Chủ Nhật, 29/09/2024 20:25 CH
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Thứ Sáu, 02/06/2006 07:55 SA

Sinh hoạt chi bộ là một hoạt động thường xuyên mỗi tháng một lần theo quy định của Điều lệ Đảng. Mục 2, điều 24 của Điều lệ Đảng ghi rõ: “Chi bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; giáo dục, quản lý và phân công công tác cho đảng viên; làm công tác vận động quần chúng và công tác phát triển đảng viên; kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng viên; thu, nộp đảng phí. Chi bộ, chi ủy họp thường lệ mỗi tháng một lần”.

 

Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các chi bộ, các cấp ủy Đảng cần phải làm tốt việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, đảng viên trong việc thực hiện nền nếp sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng.  

 

Căn cứ nhiệm vụ của chi bộ và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, chi ủy lựa chọn hình thức sinh hoạt chi bộ cho phù hợp (định kỳ hay chuyên đề). Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, cần thực hiện tốt các nội dung chủ yếu sau đây:

 

Một là, thông báo tình hình thời sự, những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên. Thông tin tình hình thời sự trong nước, thế giới và tình hình kinh tế xã hội của ngành, địa phương theo nội dung hướng dẫn của Ban tuyên giáo cấp ủy cấp trên và hướng dẫn những tài liệu để đảng viên nghiên cứu, tham khảo.

 

Phổ biến, quán triệt những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết, chỉ thị và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, nhất là những vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; quyền và nghĩa vụ của đảng viên.

 

Hai là, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của chi bộ tháng trước. Căn cứ vào Nghị quyết của chi bộ tháng trước để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của chi bộ; nêu rõ những việc làm được, chưa làm được, nguyên nhân chủ quan, khách quan và xác định rõ trách nhiệm của chi ủy, Bí thư chi bộ và đảng viên. Trong đó chú ý một số nội dung sau đây:

 

- Đánh giá tình hình tư tưởng và những diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ, nhất là những vấn đề mới nổi lên cần quan tâm giải quyết.

 

- Đánh giá tình hình đảng viên trong chi bộ thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, Nghị quyết của cấp ủy cấp trên và việc thực hiện các nhiệm vụ được chi bộ phân công.

 

- Tình hình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và những đề xuất, kiến nghị của cán bộ, đảng viên, quần chúng ở địa phương, cơ quan, đơn vị cần quan tâm chỉ đạo, giải quyết.

 

- Tổng hợp ý kiến nhận xét, phản ánh của quần chúng về sự lãnh đạo của chi bộ, vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên và những biểu hiện tiêu cực có liên quan đến cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị để chi bộ biết nhằm phát huy những mặt tốt, có biện pháp lãnh đạo phòng ngừa và giúp đỡ những đảng viên sai phạm (nếu có). Trên cơ sở tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn, vướng mắc của bản thân, gia đình đảng viên, chi bộ cần bàn và có biện pháp cụ thể để giúp đỡ kịp thời với tinh thần đoàn kết, tình đồng chí.

 

Ba là, đề ra nhiệm vụ của chi bộ. Căn cứ chương trình, kế hoạch công tác của chi bộ trong quý, kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng trước, yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, chi bộ xác định và chọn ra một số nhiệm vụ cụ thể để thực hiện trong tháng tới như: Những vấn đề về tư tưởng nổi lên mà chi bộ cần tập trung lãnh đạo; những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, bức xúc trước mắt phải thực hiện; những giải pháp để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; về công tác phát triển đảng viên…

 

Bốn là, chi bộ thảo luận, thông qua kết luận hoặc Nghị quyết. Đồng chí Bí thư chi bộ cần nêu rõ những nội dung trọng tâm, quan trọng để chi bộ tập trung thảo luận. Trong thảo luận, phải thật sự phát huy dân chủ, tạo được không khí đoàn kết, cởi mở, thẳng thắn để các đảng viên thể hiện chính kiến của mình. Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, chi bộ cần trao đổi, thảo luận kỹ, tạo sự thống nhất cao trước khi biểu quyết.

 

Đó là bốn nội dung cơ bản cần phải thực hiện tốt để sinh hoạt chi bộ đạt chất lượng cao. Ngoài bốn nội dung cơ bản đó cần phải lưu ý ba vấn đề quan trọng đối với Ban chi ủy và Bí thư chi bộ: Một, Ban chi ủy, mà trước hết là đồng chí bí thư phải căn cứ vào nhiệm vụ của chi bộ trong từng thời gian và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, chuẩn bị kỹ nội dung và thông báo trước cho đảng viên biết nội dung, thời gian và địa điểm họp. Hai, trong buổi họp chi bộ, đồng chí Bí thư phải thông báo tình hình đảng viên dự họp, thông qua chương trình, nội dung và nêu rõ những vấn đề trọng tâm chi bộ cần tập trung thảo luận; phải cử thư ký để ghi chép đầy đủ, trung thực ý kiến phát biểu của đảng viên  và ghi biên bản cuộc họp chi bộ. Ba, ngoài các buổi sinh hoạt định kỳ, chi ủy cần lựa chọn một số nội dung cụ thể, thiết thực, sát với tình hình và nhiệm vụ của chi bộ để sinh hoạt theo các chuyên đề như: Xây dựng nông thôn, làng, khu phố văn hóa; công tác đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội trên địa bàn; công tác tạo nguồn phát triển đảng viên mới; việc phân công công tác cho đảng viên; biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và các giải pháp để nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực cho đội ngũ đảng viên…

 

TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek