Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương (do Thủ tướng đứng đầu) được ủy quyền ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ không quá ba tháng đối với cán bộ, công chức tới cấp bộ trưởng, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp tỉnh khi có dấu hiệu tham nhũng và gây khó khăn cho hoạt động chống tham nhũng. Quyền hạn này vừa được Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ QH tại đề án tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và qui chế hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng.
Ban chỉ đạo do Thủ tướng đứng đầu cho nên thường trực Ủy ban Pháp luật đã đề nghị không nên qui định những người thuộc các cơ quan của Đảng, của QH, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là thành viên của ban. Trong quá trình hoạt động, ban chỉ đạo có thể mời các cơ quan này phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Khi đó thì cơ cấu ban chỉ đạo sẽ gồm: trưởng ban, phó trưởng ban thường trực là Phó thủ tướng kiêm trưởng Ban Nội chính trung ương, chánh văn phòng ban chỉ đạo (cấp bộ trưởng hoặc tương đương), ủy viên gồm bộ trưởng các Bộ Nội vụ, Tài chính, Tư pháp và thường trực ban gồm bộ trưởng Bộ Công an, Tổng thanh tra Chính phủ.
Theo tờ trình của Thủ tướng, ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng rà soát chính sách, pháp luật, phát hiện những sơ hở, bất hợp lý để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tăng cường phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc xây dựng thể chế, chính sách, giải pháp về phòng chống tham nhũng; chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố; chủ trì việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng; đôn đốc kiểm tra việc xử lý đơn, thư tố cáo tham nhũng, trực tiếp chỉ đạo xử lý một số đơn, thư tố cáo đối với cán bộ cao cấp khi cần thiết...Ban chỉ đạo có quyền yêu cầu cung cấp tài liệu về tình hình phòng chống tham nhũng và việc xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng; giao các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Ban này còn chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng lớn, phức tạp và chủ trì thảo luận, kết luận chỉ đạo những vụ việc còn ý kiến khác nhau; cũng như có quyền quyết định tổ chức phúc tra hoặc trực tiếp kiểm tra vụ việc tham nhũng khi cần.
Ngoài ra cũng có quyền yêu cầu cấp có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng. Đối với cán bộ, công chức cao hơn cấp bộ trưởng thì có quyền kiến nghị Bộ Chính trị, QH quyết định tạm đình chỉ chức vụ.
(Theo VTV)