Thứ Ba, 01/10/2024 04:30 SA
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Đình Khiển:
Tăng trưởng GDP từ 7,5% đến 8% là trong khả năng
Thứ Năm, 20/04/2006 15:47 CH

Như tin đã đưa, chiều 19-4, tại Trung tâm Báo chí Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Đình Khiển đã chủ trì cuộc họp báo chuyên đề “Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội qua 20 năm đổi mới (1986-2005) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 của nước ta”. Sau khi giới thiệu khái quát những thành tựu quan trọng sau 20 năm đổi mới; mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu, định hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực và các giải pháp và chính sách chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đến, thứ trưởng Trần Đình Khiển đã trả lời phỏng vấn của các nhà báo trong và ngoài nước

 

060419-n2.jpg

Thứ trưởng Trần Đình Khiển chủ trì phiên họp báo chuyên đề chiều 19-4.

 

* Kế hoạch 5 năm đến, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam là 7,5-8% có đủ tin cậy không? Thực hiện như thế nào?

 

- Chúng tôi đề ra chỉ tiêu trên là căn cứ kết quả thực tế những năm qua có tính đến điều kiện hiện nay cộng với nỗ lực cao hơn của cả nước trong những năm tới. Thực tế trong góp ý văn kiện Đại hội cũng đã có ý kiến rằng năm 2005 đạt tăng trưởng 8,4%, vì sao lại đặt ra chỉ tiêu này thấp hơn.

 

Để đạt được chỉ tiêu trên, chúng tôi coi trọng việc huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước. Sau nhiều lần điều chỉnh, sắp tới Việt Nam sẽ ban hành Luật Đầu tư thống nhất không phân biệt đối xử đầu tư trong và ngoài nước, môi trường và điều kiện đầu tư thông thoáng hơn, đồng thời Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và giảm chi phí dịch vụ, nhất là dịch vụ giao thông vận tải nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư. Mặt khác, trước đây chúng tôi thường đề ra thu hút đầu tư trong nước trên 50%, còn lại là ngoài nước. Những năm đến, chúng tôi xác định nguồn lực trong nước là chính, chiếm khoảng 2/3, còn 1/3 là nước ngoài. Các giải pháp khác đã được nêu trong báo cáo.

 

* Tiêu cực ở PMU 18 có ảnh hưởng đến nguồn vốn ODA trong các năm tới không? Lỗ hổng ở PMU 18 là gì? Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thế nào? Làm thế nào để quản lý tốt vốn ODA?

 

- Vụ tiêu cực ở PMU 18 là rất đau lòng, nhân dân phẫn nộ, các nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên việc này có ảnh hưởng đến nguồn vốn ODA  sắp tới hay không là tùy thuộc quan điểm, thái độ của Đảng và Nhà nước ta trong việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí có kiên quyết không, có xử lý tốt những tiêu cực ở PMU 18. Thực tế cho thấy từ khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo rất kiên quyết việc chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; qua 20 năm đổi mới Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm vấn đề này. Để phát huy hiệu quả, mới đây Nhà nước đã pháp lý hóa vấn đề chống tham nhũng, lãng phí qua việc ban hành Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Chính phủ cũng đã có Chương trình hành động về chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng và cộng đồng; đồng thời đang chỉ đạo điều tra xử lý nghiêm những tiêu cực ở PMU 18, chỉ đạo thanh tra kiểm tra các dự án lớn, các dự án có vấn đề nổi cộm...

 

060420-hop-bao-2.jpg

Quang cảnh họp báo - Ảnh: Quốc Khương

 

Lỗ hổng trách nhiệm ở PMU 18 là khâu tổ chức thực hiện và khâu giám sát mà nguyên nhân cơ bản là chưa làm đúng việc bố trí cán bộ, sử dụng con người. Chính phủ đã có văn bản quy định trách nhiệm các bộ ngành về quản lý nguồn vốn ODA, vốn ngân sách. tuy  nhiên vừa qua các bộ ngành liên quan chỉ mới quan tâm đến việc phân bổ chỉ tiêu, chưa quan tâm đúng mức việc thẩm định, giám sát. Liên quan đến PMU18, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo kiểm điểm trình Chính phủ và đang chờ.

 

Chính phủ cũng đã xác định vốn ODA chủ yếu là vốn vay ưu đãi mà các nhà tài trợ quốc tế dành cho Việt Nam, do vậy phải làm thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Ngoại trừ việc đầu tư cơ sở hạ tầng thực hiện theo quy trình cấp phát, các công trình khác đều cho vay, đồng thời phối hợp các nhà tài trợ tăng cường chất lượng thẩm định, giám sát việc sử dụng.

 

* Tầm nhìn về quy hoạch và kế hoạch của chúng ta có hạn chế không? Sẽ nâng lên như thế nào?

 

- Công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch là rất quan trọng, nhưng nhìn chung chúng ta còn có hạn chế tầm nhìn trong quy hoạch và kế hoạch, do chất lượng dự báo chưa cao. Sắp tới để có tầm nhìn cao hơn, dài hạn hơn trong công tác quy hoạch kế hoạch, Chính phủ đã cho phép, nếu chuyên gia trong nước chưa đảm bảo thì mời chuyên gia nước ngoài, huy động trí tuệ xã hội để làm công tác quy hoạch, kế hoạch. Tiếp tục rà soát những quy hoạch, kế hoạch hiện có để bổ sung hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng, tầm nhìn.

 

* Làm thế nào để xóa bỏ sự bất bình đẳng trong đối xử với các thành phần kinh tế, giảm tối đa sự can thiệp hành chính đối với các doanh nghiệp?

 

- Về mặt văn bản nhà nước đã kiên quyết xóa bỏ sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp, nhưng trên thực tế điều hành, quản lý ở các ngành các cấp vẫn còn. Chính vì vậy, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ định kỳ các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Chính phủ cũng đã chỉ đạo hoàn thiện các Nghị định về cụ thể hóa các luật nhằm xóa bỏ sự khác biệt trong đối xử này.Khuyến khích các doanh nghiệp làm theo luật, nghị định, giảm sự can thiệp của các cơ quan nhà nước. Sắp tới các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên hoặc công ty cổ phần.

 

* Tỉ phú Bill Gates, Chủ tịch Microsoft sắp sang thăm và dự kiến đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ đầu tư ngành công nghệ thông tin như thế nào?

 

- Công nghệ thông tin được xác định là công nghệ mũi nhọn của Việt Nam. Việt Nam đang đứng thứ sáu về CNTT trong ASEAN nhưng có điều kiện và tốc độ phát triển nhanh. Một số nhà đầu tư của Mỹ, Nhật… đang quan tâm đầu tư lĩnh vực này. Chúng tôi rất hoan nghênh Chủ tịch Microsoft và các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

 

* Sắp tới Việt Nam giảm xuất khẩu nguyên liệu và khoáng sản, như vậy sẽ cân đối nhập siêu thế nào?

 

- Việt Nam chủ trương phát triển ngành dầu khí và đang triển khai xây dựng các nhà máy lọc, hóa dầu. Đồng thời phát triển mạnh công nghiệp chế biến nhằm tăng hàm lượng giá trị gia tăng, hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm. Do vậy, phải giảm xuất khẩu dầu thô, các sản phẩm thô, tăng cường xuất khẩu tinh. Đây cũng là quy luật chung của các nước đang phát triển và khi đã giảm kim ngạch xuất khẩu cũng phải giảm kim ngạch nhập khẩu.

 

KHÁNH HOÀNG thực hiện

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek