Đầu năm 1944, phong trào đấu tranh của công nhân Nhà máy Đường Đồng Bò lại bùng lên. Chi bộ Đảng ở nhà máy được đồng chí Trần Hào, Bí thư Tỉnh ủy xây dựng từ năm 1937, tuy có lúc bị địch truy lùng đánh phá gắt gao, phải chuyển hình thức hoạt động, nhưng tất cả các đảng viên trong chi bộ đều giữ vững khí tiết người cộng sản, quyết tâm bám nhà máy, bám quần chúng công nhân để hoạt động cách mạng. Thông qua Hội Ái hữu thợ thuyền để nuôi dưỡng phong trào quần chúng.
Đồng chí Phan Ngọc Bích trên đường công tác từ Gia Lai, Sơn Hòa trở về dừng lại thôn Bình Sơn để nắm tình hình Nhà máy Đường Đồng Bò. Lúc này bọn phát xít Nhật đã cử một tiểu đội lính lên tuần tra ở nhà máy đường vài hôm rồi trở về thị xã. Nhân dân lo lắng không biết tình thế ra sao bởi vừa đế quốc Pháp vừa phát xít Nhật cùng với bọn tay sai ra sức đàn áp, bóc lột. Các đồng chí Phan Ngọc Bích, Trương Dụng Quyền, Trần Bình Long đã họp để nhận định tình hình: Nhật đến đây, bọn chủ nhà máy càng hoang mang run sợ, vừa sợ lực lượng cách mạng vừa sợ bọn lính Nhật. Do đó, các đảng viên phải nhanh chóng tuyên truyền giáo dục ổn định tư tưởng cho nhân dân, tổ chức đình công và mít tinh để tiếp tục xây dựng khí thế cách mạng trong quần chúng; yêu sách của giai cấp công nhân lần này phải cao hơn và cụ thể hơn các lần trước. Một vấn đề quan trọng mà các đồng chí Phan Ngọc Bích, Trương Dụng Quyền, Trần Bình Long bàn bạc rất kỹ lưỡng là nghiên cứu phương án xây dựng lực lượng tự vệ trong nhà máy và các đội chặt mía ở các địa phương để chuẩn bị cho các yêu cầu mới của cách mạng. Nhiệm vụ này các đồng chí nhất trí giao cho đồng chí Trần Bình Long thực hiện càng sớm càng tốt.
Giữa năm 1944, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, Nhà máy Đường Đồng Bò, Hội Ái hữu thợ thuyền vận động trên 500 công nhân nhà máy đình công, đấu tranh đòi thi hành Luật Lao động, ngày làm việc 8 giờ. Tăng lương 25% cho công nhân, đòi chủ nhà máy phải bán gạo, vải theo giá quy định, phát thuốc chữa bệnh và trả phụ cấp độc hại. Cuộc đình công kéo dài 3 ngày liên tục, công nhân phá hỏng một số máy móc trong xưởng, bỏ việc ngoài đồn điền mía, công nhân bơm nước cũng đình công, phá máy để bảo đảm việc làm cho những người chuyên tát nước thuê khỏi thất nghiệp.
Cuộc đình công đã giành thắng lợi mới, khí thế cách mạng trong công nhân và nông dân được nâng lên, mọi người rất tin tưởng vào khối đoàn kết, quyết tâm của quần chúng, bọn chủ nhà máy càng lo sợ và chấp nhận một số yêu sách: ngày làm 8 giờ, lương tăng 15% (từ 4 xu lên 4,5 xu một ngày công ngoài đồn điền), làm đêm tiền công được trả gấp đôi, được phát thuốc điều trị khi ốm đau và nghỉ việc khi nhà máy hết mía được hưởng 50% lương.
Ngày 9/3/1945, quân đội Nhật bất ngờ tiến công quân Pháp trên toàn cõi Đông Dương.
Tại Phú Yên, tên công sứ Pháp rút chạy khỏi Sông Cầu trốn lên Trà Kê. Đồn Trà Kê đầu hàng Nhật một cách nhục nhã. Sau đảo chính, quân Nhật được tăng cường đóng quân ở phủ Tuy Hòa, khu Đồng Bò. Chiến sự nổ ra càng ác liệt hơn. Máy bay Đồng Minh đón đánh tàu Nhật, bắn phá đường xe lửa, ném bom nhà ga và cầu Đà Rằng.
Ngay tối ngày 9/3/1945, Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng được khẩn cấp triệu tập và cho ra đời văn kiện quan trọng: “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.
Ở Phú Yên, các đồng chí đảng viên trong phủ Tuy Hòa lúc này đã đi tìm gặp nhau để trao đổi tình hình, nhận định thời cuộc, bàn cách nắm quần chúng và phân công nhau tìm bắt liên lạc với các tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có chi bộ Nhà máy Đường Đồng Bò.
Ngày 17/7/1945, Đại hội Việt Minh tỉnh Phú Yên được triệu tập tại thôn Phước Hậu, thông qua báo cáo tình hình trong tỉnh và phương án chuẩn bị khởi nghĩa.
Ngày 19, 20, 21/8/1945, các cuộc biểu tình thị uy của quần chúng trong phủ Tuy Hòa liên tiếp nổ ra tập trung ở khu vực Nhà máy Đường Đồng Bò. Lực lượng tự vệ nhà máy đường, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, đã làm hậu thuẫn cho các cuộc đấu tranh có hiệu quả.
Sau các cuộc tuần hành thị uy quy mô này, bộ máy chính quyền bù nhìn và tay sai thân Nhật từ phủ xuống đến xã hầu như bị tê liệt và tan rã. Một tiểu đoàn quân đội Nhật đóng tại phủ Tuy Hòa và Đồng Bò hầu như “án binh bất động”, đợi ngày rút quân.
Trong hai ngày 18 và 19/8/1945, công nhân, nông dân ở Nhà máy Đường Đồng Bò tham gia biểu tình thị uy. Ngày 20/8/1945, Việt Minh khu Đồng Bò chiếm Nha Bang Tá, đội lính bảo an, tịch thu nhà chủ nhà máy và toàn bộ nhà máy, tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời.
Phong trào đấu tranh ở Đồng Bò (Hòa Phong) thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám đã chứng tỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nông dân ở đây đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
BÌNH TRÂM