Có lẽ tham nhũng là một trong những từ được dùng nhiều nhất trong đời sống hiện nay. Ở đâu, lúc nào có cũng có nói đến tham nhũng và chống tham nhũng. Hệ thống thông tin phát triển mạnh, sự lan tỏa thông tin càng rộng, vì vậy không chỉ nơi thành thị, chốn công đường người ta nói về tham nhũng, bàn về chống tham nhũng, mà ở vùng sâu, vùng xa, nơi “sơn cùng thủy tận” ai cũng nói đến tham nhũng. Vì tham nhũng là “quốc nạn” của nước ta. Càng ngày, nhiều vụ tham nhũng càng được vạch ra, khi mức độ, tần suất tham nhũng gia tăng. Tham nhũng có ở mọi nơi, ngay ở cấp xã, phường cũng đầy rẫy tham nhũng (Quốc hội đã nói đến tình trạng “chạy chức tổ trưởng dân phố”). Đây là một điều đáng quan ngại. Cấp xã, phường, cấp phòng (ở các sở, bộ, ngành…) là nơi đào tạo ban đầu, cung cấp nguồn cán bộ cho các cấp cao hơn sau này. Nhưng nếu từ cấp cơ sở này đã không trong sạch, đã “nhúng chàm” dẫu là tí chút (vì “miếng” ở cơ sở chẳng có nhiều nhặn gì) mà không được xử lý, cho rằng “chẳng đáng là bao” so với những “ông kẹ” như Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng thì sau này khi họ được cất nhắc lên cao hơn, tai họa cho Đảng, cho dân sẽ chẳng nhỏ tí nào. Một cán bộ thủy lợi huyện, phụ trách vài kilômét kênh mương, vài cái hồ chứa nước nho nhỏ mà đã “có của ăn của để trong nhà” (chắc là có phần chia chác cho cấp trên (!)) được cho là “chuyện vặt”, “bằng cái móng tay, thấm tháp gì so với nơi nọ, nơi kia”, “nó hiền lành, trong sạch lắm” để rồi được cất nhấc lên cấp cao hơn, phụ trách những công trình lớn hơn. Thế là “a lê hấp”, vào nhà đá khi tuổi đã xế chiều vì tham nhũng.
Xin hãy đừng nghĩ rằng, tay trưởng phòng có vài biểu hiện cửa quyền, ăn chặn của dân vài trăm ngàn đồng, một triệu đồng là nhỏ. Chẳng nhỏ đâu. Ở cấp đó, phụ trách công việc như vậy, ăn bẩn như vậy là to rồi. Đừng nghĩ rằng, tay phó chủ tịch phường, thậm chí trưởng ban của một xã ăn “bẩn” vài triệu đồng của nước, của dân là nhỏ. Hành vi đó với hành vi ăn tiền tỷ cũng như nhau. Bắt trộm gà hay bắt trộm bò cũng là ăn trộm cả. Khi đã sắp về hưu, có bắt trộm “con bò” đưa ra xử lý, xã hội sẽ sạch sẽ hơn. Nhưng khi còn trẻ, chỉ bắt trộm “con gà”, không xử lý thích đáng, xã hội sẽ mang một mầm họa lớn sau này. Vì vậy chăm lo giáo dục đạo đức cho cán bộ cơ sở là chăm lo cho tương lai của ngành, của địa phương, của xã hội. Cán bộ cơ sở là người gần gũi nhân dân, nhưng không chịu tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, cố tình mưu lợi riêng từ của công, xà xẻo công quỹ, tiền bạc của nước, của dân… tất sẽ chẳng tiến bộ được. Đảng bộ, chính quyền sở tại phải nghiêm khắc xử lý, cấp trên phải sáng suốt đánh giá cấp dưới bằng “đôi mắt thần cộng sản”, đừng vì những “món quà” lót tay mà thiên lệch, đánh giá sai cán bộ, giới thiệu cho Đảng, cho Nhà nước, đoàn thể những cán bộ đạo đức xấu. Có như vậy, chúng ta mới phòng tham nhũng từ xa, đảm bảo cho một xã hội trong sạch sau này.
TRẦN HỮU THỌ