Thứ Năm, 28/11/2024 21:02 CH
Chuyên đề năm 2022 (tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 24/03/2022 10:57 SA

CHUYÊN ĐỀ NĂM 2022

“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”

 

(tiếp theo kỳ trước)

 

Hồ Chí Minh cho rằng, cất nhắc cán bộ là một công tác cần kíp, nhưng phải làm cho đúng, “biết rõ cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực”1. Có gan cất nhắc cán bộ không có nghĩa là làm nóng vội, làm liều, làm ẩu, càng không vì danh lợi của mình mà cất nhắc cán bộ. Người căn dặn: cất nhắc cán bộ phải vì công tác, vì tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái, “khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”2.

 

Người đặc biệt nhấn mạnh, trước khi đề bạt, cất nhắc cán bộ phải xem xét, đánh giá phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, các mối quan hệ của họ trong quá trình công tác, những ưu, nhược điểm mà đề bạt, cất nhắc họ một cách công tâm, khách quan, “nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong lòng Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”3.

 

Người còn nhắc nhở, đối với cán bộ, chẳng những phải xem xét rõ ràng, cẩn thận, chính xác trước khi cất nhắc, mà sau khi cất nhắc phải giúp đỡ, khuyên răn họ, vun trồng năng lực, lòng tự tin, tự trọng của họ; cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”, “khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên; một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời”4.

 

Một trong những quyết định mang tính lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là việc lựa chọn Võ Nguyên Giáp, một nhà giáo dạy lịch sử, làm người phụ trách quân sự, đảm nhiệm việc thành lập và chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam). Chặng đường đầy gian nan và thử thách, vinh quang và hào hùng gắn liền với những chiến công, kỳ tích của cách mạng Việt Nam luôn ghi dấu “cái gan” của Bác trong việc trọng dụng, cất nhắc, rèn luyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1946, Võ Nguyên Giáp, 35 tuổi, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao chức vụ Tổng Tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Tổng quân ủy. Ngày 28/5/1948, tại buổi lễ phong quân hàm cho cán bộ, chỉ huy quân đội5, Bác Hồ đã trao Sắc lệnh6 quyết định phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp với lời dặn “để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”. Ngay sau khi sự kiện phong tướng được công bố, trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài về việc tại sao cùng lúc lại phong nhiều tướng, tá như vậy và việc phong cấp dựa trên tiêu chuẩn nào, Người đã hóm hỉnh trả lời rằng “đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng phong trung tướng, đánh thắng đại tướng phong đại tướng”. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh niềm tin, sự trọng dụng của Bác dành cho người chỉ huy xuất sắc của một quân đội quyết chiến, quyết thắng, trung thành tuyệt đối với Đảng và nhân dân là hoàn toàn đúng đắn. Từ một nhà giáo, nhà báo đến một Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà chiến lược, chiến thuật và hậu cần kiệt xuất, người xây dựng, rèn luyện nên quân đội cách mạng anh hùng, là dấu gạch nối đặc biệt của lịch sử, chứa đựng đầy đủ, sinh động nhất tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ.

 

5. Phải yêu thương, chăm sóc, bảo vệ cán bộ

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định cán bộ là tài sản vô giá của Đảng, cách mạng và của dân tộc: “không phải vài ba tháng hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ. Vì vậy, Đảng phải thương yêu cán bộ”7. Người nhấn mạnh, mất mát cán bộ là tổn thất lớn cho cách mạng, chính vì thế, chúng ta phải coi trọng cán bộ, phải hết lòng thương yêu, chăm lo bồi dưỡng, gìn giữ cán bộ; đặc biệt, phải chăm lo giữ gìn cán bộ cũ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mới.

 

Người quan niệm học tập là công việc suốt đời của mỗi người, bất kỳ cán bộ nào còn làm cách mạng còn phải học tập, chỉ có như vậy mới hoàn thành được nhiệm vụ, mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng phát triển của sự nghiệp cách mạng. Chính vì thế, “thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm”8, Đảng, Nhà nước phải hết lòng chăm lo, tạo điều kiện cho cán bộ học tập, tiến bộ và trưởng thành.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, yêu thương cán bộ là luôn phải chú ý, quan tâm đến công tác của cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, “phải luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa ngay, để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ”9. Đồng thời, Người nêu rõ, yêu thương cán bộ còn biết động viên, khích lệ cán bộ khi họ có thành tích, phân tích giúp họ khi có khuyết điểm, để họ có tinh thần hăng hái, ý chí, quyết tâm vượt khó khăn, để đi đến chỗ “bại cũng không nản, thắng cũng không kiêu”. Người đặc biệt nhấn mạnh “người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”10; vì vậy, đối với cán bộ mắc sai lầm, ta quyết không nên nhìn nhận rằng họ muốn như thế mà công kích họ, ngược lại, chúng ta phải giải thích rõ ràng, làm cho họ thấy sai lầm đó, phải có thái độ thân thiết, động viên, giúp đỡ họ sửa chữa.

 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu thương, bồi dưỡng cán bộ phải có phương pháp đúng. Đảng hết lòng yêu thương, chăm lo bồi dưỡng cán bộ nhưng “thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc”11, phải quản lý cán bộ chặt chẽ, duy trì kỷ luật nghiêm minh, nhất là với cán bộ cao cấp, bởi nếu nuông chiều, thả mặc cán bộ sẽ sinh ra chủ quan, tự kiêu, tự phụ, vô kỷ luật, dễ hư hỏng về phẩm chất đạo đức, vi phạm nguyên tắc, gây tác hại khôn lường cho sự nghiệp cách mạng.

 

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh thương yêu cán bộ là phải chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân cán bộ và gia đình họ, phải “giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẫn”12. Người thường xuyên nhắc nhở các cơ quan, đơn vị phải tùy hoàn cảnh mà giúp đỡ cán bộ của mình.

 

Tình thương yêu cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở những quan điểm, bài nói, bài viết, mà thấm đẫm, in dấu trong cuộc sống hằng ngày của Người. Với cương vị là người đứng đầu đất nước, mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đến đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ từ những điều nhỏ nhất. Đến thăm các nhà máy, xí nghiệp, Bác quan tâm đến chỗ ở, bếp ăn và căn dặn các đồng chí cán bộ, lãnh đạo phải chú ý hơn đến nơi ăn ở sinh hoạt của công nhân. Khi thấy các chiến sĩ cảnh vệ tại Bắc Bộ Phủ ngủ dưới nhà bị nóng, Người đã bảo anh em lên tầng trên nằm cho thoáng mát; nhưng có một hôm các chiến sĩ vật nhau làm vỡ mặt đá chiếc bàn cẩm thạch, do vậy mà bị người phụ trách không cho ngủ ở đó nữa. Sau này, vì không thấy các anh em chiến sĩ ngủ ở phòng khách nên Hồ Chủ tịch đã gọi đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ đến hỏi chuyện, sau khi biết rõ lý do, Người nói: “cái bàn quý hay chiến sĩ quý? Vỡ thì thôi hoặc mua cái khác. Có điều là nên dặn các chú ấy phải chú ý giữ gìn của công. Cứ mở cửa cho các chú ấy ngủ”. Bác đã yêu thương, chăm sóc cán bộ từ chính những điều bình dị.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu thương cán bộ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, đây là điểm đặc biệt thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Với tình yêu thương ấy, cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết lòng chăm lo giáo dục, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, trong đó đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ dân tộc thiểu số. Nói chuyện tại Hội nghị Tổng kết cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi, ngày 8/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi: “cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải bao biện làm thay”13.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã đi xa nhưng di sản mà Người để lại cho Đảng, cho nhân dân ta vô cùng to lớn. Tư tưởng và quan điểm của Bác về công tác cán bộ là bài học vô giá để chúng ta có những chủ trương, chính sách đúng, trúng và hiệu quả trong xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược của Đảng ta hiện nay.

 

(Còn nữa)

------------------------ 

1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.282

2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.274

3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.281

4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.282

5 Đồng chí Nguyễn Bình Bác được trao quân hàm Trung tướng; Các đồng chí Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong quân hàm Thiếu tướng; Một số cán bộ cấp cục hoặc chỉ huy các Liên khu được phong quân hàm cấp Đại tá.

6 Sắc lệnh 110-SL, ký ngày 20/1/1948

7 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.282-283

8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 283

9 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 283

10 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 283

11 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 283

12 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 283

13 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 418

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek