CHUYÊN ĐỀ NĂM 2022
“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”
(Tiếp theo kỳ trước)
2. Phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn hiểu biết cán bộ trước hết phải tự biết mình “đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”(1), “phải sửa những khuyết điểm của mình, mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”(2). Đánh giá cán bộ phải dựa trên quan điểm toàn diện, xem xét đầy đủ các mặt: năng lực công tác (trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ), phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, “không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ”(3); đánh giá đúng cán bộ để biết ai là cán bộ tốt, ai là cán bộ kém, để phát hiện cái hay của họ mà khuyến khích, phát huy, nhìn ra cái dở của họ mà tìm cách giúp đỡ khắc phục. Trên cơ sở đó để bố trí, sử dụng, đề bạt đúng cán bộ.
Để đánh giá đúng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải tiến hành thường xuyên, quyết không nên chấp nhất vì Người cho rằng, mọi sự vật, hiện tượng đều không ngừng biến đổi, cán bộ cũng như vậy: “Có người khi trước theo cách mạng mà nay lại phản cách mạng; một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi, cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm; quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”(4); “mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”(5).
Đánh giá cán bộ phải khách quan, công tâm, minh bạch, không hẹp hòi, định kiến cá nhân; phải dựa vào tập thể và nhân dân, phát huy dân chủ, nắm bắt dư luận xã hội, kết hợp nhiều nguồn thông tin để phân tích, chọn lọc mới đảm bảo thực chất và hiệu quả.
Thực tiễn công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm toát lên tư tưởng, quan điểm của Người trong đánh giá, sử dụng cán bộ, nhất là đối với cán bộ cấp chiến lược. Ví như khi lựa chọn Phó Thủ tướng, sau khi xem xét quá trình công tác, ưu khuyết điểm của từng đồng chí được giới thiệu, cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn đồng chí Đỗ Mười. Nhưng trước khi chọn, Bác trao đổi, bàn bạc với đồng chí Phạm Văn Đồng và bảo rằng “nhưng để Bác hỏi thêm sức khỏe của chú ấy như thế nào”. Người cũng đã tổ chức một buổi gặp mặt với đồng chí Đỗ Mười, nhưng không nhắc gì đến ý định chọn đồng chí làm Phó Thủ tướng, chỉ hỏi thăm về kế hoạch đối phó với âm mưu mới của địch, việc chi viện cho chiến trường miền Nam, đời sống của cán bộ chiến sĩ và căn dặn một số công việc khác. Từ năm 1969, đồng chí Đỗ Mười làm Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đảm đương nhiều trọng trách lớn như Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương và chống phong tỏa cảng Hải Phòng, đã dành nhiều công sức, trí tuệ, thường xuyên trực tiếp và kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác chống chiến tranh phá hoại, củng cố, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những nguyên tắc cơ bản, bao trùm, xuyên suốt trong việc xem xét, đánh giá cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những bài học vẫn còn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.
3. Phải khéo dùng cán bộ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Cố nhiên việc hay hay dở, một phần do cán bộ đủ năng lực hay không. Nhưng một phần cũng do cách lãnh đạo đúng hay không… Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”(6).
Khéo dùng cán bộ thể hiện việc bố trí đúng người, đúng việc, vì việc mà bố trí người. Người căn dặn: “Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người khắc phục chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”(7). Người phê bình: “Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người thì hai người đều thành công”(8).
Khéo dùng cán bộ thể hiện ở chỗ biết kết hợp các thế hệ cán bộ một cách đúng đắn. Người dạy, trong đội ngũ cán bộ của Đảng có cán bộ già, có cán bộ trẻ. Cán bộ già là vốn quý của Đảng, họ có kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, được rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tế đấu tranh... Cán bộ trẻ tuy chưa có một số ưu điểm như cán bộ già, nhưng họ lại hăng hái, nhạy cảm với cái mới, chịu khó học tập, nên tiến bộ rất nhanh.
Khéo dùng cán bộ thể hiện ở trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài Đảng. Theo Người, bất kỳ ai, có khả năng, đủ tiêu chuẩn, cần cho nhu cầu của cách mạng là phải dùng..., vì Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc.
Khéo dùng cán bộ là phải mạnh dạn đề bạt những cán bộ trẻ có đủ tiêu chuẩn và có triển vọng vào các cương vị lãnh đạo, quản lý.
Khéo dùng cán bộ còn có nghĩa là phải tin tưởng vào cán bộ, tạo điều kiện, cơ hội để khuyến khích họ phát huy dân chủ và tinh thần trách nhiệm của mình; khi giao việc cho cán bộ thì cần chỉ đạo, trao đổi rõ ràng, đầy đủ, những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, động viên, khuyến khích họ mạnh dạn thực hiện.
Việc lựa chọn cán bộ phải dựa theo các tiêu chí: “những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng... Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn... Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn; Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”(9).
Với tầm nhìn chiến lược, quan điểm đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương lớn, mẫu mực về khéo dùng cán bộ và trọng dụng nhân tài trong xây dựng bộ máy Đảng, Nhà nước; nhờ đó mà Bác và Chính phủ đã thu hút được rất nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước tham gia vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc ngay từ những ngày đầu vô cùng gian khổ, khó khăn của chính quyền cách mạng còn non trẻ. Ngay sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, khi thành lập Chính phủ, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sẵn sàng sử dụng những người từng làm việc trong chính quyền cũ; trong đó, có thể kể đến việc Người đã thuyết phục cụ Huỳnh Thúc Kháng, một bậc chí sĩ “học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao”, từng là Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ ra tham chính và giao cho cụ làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đặc biệt, sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy nhiệm Huỳnh Thúc Kháng làm Quyền Chủ tịch nước(10) trong thời gian Bác thực hiện chuyến công tác ở Pháp, với lời dặn “mong cụ dĩ bất biến ứng vạn biến”, đã khẳng định sự trọng thị và tín nhiệm tuyệt đối của Người đối với cụ Huỳnh. Việc lựa chọn một người không phải đảng viên Đảng Cộng sản đảm nhiệm vị trí đứng đầu Nhà nước đã cho thấy tư duy chính trị sắc sảo, tầm nhìn, bản lĩnh của Bác, khắc họa rõ nét tư tưởng Hồ Chí Minh về sử dụng cán bộ: phải tin mới dùng, đã dùng thì phải tin. Đáp lại sự tin tưởng, kì vọng của Bác, cụ Huỳnh chưa một lần từ chối bất cứ cương vị, trọng trách, nhiệm vụ nào mà Bác giao phó, sẵn sàng phụng sự Tổ quốc, phục vụ đồng bào, đem lại những đóng góp to lớn trong thời điểm vận mệnh dân tộc đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, trở thành biểu tượng của khối đoàn kết dân tộc. Tài năng, uy tín, sự cống hiến của cụ Huỳnh Thúc Kháng chính là biểu hiện sinh động, minh chứng rõ nét của nghệ thuật dụng nhân, tư tưởng sẵn sàng trọng dụng nhân tài ngoài Đảng để góp sức vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
4. Phải “có gan cất nhắc cán bộ”
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm công tác cán bộ phải có gan đề bạt, cất nhắc cán bộ, Người coi đây là một nghệ thuật, là khâu trung tâm của công tác cán bộ. Cán bộ nào cũng có mặt mạnh, mặt yếu, nếu sử dụng đúng sẽ phát huy mặt mạnh của cán bộ, thúc đẩy phong trào và hạn chế được mặt yếu của họ. Có gan cất nhắc cán bộ tức là phải mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ vào các cương vị cần thiết đáp ứng yêu cầu cách mạng đề ra; người cán bộ được cất nhắc có thể còn có điểm yếu, song phải biết được khuyết điểm của họ để sau khi cất nhắc tiếp tục giúp đỡ họ tiến bộ; có gan cất nhắc là không sợ người cất nhắc sẽ vượt mình.
(còn nữa)
--------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.277
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.278
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.278
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.278
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.274
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.280
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.72
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.274
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.275
(10) Sắc lệnh số 82, ngày 29/5/1946