Chủ Nhật, 29/09/2024 22:25 CH
Quốc hội thảo luận dự thảo nghị quyết về dự án công trình trọng điểm quốc gia
Thứ Hai, 29/05/2006 16:04 CH

Sáng 29-5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, Quốc hội nghe dự thảo nghị quyết về dự án công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và báo cáo thẩm tra về việc sửa đổi Nghị quyết số 05/1997/QH10, ban hành Nghị quyết mới của Quốc hội về tiêu chí các dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Các công trình quốc gia là những công trình có ý nghĩa rất quan trọng trong các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cho đến nay, sau 8 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương có liên quan đều cố gắng chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tuy nhiên, tiến độ các công trình quan trọng quốc gia đều bị chậm, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Từ năm 1997 đến nay, Quốc hội đã quyết định 5 công trình quan trọng quốc gia. Bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được, có thể thấy một số vấn đề qua các công trình này cần phải tính toán thêm. Dự án Khí - điện - đạm Bà Rịa - Vũng Tàu (5 dự án) với tổng vốn đầu tư dự tính khoảng 6,095 tỷ USD. Sau 8 năm thực hiện, đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 9 dự án như dự án Đường ống Nam Côn Sơn, các Nhà máy điện Phú Mỹ 1, Nhà máy 3, Nhà máy 2.1, Nhà máy 2.2… Nhà máy đạm Phú Mỹ, Công trình khí trên bờ… So với chủ trương đầu tư và kế hoạch ban đầu thì tiến độ thực hiện toàn bộ dự án là chậm. Trong số các dự án, chỉ có một vài dự án hoàn thành đúng tiến độ. Theo kế hoạch, dự án chậm nhất phải hoàn thành vào năm 2004, nhưng đến nay vẫn còn dự án dang dở, đa số chậm ít nhất từ 2 năm trở lên, một số dự án phải điều chỉnh đến năm 2010. Nguyên nhân của sự chậm chễ là do dự án quá lớn, công nghệ phức tạp, phải xử lý nền móng công trình tại các địa điểm có nền đất yếu; năng lực, trình độ, kinh nghiệm quản lý còn hạn chế; chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra ngay từ khâu khảo sát, lập kế hoạch đến khâu thi công nên một số công trình bị sụt lún làm phát sinh vốn đầu tư, nảy sinh tiêu cực; công tác GPMB, tái định cư và xây dựng các công trình phụ trợ chưa đồng bộ với tiến trình thực hiện dự án.

Phiên làm việc sáng nay, Quốc hội tập trung thảo luận 5 vấn đề: Tên nghị quyết, về các tiêu chí dự án công trình quan trọng quốc gia, về qui mô vốn của dự án công trình quan trọng quốc gia, về phạm vi thẩm tra dự án công trình quan trọng quốc gia, tiêu chuẩn môi trường.

Các ý kiến nêu ra trong thảo luận

Trong phần thảo luận tại Hội trường, đại biểu Hoàng Thiện Cát (đoàn Hưng Yên) cho rằng, Nghị quyết lần này mới chỉ giới hạn trong phạm vi dự án đầu tư là chưa đủ. Bởi, việc mở rộng ra đối với các dự án về chiến lược, chương trình qui hoạch, kế hoạch phát triển của quốc gia là rất cần thiết. Đây là những vấn đề hết sức quan trọng mà trong thời gian vừa qua có rất nhiều vướng mắc, nổi cộm, tiêu cực như việc qui hoạch kế hoạch đầu tư dàn trải, không đồng bộ, đầu tư theo kiểu phong trào, thiếu thận trọng trong việc quyết định chủ trương đầu tư nên đã gây ra những thất thoát lớn, kém hiệu quả, thậm chí bị bỏ dở, gây lãng phí lớn cho tiền của của Nhà nước. Theo đại biểu Hoàng Thiện Cát, đây là những vấn đề cần điều chỉnh trong Nghị quyết lần này của Quốc hội.

Về tiêu chí qui mô vốn đầu tư, Nghị quyết 05 qui định: “Công trình có qui mô vốn từ 10.000 tỷ đồng trở lên (theo thời giá năm 1997) là công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Nguồn vốn mà dự án huy động (bao gồm nguồn vốn trong và ngoài nước, nguồn vốn do ngân sách và nguồn vốn tín dụng hay vốn tự có, vốn huy động bằng sức lao động của dân; giới hạn cho phép phát sinh tăng vốn đối với công trình). Ban soạn thảo đề nghị sửa đổi về qui mô vốn đầu tư theo phương án: Qui mô vốn đầu tư từ 20.000 tỷ VNĐ trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, từ 25.000 tỷ VNĐ trở lên đối với dự án, công trình sử dụng các nguồn vốn khác. Đại biểu Hoàng Thiện Cát (đoàn Hưng Yên) cho rằng, tính toán như vậy vẫn mang tính cơ học (đó là tính từ việc tăng GDP, tăng giá và một số yếu tố khác). Đại biểu đề nghị tính toán thêm một số yếu tố khoa học khác để làm con số chính xác hơn. Khi đưa con số này ra là chỉ tính đến mức hiện nay và so với mức năm 1997.

Cũng liên quan tới nội dung này, đại biểu Trương Thị Mai (đoàn Trà Vinh), cho rằng, khi đưa ra qui mô vốn cần tính toán đến mức độ trượt giá. Đại biểu đưa ra dẫn chứng: từ năm 1997 đến nay, tốc độ trượt giá là 31%, 3 năm gần đây chỉ số giá của Việt Nam tiếp tục tăng cao, như vậy 5 năm tới, khả năng trượt giá của Việt Nam dự kiến sẽ là bao nhiêu. Liệu chúng ta có tính toán hết để ít nhất nghị quyết này ổn định được trong vòng 5 năm.

Về trách nhiệm đối với dự án đầu tư, đại biểu Hoàng Thiện Cát cho rằng, cần phải có trách nhiệm của cơ quan thẩm tra. Đại biểu đưa ra ví dụ trong trường hợp Quốc hội thẩm tra không đúng, dự án xảy ra những diễn biến không tốt thì cơ quan thẩm tra phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, Quốc hội phải chịu trách nhiệm, vì Quốc hội là người quyết định cuối cùng đối với dự án.

Đại biểu Trương Thị Mai thì cho rằng, công việc thẩm tra đối với các dự án này là rất phức tạp và quan trọng. Ý kiến của Uỷ ban thẩm tra là một trong những căn cứ để Quốc hội có thể xem xét, quyết định. Cơ quan thẩm tra cũng phải có trách nhiệm về các ý kiến thẩm tra của mình, ý kiến đó phải đảm bảo cơ sở khoa học, tính chính xác và khách quan. Đại biểu Trương Thị Mai đề nghị không qui định chủ đầu tư chịu trách nhiệm mà nên qui định Chính phủ chịu trách nhiệm. Vì Chính phủ là người trình Quốc hội công trình dự án. Do vậy Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Còn chủ đầu tư là ai thì do Chính phủ phân công, chỉ đạo điều hành.

Về nội dung này, đại biểu Phạm Quang Dự (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nhắc lại ý kiến của đại biểu Hoàng Thiện Cát là khi quyết định không đúng thì cũng có cả trách nhiệm của Quốc hội. Và đề nghị cần đưa ra chế tài cụ thể. Theo đại biểu Phạm Quang Dự thì đây là trách nhiệm cá nhân, chứ không phải là "trách nhiệm chung chung". Đại biểu Phạm Quang Dự đề nghị: "Làm thế nào để Quốc hội thực sự quyết định chủ trương đầu tư, chứ không phải là hợp thức hoá các quyết định có trước". Đại biểu đưa ra dẫn chứng về ý kiến này là "Trong báo cáo về tình hình điểm trong Dự án nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất. Quốc hội ra Nghị quyết số 07, ngày 5-12-1997, dưới lại đề là trên cơ sở Nghị quyết Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 514 ngày 10-7-1997. Chúng ta thử nhìn hai thời gian này. Như vậy đâu có trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội. Xin báo cáo với Quốc hội là Nghị quyết 514 do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký khi còn đang ở Quốc hội khoá IX, còn kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá X ngày 5-12-1997, chúng ta mới thông qua Nghị quyết 07". Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết này.

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek