Thứ Tư, 22/05/2024 04:51 SA
Giành chính quyền ở tỉnh lỵ Sông Cầu tháng 8/1945
Thứ Năm, 19/08/2010 13:01 CH

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ở Sông Cầu, bọn cai trị Pháp chuẩn bị rút lui lên Trà Kê. Chính quyền thực dân Pháp đang tan rã, còn chính quyền bù nhìn do Nhật dựng lên chưa ổn định, mâu thuẫn giữa hai tên cướp nước lên đến tột bậc, tình hình khủng hoảng chính trị đặc biệt có lợi cho phong trào kháng Nhật.

 

Đứng trước tình hình đó, một số đảng viên cũ ở Sông Cầu đã họp nhau tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Nguyên, gồm các đồng chí: Nguyên, Hạnh, Cưu, Cần… cùng nhau trao đổi nhận định tình hình thời cuộc bàn việc nắm quần chúng, nhất là thanh niên, chuẩn bị lực lượng chờ bắt liên lạc với Đảng. Cuộc họp đã thống nhất giao đồng chí Nguyên tìm bắt mối với Đảng.

 

Tháng 5/1945, các đồng chí đảng viên cộng sản được Đảng ủy nhà lao Buôn Ma Thuột phân công về hoạt động tại tỉnh Phú Yên, gồm các đồng chí Trương Kiểm, Lê Cấp, Đoàn Văn Sơ, Hoàng Văn Phúc. Để nhanh chóng tập hợp lực lượng đẩy mạnh phong trào quần chúng chuẩn bị tổng khởi nghĩa, các đồng chí ở Buôn Ma Thuột về đã tìm cách liên lạc với đồng chí Nguyễn Thái (Hòa Đa, Tuy An) và Nguyễn Văn Nguyên (ở Sông Cầu) và tổ chức họp, thành lập Ban vận động Việt Minh tỉnh Phú Yên vào cuối tháng 5/1945. Cuộc họp đã nhận định đánh giá tình hình và đề ra một số chủ trương công tác trước mắt:

 

Sau khi thành lập, Ban vận động Việt Minh đã liên lạc với Xứ ủy, Kỳ bộ Việt Minh và chính thức nhận được Chỉ thị Ban Thường vụ Trung ương Đảng: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đồng chí Nguyễn Văn Nguyên được phân công về Sông Cầu cùng với số đồng chí trong Ủy ban Việt Minh lâm thời tỉnh.

 

Tháng 6/1945, Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên được thành lập gồm các đồng chí: Trương Kiểm, Lê Cấp, Đoàn Văn Sơ, Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Thái… (đồng chí Kiểm được bầu làm Bí thư). Từ khi thành lập Tỉnh ủy lâm thời đến ngày tổng khởi nghĩa, Tỉnh ủy đã có năm lần họp (tại Sông Cầu 2 lần, tại Hòa Đa 3 lần). Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời, phong trào cách mạng Sông Cầu được mở rộng và phát triển nhanh; ở các xã, thôn đều có tổ chức Việt Minh, đội ngũ cán bộ được bổ sung, các chủ trương của tỉnh lúc bấy giờ là chuẩn bị mọi mặt cho tổng khởi nghĩa.

 

Ngày 17/7/1945, Hội nghị thống nhất các lực lượng yêu nước được tổ chức tại làng Phước Hậu (nay là Phường 9 TP Tuy Hòa để thành lập Ủy ban Việt Minh tỉnh nhằm tập hợp và thống nhất các lực lượng yêu nước trong một mặt trận chung dưới sự lãnh đạo của Đảng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Hội nghị bầu đồng chí Nguyễn Văn Nguyên làm Thư ký Ủy ban Việt Minh tỉnh.

 

Sau Đại hội Việt Minh tỉnh, tại Sông Cầu đã tổ chức các cuộc mít tinh vạch mặt bọn thân Nhật. Ngày 17/8/1945, ở Sông Cầu tỉnh trưởng Hồ Ngận tổ chức mít tinh hoan nghênh Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, mừng “Tân Việt Nam độc lập” với hơn một trăm người đến dự hầu hết là công chức, tập trung sau đồn lính khố xanh Sông Cầu. Các cán bộ Việt Minh đã biến cuộc mít tinh này thành buổi nói chuyện phổ biến Chương trình và Điều lệ của Việt Minh.

 

Tiếp theo những ngày sôi sục trong Cách mạng Tháng Tám là cuộc biểu tình hàng vạn người nổ ra ở tỉnh lỵ Sông Cầu vào sáng 20/8/1945. Đoàn biểu tình xếp thành hàng năm, trong đó có một số lính khố xanh ở đồn Sông Cầu ta vận động được, cùng tham gia biểu tình mang theo súng có lắp lê, còn quân chúng thì mang gậy, giáo mác, nhiều cờ băng rôn khẩu hiệu rầm rập kéo qua dinh Tuần vũ hô to các khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc phong kiến địa chủ cường hào phản cách mạng”, “Hoan nghênh chính quyền công – nông cách mạng”, “Nông dân nghèo có ruộng”.

 

Tỉnh trưởng Hồ Ngận và nhiều quan lại khác mặc áo rộng xanh đứng trước sân, tay chắp trước bụng trật tự khép nép đón đoàn biểu tình. Nhưng đoàn biểu tình không vào dinh mà kéo đến tập trung tại sân vận động trên bãi biển Sông Cầu để nghe cán bộ Việt Minh diễn thuyết.

 

Sau cuộc biểu tình thị uy của nhân dân toàn tỉnh tại Sông Cầu, bọn bù nhìn hết sức lo sợ, có số tìm cách liên hệ với Việt Minh; binh lính bảo an hầu hết ngả theo cách mạng; còn bọn thân Nhật lúc này đã bắt đầu trở chiều, nhiều người ở các thành phần lớp trên như địa chủ, phú nông tư sản đã ủng hộ cách mạng hoặc cho con em tham gia các tổ chức cách mạng. Nhìn chung bọn địch không có sự chống đối nào đáng kể. Đa số nhân dân lao động, công nhân và những người nghèo khổ đứng hẳn về phía cách mạng, nhiệt liệt hưởng ứng những chủ trương của Mặt trận Việt Minh. Tổ chức Việt Minh phát triển nhanh đến các làng xã, nhiều nơi nhân dân tự động đi tìm liên lạc với Việt Minh. Ta đã tổ chức được các đội tự vệ và rèn được một số vũ khí thô sơ như: kiếm, dao, mác… Tổ chức Việt Minh còn phát triển cả trong hàng ngũ binh lính địch, hàng trăm lính bảo an đã đi theo cách mạng.

 

Ở Sông Cầu, Ủy ban Khởi nghĩa đã huy động các lực lượng quần chúng và tự vệ ở La Hai, Gò Duối và Sông Cầu làm lực lượng chính để khởi nghĩa và canh gác các công sở sau khi đã chiếm được, may cờ cho quần chúng đi biểu tình và để treo các công sở, chuẩn bị các đoàn cán bộ tiếp quản các công sở.

 

Chương trình khởi nghĩa: Bố trí tự vệ bí mật khắp Sông Cầu, lấy đồn khố xanh trước, đến dinh Tỉnh trưởng rồi đến tất cả các công sở trong một đêm. Sau khi giành chính quyền ở dinh Tỉnh trưởng thì tổ chức mít tinh quần chúng tuyên bố chính quyền đã về tay nhân dân và thông báo về cho các huyện, xã…

 

Trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa đóng tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Nguyên. Sau khi công việc chuẩn bị rất gấp rút đã hoàn thành, tối 24/8/1945, các lực lượng tự vệ bí mật có mặt ở các vị trí đã định, các lực lượng quần chúng trang bị gậy và cờ tập trung từng nhóm nhỏ ở nhiều vị trí sẵn sàng chi viện các nơi cần. 10g tối 24/8/1945, lực lượng tự vệ đến gác các ngả đường, được phép bắt giữ người ra vào lúc đó, để giữ an toàn (thiết quân luật), một lực lượng khác chia nhau bí mật bao vây các công sở của chính quyền bù nhìn, nhà các quan chức lớn, đồn lính khố xanh và dinh Tỉnh trưởng. 11g đêm, đồng chí Nguyễn Văn Thuận và một số lính khố xanh là cơ sở cách mạng bí mật, đưa Ủy ban Khởi nghĩa gồm các đồng chí: Kiểm, Phúc, Nguyên, Thái… và một số đơn vị tự vệ vào đồn khố xanh (lúc này đa số lính khố xanh đã ngả theo cách mạng). Sau đó đồng chí Thuận tập hợp toàn binh lính (không có vũ khí) đứng trước sân đồn cùng đơn vị tự vệ và giới thiệu đồng chí Trương Kiểm thay mặt Mặt trận Việt Minh giành chính quyền ở Sông Cầu, hô hào binh lính hãy theo cách mạng ủng hộ Việt Minh giành chính quyền trong toàn tỉnh Phú Yên.

 

12g đêm, sau khi bố trí tự vệ và lính khố xanh bao vây bên ngoài, đồng chí Nguyễn Thái (được Ủy ban Khởi nghĩa cử làm đại biểu của Mặt trận Việt Minh tỉnh đi nhận chính quyền do Hồ Ngận giao) dẫn một đoàn đại biểu vào Tỉnh đường. Tỉnh trưởng Hồ Ngận y theo lời hẹn đã sẵn sàng ra đón để giao chính quyền. Đồng chí Thái thay mặt Việt Minh tỉnh tuyên bố từ nay xóa bỏ chính quyền thực dân, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng. Sau đó Hồ Ngận bàn giao ấn tín, tài liệu sổ sách cho đoàn cán bộ Việt Minh. Các đoàn khác theo nhiệm vụ được giao tỏa đến các công sở để nhận bàn giao. Việc tiếp quản các công sở cũng được tiến hành nhanh chóng trong đêm 24/8 và chuyển giao cho tự vệ canh gác.

 

Sau khi Hồ Ngận giao xong ấn tín, nhân dân tập trung rất đông trước dinh Tỉnh đường, cờ đỏ sao vàng kéo lên, đồng chí Trương Kiểm đứng lên tuyên bố chính quyền thực dân phong kiến đã xóa bỏ, chính quyền nhân dân đã thành lập, kêu gọi nhân dân ủng hộ chính quyền cách mạng.

 

Sau đó Ủy ban Khởi nghĩa và Ủy ban Việt Minh tỉnh dời trụ sở vào đóng trong đồn khố xanh. Tại đây đã bàn việc đi lấy đồn khố xanh ở Tuy Hòa và Trà Kê.

 

Cũng ngay trong đêm 24/8/1945 tất cả các xã thuộc huyện Sông Cầu đã giành xong chính quyền. Sáng ngày 25/8/1945 cờ đỏ sao vàng treo khắp các đường phố, khắp các vùng nông thôn.

 

Ngày 26/8/1945, Ủy ban Việt Minh quyết định thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh để ra mắt trước nhân dân và bắt tay làm việc. Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Nguyên: Chủ tịch, Trương Kiểm: Phó chủ tịch, Lê Cấp: Ủy viên phụ trách quân sự, Hoàng Văn Phúc: Ủy viên, Nguyễn Thái: Phụ trách Tư pháp, Lê Duy Trinh: Phụ trách tài chính và một số ủy viên khác: Phan Thanh Cưu, Đoàn Văn Sơ, Phạm Ngọc Quế…

 

Ngày 2/9/1945, tại Sông Cầu tổ chức mít tinh do Ủy ban Việt Minh tỉnh chủ trì. Cuộc mít tinh có gần hai vạn đồng bào Sông Cầu và Đồng Xuân tập hợp tại sân vận động Sông Cầu. Trong rừng cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ mừng nước Việt Nam hoàn toàn độc lập sau 80 năm nô lệ, đồng chí Trương Kiểm và Nguyễn Văn Nguyên đã phát biểu nói lên ý nghĩa vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, kêu gọi đồng bào quyết tâm đấu tranh giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.

 

NIÊN TRÂM BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek