Ban thường vụ Tỉnh uỷ Phú Yên đang khắc phục các nhược điểm trong công tác luân chuyển cán bộ, trong đó nhấn mạnh đến việc chỉ luân chuyển những cán bộ trẻ có triển vọng và trong qui hoạch, đồng thời việc luân chuyển đáp ứng sư ổn định đội ngũ cán bộ và kịp thời thay thế những cán bộ yếu kém. Đồng thời, Tỉnh uỷ Phú Yên kiến nghị lên Trung ương cần có chính sách bổ sung biên chế dự phòng và thống nhất về chế độ, chính sách đối với cán bộ được luân chuyển....
Qua ba năm thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, tỉnh Phú Yên đã luân chuyển 92 đồng chí. Theo đánh giá của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Phú Yên, việc luân chuyển đạt nhiều kết quả, những đồng chí được luân chuyển thuộc diện cán bộ trong qui hoạch, đã có bước trưởng thành trong công việc và cùng cấp uỷ, chính quyền nơi đến công tác triển khai thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Tỉnh uỷ Phú Yên cũng đã thực hiện chế độ đãi ngộ đối với các đồng chí được luân chuyển như hổ trợ kinh phí từ 1 đến 4 triệu đồng/người, được xét nâng lương sớm hơn niên hạn một năm khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ....
Tuy nhiên, việc luân chuyển đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, chủ yếu là luân chuyển cán bộ huyện về xã (phường, thị trấn); cán bộ xã luân chuyển lên huyện còn khó khăn do khó đảm đương được nhiệm vụ và chưa đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ. Trong số 92 cán bộ được luân chuyển chỉ có 7 cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh uỷ Phú Yên quản lý. Công tác luân chuyển cán bộ hầu như chỉ mới tập trung các chức danh bí thư và chủ tịch UBND, nhiều chức danh khác chưa thực hiện; do vậy về lâu dài việc luân chuyển cán bộ thời gian qua chỉ đáp ứng một số yêu cầu trước mắt, chưa thật sự gắn công tác luân chuyển cán bộ với qui hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nguồn ở các cấp, các ngành....Bên cạnh đó, không ít cán bộ thời gian thực hiện luân chuyển chỉ một năm nên thời gian tiếp cận với thực tiễn địa phương rất hạn chế cũng như gây xáo trộn trong bộ máy không cần thiết. Một số cán bộ được luân chuyển còn ngại khó và chưa tự giác nhận nhiệm vụ mới, trong khi cấp uỷ nơi đến công tác chưa thật sự tạo điều kiện làm việc.
Chính vì chủ yếu luân chuyển cán bộ huyện về xã (phường, thị trấn) nên việc xây dựng các nhà công vụ tại một số huyện đang trở nên lãng phí, trong khi đó 40 cán bộ luân chuyển về công tác cấp xã rất khó khăn trong việc sinh hoạt, ăn, ở. Đó là chưa kể tình trạng các xã, phường, thị trấn mặc dù đã đủ biên chế nên khi nhận cán bộ được luân chuyển buột phải “gánh” thêm biên chế...
THẾ LẬP