phong trào cách mạng.

 

Thanh-An-Tho100821.jpg

Một góc thành An Thổ  – Ảnh: D.T.XUÂN

 

Đồng chí Nguyễn Trung Mai ở Trà Kê cũng về hoạt động ở Tuy An. Tháng 6/1945, phong trào Việt Minh phát triển ra các xã phía Bắc huyện Tuy An. Các đồng chí trong Mặt trận Việt Minh huyện bí mật vận động những thanh niên trí thức các làng quanh thành An Thổ tham gia Việt Minh. Một số thanh niên yêu nước đi buôn bán tại Quảng Ngãi, biết được tình hình khởi nghĩa, giành chính quyền ở Quảng Ngãi hoạt động rất mạnh. Họ bí mật tổ chức các hoạt động khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng ban đầu gồm các thanh niên yêu nước Huỳnh Ngọc Châu, Huỳnh Đạo, Nguyễn Kim Bài, Đào Thái Bửu, Nguyễn Ngọc Khâm, Trương Công Thành, Trần Thiện Lưu.

 

Nhóm thanh niên yêu nước theo xu hướng Việt Minh tiến hành nắm và phân loại các đối tượng bị áp bức bóc lột ở trong làng; tuyên truyền kết nạp thêm người vào tổ chức; phân công giám sát những người tình nghi; ông Huỳnh Ngọc Châu được phân công móc nối liên lạc với lãnh đạo cấp trên ở huyện Tuy An để nắm bắt tình hình. Các ông Nguyễn Kim Bài, Đào Thái Bửu, Trương Công Thành chịu trách nhiệm liên lạc trực tiếp với Quảng Ngãi học tập phương pháp hoạt động. Các cuộc hội họp, bàn việc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền đều được tổ chức vào ban đêm, ở ngoài đồng, trong các cuộc đi đánh lưới, để tránh sự tình nghi của kẻ thù.

 

Đầu tháng 8/1945, các thành viên trong nhóm gồm Nguyễn Kim Bài, Đào Thái Bửu, Trương Công Thành liên lạc với Quảng Ngãi thì được biết ở Quảng Ngãi công việc chuẩn bị cho khởi nghĩa đã hết sức khẩn trương. Về lại quê nhà, các thanh niên yêu nước phấn khởi trước khí thế chuẩn bị khởi nghĩa.

 

Ông Huỳnh Ngọc Châu bắt liên lạc được với các đồng chí Trương Kiểm, Nguyễn Thái, Ủy ban Việt Minh phủ Tuy An đã chỉ định ông Huỳnh Ngọc Châu làm Chủ tịch Ủy ban Việt Minh xã An Thổ (nay là An Dân). Từng thôn xóm một bí mật thành lập các tổ tự vệ, để giành chính quyền. Nhằm trang bị gươm giáo cho các đội tự vệ, Ủy ban Việt Minh xã An Thổ quyết định huy động sắt thép ở các lò rèn và phá các xác xe Nhật bị ném bom dọc đường để lấy sắt, thép. Ủy ban cũng bí mật may cờ Việt Minh, chuẩn bị cho các cuộc biểu tình sắp tới.

 

Ngày 22/8/1945, nhân dân các làng Mỹ Long, Cần Lương, Bình Hòa, Bình Chính kéo về sân vận động An Thổ để biểu tình thị uy. Lực lượng tham gia rất đông, trên 1000 người. Đồng chí Huỳnh Ngọc Châu đã diễn thuyết về sự cần thiết phải đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, kêu gọi nhân dân ủng hộ mặt trận Việt Minh. Khí thế quần chúng lên rất cao.

 

Kết thúc cuộc biểu tình thị uy là việc biểu dương lực lượng. Đông đảo quần chúng nhân dân lưng đeo dao phay, tay cầm cờ và gậy tầm vông tuần hành từ An Thổ qua nhà thờ Mằng Lăng.

 

Tự vệ các làng đi biểu dương rầm rộ từ Tổng An Hải lên Tổng An Sơn. Bọn quan lại ở phủ lỵ biết nhưng làm ngơ, không dám phản ứng. Phong trào cách mạng của nhân dân An Thổ thực sự trở thành cao trào. Đặc biệt trong các cuộc biểu tình thị uy này, ngoài lực lượng nòng cốt là các nam thanh niên: Huỳnh Ngọc Châu, Nguyễn Tống, Phạm Thung, Lư Tý, Lư Thạch, còn có lực lượng chị em phụ nữ tham gia rất đông đảo, tiêu biểu là các chị: Nguyễn Thị Tửu, Trương Thị Hòa, Lương Thị Thảo... Lực lượng tự vệ phát triển nhanh chóng, có trên 1000 người được trang bị vũ khí. Từ tháng 8/1945, phong trào Việt Minh các làng quanh thành An Thổ hoạt động công khai. Nhân dân sẵn sàng đứng lên khởi nghĩa và đã được diễn tập qua các cuộc biểu tình thị uy. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Việt Minh phủ Tuy An, sáng ngày 25/8/1945, nhân dân các làng: Mỹ Long, Cần Lương, Bình Chính, Bình Hòa, Phú Mỹ, Long Uyên, An Thổ rầm rộ kéo về Chí Thạnh để giành chính quyền. Ai cũng tự trang bị vũ khí thô sơ như: dao, gậy vót nhọn, dây thừng... Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền hừng hực khí thế tấn công. Cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay. Biểu ngữ sáng rực cả một vùng.

 

Dòng người cuồn cuộn kéo vào vây kín phủ đường Tuy An. Bọn quan lại hoảng sợ, trốn chạy. Việc giành chính quyền kết thúc vào lúc 14 giờ chiều ngày 25/8, khi Tri phủ Phan Đình Chi và Lại mục Lê Tấn Cầu giao ấn tín cho Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời. Cùng ngày, nhân dân các làng Mỹ Long, Cần Lương, Bình Chính, Bình Hòa, Long Uyên, An Thổ đã tỏa về làng mình để tước khí giới của bọn hương hào, hương mục, lý trưởng, thu đoạt bằng sắc, thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời. Ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa đã có những hạt nhân tiêu biểu của phong trào. Cụ thể như tại Phú Mỹ có các đồng chí: Huỳnh Ngọc Châu, Nguyễn Kim Bài, Trần Thiện Lưu, Trương Công Thành, Huỳnh Đạo, Trần Phụng Giao đã đi đầu trong việc vận động nhân dân Phú Mỹ giành chính quyền, buộc Lý trưởng Trần Phụng Hoàng giao bằng sắc cho Mặt trận Việt Minh. Tại Bình Hòa có: Nguyễn Phụng Cát, Võ Thanh, Đỗ Thanh, Phạm Trình, Lư Tý, Bùi Văn Lang, Lư Thạch, Phạm Thung, Phạm Liễu đã huy động nhân dân giành chính quyền, tước đồng triện của Lý trưởng Bùi Kính.

 

Cùng với Phú Mỹ, Bình Hòa, nhân dân ở các làng Long Uyên, Mỹ Long, Bình Chính, An Thổ, Cần Lương đều nhất tề đứng dậy giành chính quyền ở làng mình. Các đồng chí Nguyễn Ngọc Cư, Nguyễn Tân, Bùi Mộng Quang, Đinh Bá Nghĩnh, Bùi Mộng Hùng, Vũ Kim Anh, Nguyễn Tống, Trương Thị Hòa, Nguyễn Thị Tửu là những cá nhân xuất sắc, tham gia tích cực công tác tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau khi giành chính quyền, lực lượng du kích còn kéo sang tổ chức mít tinh tại nhà thờ Mằng Lăng.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, UBND cách mạng lâm thời ở các làng được thành lập. Làng Mỹ Long, đồng chí Nguyễn Ngọc Cư làm Chủ tịch; làng Phú Mỹ, đồng chí Trương Công Thành làm Chủ tịch; làng Bình Hòa, đồng chí Nguyễn Phụng Cát làm Chủ tịch.

 

THÀNH VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek