HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 17
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002;
Sau khi xem xét Tờ trình số 30/TTr-UBND, ngày 24 tháng 6 năm 2010 về việc đề nghị phê duyệt Đề án phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 tỉnh Phú Yên; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và ngân sách và các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ
Điều 1. Thông qua Đề án phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 tỉnh Phú Yên, với những nội dung kèm theo Nghị quyết này.
Điều 2. Hiệu lực thi hành:
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày được HĐND tỉnh thông qua.
Điều 3. Tổ chức thực hiện:
HĐND tỉnh giao:
1. UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này;
2. Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Phú Yên khóa V, kỳ họp thứ 17 thông qua ngày 16 tháng 7 năm 2010.
CHỦ TỊCH
ĐÀO TẤN LỘC
Đề án về phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 tỉnh Phú Yên
(Kèm theo Nghị quyết số 156/2010/NQ-HĐND, ngày 16/7/2010 của HĐND tỉnh)
I. Mục tiêu của Đề án
Đến năm 2015, cơ bản hình thành chính phủ điện tử tại địa phương, cụ thể: hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông; xây dựng các ứng dụng phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp trong cơ quan nhà nước; xây dựng và phát triển mạnh các cổng giao tiếp điện tử cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp nhằm minh bạch hóa thông tin.
Một số chỉ tiêu đến năm 2015 là:
1. Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT):
- Từ cấp huyện trở lên: phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% có mạng cục bộ (LAN), kết nối Internet băng thông rộng và kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh.
- Cấp xã: phấn đấu đạt từ trên 60% có mạng LAN, trên 50% kết nối Internet băng thông rộng.
- Trường đại học, cao đẳng và trường phổ thông trung học đạt 100% có mạng LAN và kết nối Internet.
- Trường phổ thông cơ sở, các cơ sở y tế đạt trên 50% có mạng LAN và kết nối Internet.
- Trên 60% các cơ quan có hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành.
2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước:
- Bảo đảm 100% các thông tin chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo từ các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh được đưa lên cổng thông tin điện tử.
- Nâng tỉ lệ 100% cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử cho công việc, trong đó đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa là trên 70%.
- Tỉ lệ triển khai sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh là 100% và Văn phòng UBND huyện, thành phố, thị xã là trên 80%.
- Nâng tỉ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức trong tỉnh lên hơn 90%. Đa số máy tính được kết nối mạng. Giảm việc sử dụng giấy tờ.
II. Nội dung chủ yếu của Đề án
1. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước:
- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả ứng dụng các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành và quản lý.
- Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống giao ban trực tuyến.
- Phát triển và cung cấp thông tin trực tuyến phục vụ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước.
- Xây dựng và ban hành quy chế sử dụng văn bản điện tử thông suốt từ UBND tỉnh đến các sở, ban ngành và UBND các huyện để đẩy nhanh hoạt động lưu chuyển văn bản trong công tác quản lý điều hành.
2. Phục vụ người dân và doanh nghiệp:
- Đầu tư nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp theo điều 28 của Luật Công nghệ thông tin. Tiếp tục cung cấp biểu mẫu điện tử qua cổng thông tin điện tử.
- Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.
- Hình thành kênh tiếp nhận ý kiến góp ý trên môi trường mạng, tổ chức đối thoại trực tuyến, chuyên mục hỏi đáp trực tuyến về hoạt động của các cơ quan nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
- Phối hợp với Viện tin học doanh nghiệp - Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015.
3. Xây dựng nền tảng phục vụ Chính phủ điện tử:
- Tiếp tục trang bị đầy đủ thiết bị máy vi tính, máy in cho toàn bộ cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước của tỉnh đạt mức tối thiểu bằng định mức quy định tại Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tổ chức điều tra đánh giá đúng thực trạng năng lực CNTT trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trên cơ sở đó có kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu phát triển CNTT.
- Phát triển hạ tầng truyền thông.
- Phát triển cơ sở dữ liệu.
- Phát triển mô hình điểm: Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn mô hình ứng dụng CNTT điển hình cấp huyện để triển khai áp dụng rộng rãi.
- Hoàn chỉnh môi trường pháp lý.
4. Phát triển nguồn nhân lực CNTT:
- Tăng cường công tác nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức.
- Tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ giám đốc CNTT; bồi dưỡng kiến thức CNTT, đặc biệt là đào tạo về sử dụng các phần mềm mã nguồn mở cho cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước.
- Đẩy mạnh ứng dụng đào tạo trực tuyến cho cán bộ, công chức.
- Bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức chuyên trách về CNTT các cấp.
III. Kinh phí thực hiện của Đề án
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Đề án là: 191.000.000.000 đồng (một trăm chín mươi mốt tỉ đồng), bao gồm các nguồn: kinh phí Trung ương hỗ trợ, kinh phí địa phương, nguồn tài trợ của nước ngoài, các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
IV. Tổ chức thực hiện
Giao UBND tỉnh có kế hoạch cân đối ngân sách hàng năm theo quy định của Chính phủ để thực hiện Đề án này.
CHỦ TỊCH
ĐÀO TẤN LỘC