Thứ Năm, 03/10/2024 20:27 CH
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Ngọc Chi:
Mừng kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng, tự hào về truyền thống của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên, xây dựng di tích Địa đạo Gò Thì Thùng thành di sản quý báu
Thứ Tư, 04/02/2009 07:30 SA

(Diễn văn của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi tại Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Gò Thì Thùng. Đầu đề do Tòa soạn đặt)

 

4-chi-090204.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi đọc diễn văn tại lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Gò Thì Thùng  - Ảnh: D.T.XUÂN

Hôm nay, trong không khí vui tươi của những ngày đầu Xuân Kỷ Sửu - 2009; toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nô nức, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930 - 3/2/2009), Đảng bộ và nhân dân Phú Yên vui mừng tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Gò Thì Thùng, nơi gắn liền với những chiến công oanh liệt, những sự kiện lịch sử hào hùng và thấm đượm biết bao máu xương của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại những chặng đường đấu tranh cách mạng vẻ vang của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, sáng tạo và các giá trị tinh thần truyền thống quý báu của nhân dân Phú Yên anh hùng. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi đến các vị đại biểu, đồng chí, đồng bào lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.

 

Cách đây vừa tròn 79 năm, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một mốc son chói lọi, mở ra một thời đại mới của cách mạng nước ta. Trong suốt 79 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đấu tranh anh dũng, trải qua biết bao gian khổ, hy sinh, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

 

Đó là thắng lợi vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách thống trị của phát xít, thực dân và phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á - nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chiến thắng của hai cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta và những thành tựu to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chế độ mới. Đặc biệt, những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới: Kinh tế tăng trưởng, chính trị ổn định, đối ngoại rộng mở, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Vị thế của đất nước trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, nhất là khi nước ta trở thành thành viên tổ chức Thương mại thế giới và là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

 

Mừng kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2009), chúng ta vô cùng tự hào về Đảng ta, tự hào về những thắng lợi vĩ đại mà nhân dân ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

Ở Phú Yên, từ khi Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời ngày 5/10/1930 tại La Hai (Đồng Xuân), đã nhanh chóng phát triển thành Đảng bộ tỉnh Phú Yên vào tháng 10/1931. Từ đó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, phong trào đấu tranh ở Phú Yên được tổ chức mạnh mẽ, rộng khắp, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi vang dội của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã anh dũng chiến đấu đánh lui nhiều cuộc càn quét, lấn chiếm của địch, giữ vững vùng tự do, xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc, một địa bàn chiến lược Liên khu 5, góp phần đánh bại chiến dịch Át-lăng của địch. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Phú Yên là hậu phương trực tiếp của các chiến trường Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã kiên cường bám trụ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ và hy sinh. Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự của Đảng, đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, liên tục tiến công và nổi dậy, đánh địch bằng ba mũi giáp công, kết hợp ba thứ quân trên cả ba vùng chiến lược... đã lập nên biết bao kỳ tích anh hùng như: Kịp thời chuyển phong trào cách mạng sang thế tiến công, giải phóng hoàn toàn các huyện miền tây của tỉnh trong năm 1960; Đồng khởi Hòa Thịnh tháng 12/1960, mở đầu cho phong trào đồng khởi ở đồng bằng Khu 5; Từ khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng, góp phần lần lượt đánh bại 3 chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975, cùng với quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Với những thành tích và chiến công to lớn đó, quân và dân Phú Yên đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Từ năm 1975 đến nay, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, ổn định và từng bước nâng cao đời sống  của nhân dân. Đặc biệt, từ khi thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, tạo  tiền đề đưa nền kinh tế tỉnh ta chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ CNH-HĐH đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Tự hào về những thắng lợi to lớn mà Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã đạt được. Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo vững vàng, sáng suốt của Đảng bộ, với tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí cách mạng kiên cường bất khuất của nhân dân Phú Yên, nhất định Đảng bộ và nhân dân Phú Yên sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững vàng đi lên, tiếp tục giành những thắng lợi to lớn trên con đường đổi mới, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ đề ra, thoát khỏi tỉnh nghèo, xây dựng và phát triển quê hương Phú Yên ngày càng giàu đẹp.

 

Hôm nay, trong không khí ấm áp của mùa Xuân mới, chúng ta vui mừng đón nhận Bằng di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Gò Thì Thùng. Đây là niềm tự hào lớn lao của toàn Đảng bộ, các lực lượng vũ trang và nhân dân Phú Yên.

 

Địa đạo Gò Thì Thùng là một kỳ tích của quân và dân Phú Yên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhớ lại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng gian khổ và ác liệt, nhân dân ta phải đối kháng với một cường quốc xâm lược cực mạnh về quân sự, được trang bị đầy đủ các phương tiện chiến tranh hiện đại. Để đảm bảo thắng lợi, ta phải linh hoạt áp dụng nhiều cách đánh. Sử dụng địa đạo, hầm ngầm, làng ngầm trong lòng đất để bám trụ đánh địch là phương pháp được áp dụng khá phổ biến trên chiến trường miền Nam vào những thời điểm cuộc chiến diễn ra ác liệt. Trên thực tế, cách đánh này đã phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả rất lớn ở nhiều địa phương. Nhân dân ta đã tạo nên nhiều hệ thống công sự dưới mặt đất và sử dụng hoạt động trong thời gian dài, nổi bật như Địa đạo Củ Chi ở thành phố Hồ Chí Minh, Địa đạo Vĩnh Mốc ở tỉnh Quảng Trị…

 

Địa đạo Gò Thì Thùng ở xã An Xuân, huyện Tuy An được Tỉnh ủy Phú Yên và Huyện ủy Tuy An chủ trương kiến tạo vào thời điểm chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ áp dụng trên chiến trường miền Nam đang trên đà thất bại và chúng đang ráo riết chuẩn bị triển khai chiến lược chiến tranh mới “Chiến tranh cục bộ”. Địa đạo Gò Thì Thùng thể hiện tinh thần anh dũng, kiên cường đánh Mỹ của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên, sẵn sàng đối phó với mọi kiểu chiến tranh ác liệt của kẻ thù.

 

Về mặt địa hình quân sự, Gò Thì Thùng nằm cạnh ranh giới 3 huyện Tuy An, Đồng Xuân và Sơn Hòa, liên hoàn với khu căn cứ kháng chiến của tỉnh tại cao nguyên Vân Hòa thuộc 3 xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân. Gò Thì Thùng nằm ở độ cao trung bình 440m so với mặt nước biển, địa hình bằng phẳng, là vùng gò đồi đất đỏ Bazan. Vùng phụ cận Gò Thì Thùng địa hình núi đồi hiểm trở, là nơi lực lượng bộ đội chủ lực và du kích địa phương của ta thường xuyên cơ động, bố phòng đánh bại nhiều đợt càn quét của địch.

 

Ngày 10/5/1964, công trình Địa đạo Gò Thì Thùng bắt đầu khởi công, trong điều kiện hết sức khó khăn, bằng những phương tiện thô sơ. Để tránh địch phát hiện, ta tiến hành đào địa đạo vào ban đêm để đảm bảo bí mật và an toàn tuyệt đối. Công việc diễn ra trong 15 tháng, đã huy động hàng chục nghìn nhân công tham gia, đến tháng 8/1965, Địa đạo Gò Thì Thùng được hoàn tất.

Ngoài đường hầm chính và những đường nhánh dưới mặt đất, sâu trung bình 5m, dài gần 2km, xung quanh Gò Thì Thùng ta đào nhiều lớp chiến hào dài khoảng 10km chằng chịt thông với nhau và thông với địa đạo. Hệ thống những bãi chông bố phòng, những công sự, giao thông hào liên hoàn với địa đạo tạo thành một trận địa rất kiên cố, tạo cơ sở vững chắc cho lực lượng quân đội chủ lực và du kích địa phương của ta tổ chức bố phòng đánh địch và mang lại hiệu quả chiến đấu rất lớn. Công trình địa đạo hoàn thành đã minh chứng cho tinh thần sáng tạo và ý chí kiên cường, bất khuất của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vùng căn cứ cách mạng; ý chí kiên quyết đánh Mỹ và thắng Mỹ của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Phú Yên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 

Địa đạo Gò Thì Thùng đã tạo nên một trận địa liên hoàn thật sự kiên cố và cũng từ công trình quân sự này, các chiến sĩ ta đã bám chặt và vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, cùng với tinh thần chiến đấu anh dũng nên đã lập nên chiến công vang dội vào mùa khô năm 1966.

 

Sáng ngày 23/6/1966, được sự chi viện của pháo binh và không quân, địch dùng 40 máy bay trực thăng ào ạt đổ quân của sư đoàn không vận số 1 Mỹ xuống nhiều nơi ở các xã An Nghiệp, An Xuân, An Lĩnh, Sơn Long, Sơn Định. Tại khu vực gò Sống Trâu (xã An Xuân), ta kịp thời vận động tiến công đánh phủ đầu vào bãi tập trực thăng địch đang đổ quân, tiêu diệt trên 40 tên Mỹ.

 

7 giờ sáng ngày 24/6/1966, một tiểu đoàn Mỹ từ gò Sống Trâu chia làm nhiều cánh tiến lên Gò Thì Thùng. Tiểu đoàn 11 trung đoàn Ngô Quyền và tiểu đoàn 7 trung đoàn Trần Hưng Đạo bố trí trận địa tại Gò Thì Thùng chặn đánh quyết liệt các cánh quân Mỹ, tiêu diệt hàng chục tên Mỹ. Quân Mỹ dùng 3 trận địa pháo Phú Tân, Xuân Phước, Chí Thạnh bắn dồn dập hàng ngàn quả, đồng thời dùng hàng chục tốp máy bay ném bom hạng nặng xuống Gò Thì Thùng. Một số địa đạo bị bom phá sập. Một số đồng chí bị bom vùi, sau khi tỉnh lại vẫn tiếp tục cầm súng chiến đấu. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt, kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ. Hỏa lực và phi pháo của địch bắn phá dữ dội song bộ đội ta vẫn bám chắc công sự địa đạo để chiến đấu. Cứ mỗi đợt địch tập trung hỏa lực đánh vào, ta rút xuống địa đạo chờ địch tiến gần rồi bất ngờ xông lên đồng loạt nổ súng, địch chết rất nhiều phải rút chạy ra xa. Nhiều lúc ta để địch tiến sát rồi xông lên đánh giáp lá cà, giết hàng trăm tên. Với cách đánh này, ta vô hiệu hóa được sức mạnh hỏa lực của đối phương, địch không còn phân biệt được trận tuyến giữa ta và chúng để dùng pháo tầm xa và máy bay ném bom. Đến 14 giờ, địch đổ bộ thêm 34 lượt máy bay trực thăng HU 1A xuống gò Dũng, cách gò Thì Thùng 500m về phía đông bắc, hình thành một mũi tấn công mới vào trận địa ta. Một đại đội của tiểu đoàn 7 trung đoàn Trần Hưng Đạo bố trí ở gò Dũng liền đánh phủ đầu khi máy bay trực thăng vừa hạ cánh đổ quân, tiêu diệt hàng chục tên lính Mỹ. Đêm 24/6/1966, được lệnh dứt chiến, bộ đội chủ lực của ta tại Gò Thì Thùng chủ động rút quân khỏi địa đạo về nơi quy định an toàn.

 

Như vậy, sau một ngày dựa vào công sự địa đạo, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, ta đã đánh thiệt hại nặng sư đoàn không vận số 1 của Mỹ, diệt hàng trăm tên, bắn rơi và bắn hỏng 9 máy bay. Đây là trận tiêu diệt Mỹ lớn nhất ở Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thắng lợi to lớn làm cho nhân dân trong tỉnh hết sức phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, tin tưởng vào các lực lượng vũ trang, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Qua trận chiến đấu trực tiếp với quân Mỹ tại Gò Thì Thùng đã củng cố được lòng tin của bộ đội ta và rút được một số kinh nghiệm về hiệp đồng tác chiến “nắm thắt lưng Mỹ mà tiêu diệt”. Công trình Địa đạo Gò Thì Thùng đã phát huy cao nhất công năng sử dụng, vừa là nơi bảo vệ Chỉ huy sở, bảo vệ lực lượng chiến đấu, bảo vệ thương binh trong suốt thời gian diễn ra chiến sự. Thắng lợi này góp phần quan trọng đánh bại cuộc hành quân mùa khô lần thứ nhất năm 1966 của quân xâm lược Mỹ trên chiến trường Phú Yên. Địa đạo Gò Thì Thùng đã trở thành địa danh lịch sử phản ánh tinh thần quả cảm, ý chí và quyết tâm, sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo và phương pháp tác chiến phù hợp để chiến đấu và chiến thắng quân Mỹ ngay từ trận đầu tiên của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Phú Yên.

 

Địa đạo Gò Thì Thùng, nơi lưu dấu chiến công to lớn của quân đội và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nay đã trở thành một địa chỉ rất thân quen đối với nhiều thế hệ người dân Phú Yên. Thời gian qua, những hoạt động văn hóa và giáo dục truyền thống, hướng về cội nguồn thường xuyên được tổ chức tại đây, nhằm kế thừa và phát huy sự nghiệp cách mạng vẻ vang của quê hương. Di tích Địa đạo Gò Thì Thùng (Phú Yên) chắc chắn sẽ cùng với Địa đạo Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh), Địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị)… mãi mãi trường tồn với những giá trị lịch sử, văn hóa thiêng liêng, để cho các thế hệ mai sau hiểu rõ hơn về một thời đánh giặc giữ nước hào hùng của cha ông. Thế hệ đi trước để lại cho thế hệ sau những tư tưởng, bài học kinh nghiệm và tấm gương sáng. Các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến là những di sản vô giá của lịch sử, có vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Thời gian qua đi, nhưng những sự kiện lịch sử hào hùng, những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm, đã anh dũng hy sinh, gian khổ, giành độc lập, tự do cho dân tộc vẫn in sâu trong ký ức của nhân dân ta. Tự hào về di tích lịch sử quốc gia “Địa đạo Gò Thì Thùng” An Xuân, Tuy An được đón nhận hôm nay, chúng ta phải có kế hoạch trùng tu, bảo vệ và xây dựng di tích này trở thành di sản quý báu của Phú Yên, sẽ là điểm đến, điểm hẹn của mọi người trong và ngoài nước; tiếp tục giáo dục truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm, chống diễn biến hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập tự do cho Tổ quốc. Các thế hệ con cháu hãy mãi mãi ghi nhớ sự hy sinh và công lao to lớn của các thế hệ đi trước, tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp!

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek