Chiều 10-6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu trình bày Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban về tình hình thực hiện pháp luật về dân số, người cao tuổi và người tàn tật và thảo luận về vấn đề này.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thành Quang góp ý kiến tại Quốc hội - Ảnh: Nguyễn Đình Nam
NGƯỜI CAO TUỔI CẦN ĐƯỢC CHĂM SÓC TỐT HƠN
Theo báo cáo của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Mấy năm gần đây, tỷ lệ người cao tuổi có xu hướng tăng (năm 2005, cả nước có 7,4 triệu người cao tuổi, tương đương 9% tổng số dân), số lượng người cao tuổi có công chiếm tỷ lệ cao, gần 30% người cao tuổi hưởng các chế độ hưu, mất sức và các chế độ khác.
12 THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ TRẢ LỜI CHẤT VẤN Căn cứ vào ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, danh sách chính thức các thành viên Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI đã được Thủ tướng Phan Văn Khải phân công. Theo đó, có 12 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ sẽ trả lời chất vấn ở kỳ họp này, gồm: Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đào Đình Bình, Tổng thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy. Sau khi các thành viên Chính phủ nói trên trả lời chất vấn, Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ có bài phát biểu về việc điều hành vĩ mô của Chính phủ và một số vấn đề chung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm. Dự kiến, các phiên chất vấn sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 17-6.
Ở hầu khắp các xã, phường, thị trấn trong cả nước, Hội người cao tuổi đã chủ động tiếp tục duy trì thường xuyên và nâng cao chất lượng hoạt động tình nghĩa tuỳ theo hoàn cảnh kinh tế, tập tục văn hoá của từng địa phương, nội dung hoạt động của Hội cơ sở thêm phong phú và hấp dẫn nên Người cao tuổi tự nguyện gia nhập Hội ngày một tăng. Tuy nhiên, 70% số người cao tuổi sống ở nông thôn chủ yếu dựa vào sức lao động của bản thân, sự hỗ trợ của con cháu. Bên cạnh đó, còn hàng loạt các vấn đề chưa thực sự phát huy hiệu quả như: việc cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho người già trên 90 tuổi còn mang tính động viên, nhiều người già chưa đủ ấm vào mùa đông, phải ở nhà tạm, chịu sự ngược đãi của con cái, nhất là đối với người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các đại biểu đưa ra kiến nghị: Chính phủ cần qui định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc giải quyết việc làm cho người tàn tật, đồng thời có chính sách ưu tiên, hỗ trợ về thuế đối với các doanh nghiệp này. Các đại biểu cũng cho rằng, việc xã hội hóa công tác chăm sóc người tàn tật cũng chưa thực sự được quan tâm.
TẠO ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CHO LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ VÀ DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN
Sáng cùng ngày, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đọc báo cáo kết quả giám sát của uỷ ban về tình hình thực hiện Pháp lệnh dân quân tự vệ và Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên. Sau đó, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, tìm biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém trong việc thực hiện hai pháp lệnh này.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên, Uỷ ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét nâng hai Pháp lệnh trên thành luật. Uỷ ban cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng đổi mới chương trình đào tạo đối với hai lực lượng này; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan hữu quan, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để hai lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ý kiến thảo luận của các đại biểu tập trung vào ba nhóm vấn đề lớn: Đánh giá tính khả thi của hai pháp lệnh; phân tích nguyên nhân của thành quả đạt được, cũng như những hạn chế cần phải khắc phục và đưa ra kiến nghị sửa đổi phù hợp.
HOÀI THƯƠNG (tổng hợp)