Thứ Năm, 03/10/2024 22:33 CH
Tâm niệm
Thứ Hai, 02/02/2009 13:47 CH

Tôi vốn là người lính, cho nên điều luôn trăn trở trong ký ức tôi là đồng đội và người dân. Đồng đội luôn kề bên, chia nhau cái sống và chia nhau cả cái chết. Trong tâm khảm người lính là không lo cho mình mà chỉ lo cho đồng đội. Còn người dân, quả thật khi chúng tôi nằm trong hầm bí mật trong khuôn viên nhà nào, thì giống như nhà ấy lĩnh cái án treo. Bất kể lúc nào chúng tôi bị phát hiện, thì gia đình ấy vào tù hay bị giết là chuyện khỏi phải bàn.

 

Người dân là vậy. Cho con mình nhập ngũ, và là mẹ nuôi của bất kể một người nào đến nhà, và cũng sẵn sàng hy sinh thân mình cho chúng.

 

Tôi chỉ dẫn ra đây hai ví dụ: Một là bà mẹ Mít ở Quảng Trị, gia đình có 12 liệt sĩ, và hai là gia đình ông Vương Hoán ở Thừa Thiên, ba thế hệ ông bà, cha mẹ, và các cháu, mà tổng số liệt sĩ gia đình này tới 24 người. Ông Vương Hoán là người hy sinh đầu tiên. Vụ tố cộng, ông một mực không khai, bị đánh tơi bời, con cháu ra khiêng về nhà ít bữa thì chết. Còn 23 người kia, là 23 kiểu hy sinh khác nhau. Người chết trong chiến trận, người bị lật hầm. Riêng chị Sen, là y tá của du kích. Đồng đội bị thương, hy sinh, chị không quản bom đạn, tới băng bó cho từng người, bị trực thăng quây, bắn chết, chưa tha, chúng còn hạ cánh, xẻo đôi vú trinh nguyên của chị mang đi.

 

Xã Phong Sơn, tổng số liệt sĩ trong xã là 623 người thì biết bao người mẹ, người vợ, người con hết nước mắt, bơ vơ. Thảm cảnh chiến tranh không thể nào kể hết.

 

Sự hy sinh của nhân dân quả là to lớn.

 

Chính vì thế, là người lính, cho nên chúng tôi thấm thía lời thề của mình khi cầm súng: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Chúng tôi thường bảo nhau: “Đứa nào quên ơn nhân dân thì đứa ấy là kẻ vô lương tâm”.

 

Lịch sử của chúng ta từ trước đến nay là lịch sử giữ nước. Cho nên cha ông mình đã bàn rất nhiều về 2 chữ: Nhân dân.

 

Thuyết của Nho giáo dạy: “Lấy dân làm gốc”. Gốc là biểu tượng của sự sống của một cây xanh. Nếu không có gốc thì cây xanh sẽ lụi tàn. Nhân dân đối với đất nước giống như một cây xanh vậy.

 

Thời nhà Trần, giặc Nguyên rất hùng mạnh suốt từ châu Á đến châu Âu, ngựa giặc Nguyên đến đâu, nơi đó cúi đầu khuất phục. Nhưng khi chúng kéo sang chinh phục Việt Nam, nhà Trần đã cho tổ chức Hội nghị Diên Hồng, mời các lão thành đến bàn việc nước. Lời thề của hội nghị Diên Hồng còn vọng mãi tới giờ: “Sức yếu lấy gì mà ra chiến chinh! Hy sinh”. Người lính ra trận khắc lên vai mình hai chữ “Sát thát”. Kháng chiến chống Nguyên đã thắng lợi hoàn toàn.

 

Nguyễn Trãi thấy được sức mạnh của nhân dân một cách hết sức phân minh, rõ ràng: “Dân là người chèo thuyền, cũng là người lật thuyền” cái thế dân đúng là như vậy.

 

Cho nên khi Quang Trung xưng đế, thì tuyên ngôn của ông là: “đánh cho răng đen, đánh cho dài tóc”. Thời ấy dân ta có tập tục nhuộm răng đen và để tóc thật dài. Rõ ràng cuộc chiến đấu của Quang Trung luôn nghĩ về nhân dân, cho nên luôn luôn được nhân dân ủng hộ. Vì vậy cuộc hành quân thần tốc của ông ra Thăng Long diệt quân Thanh đã thắng lợi rực rỡ. Mấy chục vạn quân Thanh tan như xác pháo. Chiến công thật huy hoàng, là nét son đỏ chói mãi trong lịch sử.

 

Bất cứ cuộc chiến đấu nào lay động được dân, được dân ủng hộ thì thắng lợi, không được dân ủng hộ thì thất bại.

 

Tới cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta, ngay từ đầu Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Nếu không có nhân dân liệu chúng ta làm được gì”.

 

Nói tới Hồ Chủ tịch thì không thể nào được quên câu nói rất nổi tiếng của Bác: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước được độc lập, dân được tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính tấm lòng vì dân ấy của Bác nên được nhân dân rất đồng tình ủng hộ.

 

Tiêu chí phấn đấu của chính quyền mà Bác dựng lên, chỉ 12 chữ mà là tất cả mục tiêu phấn đấu của toàn đất nước: “Việt Nam dân chủ cộng hòa, Độc lập tự do hạnh phúc”.

 

Bác nói vậy, hoàn toàn không giáo điều, mà nói là làm. Thời kháng chiến gian nan vậy mà Bác Hồ vẫn hô hào “Diệt dốt”, nâng dân trí lên. Khác hẳn với thực dân, chúng làm “Ngu dân” để cai trị. Bác tổ chức cải cách ruộng đất để đem ruộng đất về cho dân cày. Vậy làm sao dân không tin được. Không dễ gì huy động hàng mấy triệu thanh niên đứng lên cầm súng ra trận. Hình ảnh những thanh niên lấy máu mình viết đơn nhập ngũ không khác gì người lính đi đánh giặc Nguyên khắc lên vai mình hai chữ “Sát thát”. Tin tưởng ở Bác đến nỗi những người hiểu được nguyện vọng quần chúng, nên lúc khó khăn nhất, Bác kêu gọi: “Không gì quý hơn độc lập tự do”. Và như đã biết chúng ta đã đè bẹp kẻ thù.

 

Bài học lớn nhất để cho dân thật sự tin yêu là Bác đã nói gì với dân là làm bằng được, làm đến tận cùng. Như Bác hứa với dân: “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Chúng ta đã thắng lợi hoàn toàn.

 

Thời dựng nước bây giờ, chúng ta đang trả cái nghĩa ấy cho dân bằng một khẩu hiệu: “Xây dựng một nước Việt Nam công bằng dân chủ, xã hội văn minh”. Đó là một con đường đi dài. Không thể ngày một ngày hai mà thúc ép được. Giống như câu thành ngữ của chúng ta: “Có công mài sắt có ngày nên kim”, đã đành, đã không dày công mà còn chểnh mảng thì thanh sắt kia không thể thành kim được.

 

Ngẫm lại lời Bác Hồ dạy lực lượng công an thì thật là chí lý: “Nhân dân ủng hộ ít thì thắng lợi ít. Nhân dân ủng hộ nhiều thì thắng lợi nhiều. Nhân dân ủng hộ hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

 

Đúng như câu hỏi mà Bác đã đặt ra cho chúng ta suy ngẫm: “Nếu không có nhân dân liệu chúng ta làm được gì?”.

 

Nhà văn NGUYỄN QUANG HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek