Thứ Năm, 28/11/2024 20:41 CH
Chuyên đề năm 2022
Thứ Hai, 21/03/2022 06:00 SA

LỜI TÒA SOẠN: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa có công văn chỉ đạo về việc tuyên truyền nội dung chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022. Báo Phú Yên đăng tải nội dung chuyên đề này để tuyên truyền sâu rộng, góp phần chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

 

CHUYÊN ĐỀ NĂM 2022

“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”

 

LỜI GIỚI THIỆU

 

Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kế hoạch số 58-KH/BTGTW, ngày 27/8/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương và Kế hoạch số 36-KH/TU, ngày 24/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy biên soạn và phát hành tài liệu Chuyên đề năm 2022: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

 

Chuyên đề cung cấp những nội dung cơ bản về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ; vận dụng trong xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng bộ tỉnh Phú Yên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chuyên đề được dùng trong sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị và được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.

 

Nội dung chuyên đề gồm 3 phần:

 

- Phần thứ nhất: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ.

 

- Phần thứ hai: Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng bộ tỉnh Phú Yên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

- Phần thứ ba: Gợi ý nội dung sinh hoạt, thảo luận trong chi bộ, cơ quan, đơn vị năm 2022.

 

Xin trân trọng giới thiệu tài liệu đến các đồng chí!

 

Phần thứ nhất

TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ CÁN BỘ VÀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc Việt Nam, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, danh nhân văn hóa thế giới. Những di sản Người để lại cho Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam vô cùng đồ sộ và quý giá đó là Thời đại Hồ Chí Minh; sự nghiệp Hồ Chí Minh và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là di sản tinh thần vô giá để cán bộ, đảng viên và nhân dân thường xuyên học tập và noi theo.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và luôn đặt lên vị trí hàng đầu trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp. Người khẳng định: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1. “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là chân lý nhất định”2, nên Người yêu cầu người cán bộ cách mạng phải hội đủ các tiêu chuẩn: đức và tài, trong đó phẩm chất đạo đức phải là yếu tố hàng đầu, là gốc, là nền tảng.

 

I. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đạo đức của người cán bộ

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sinh động, tấm gương sáng ngời về thực hiện những chuẩn mực đạo đức cách mạng. Khi bàn về vai trò quan trọng của đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

 

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính

Thiếu một mùa, thì không thành trời

Thiếu một phương, thì không thành đất

Thiếu một đức, thì không thành người”3

 

Đạo đức cách mạng theo Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương yêu con người, sống có nghĩa, có tình; cần cù lao động; ngay thẳng thật thà; đoàn kết gắn bó tình làng nghĩa xóm; bang giao hữu hảo với các nước anh em. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc. Truyền thống ấy trở thành nét bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam, trở thành sức mạnh vật chất, tinh thần của nhân dân ta từ nghìn đời nay.

 

Về đạo đức của người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ cách mạng là phẩm chất đạo đức “Đạo đức là gốc”. Người nói: “Cũng như sông thì phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”4.Theo Người: “Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”5.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm lại là: Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”6; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết.

 

Người chỉ rõ những phẩm chất đạo đức của người cán bộ đó là: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Thấm nhuần đạo đức cách mạng, cán bộ sẽ xử lý hài hòa các mối quan hệ: với mình, với người và với công việc. Đối với mình: “Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo... Phải siêng năng, tiết kiệm”; Đối với người: “Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở... Không nên ghen ghét đố kỵ”; Đối với công việc: “Phải suy nghĩ cho kỹ... Phải cẩn thận...”. Đặc biệt, đối với nhân dân: “Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân... Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân”7.

 

Người cán bộ muốn trở thành người cách mạng chân chính có năm điều cần ghi nhớ “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” và phải luôn nêu cao tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình, bởi “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”8. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng của người cán bộ phải thường xuyên rèn dũa, bởi “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Do đó, người cán bộ chân chính phải biết giữ gìn đạo đức cách mạng, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.9

 

Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hiện thân, là sự hội tụ đẹp nhất, trọn vẹn nhất về phẩm chất đạo đức cách mạng; là tấm gương sáng ngời cả đời phấn đấu hy sinh vì dân, vì nước, vì hạnh phúc con người. Tấm gương đạo đức cách mạng của Người mãi soi sáng cho mọi thế hệ cán bộ, đảng viên noi theo.

 

II. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về năng lực chuyên môn (tài) của người cán bộ

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: cùng với việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, người cán bộ phải có năng lực chuyên môn (đó là tài): “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn… chính trị là đức, chuyên môn là tài”10. Tài của người cán bộ được thể hiện ở trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn, làm chủ tri thức khoa học, hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn của mình, kinh nghiệm, kỹ năng sáng tạo tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

 

Theo Bác, người cán bộ có tài là người “Hăng hái, thạo việc”, “Biết việc, biết người”, “Có gan quyết đoán”, “Có gan phụ trách”, “dám chịu trách nhiệm”... Dù ở cương vị nào, làm công tác gì, khó hay dễ, chức vụ to hay nhỏ, cũng đem cả tinh thần và sức lực làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công; luôn nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng và làm tròn nhiệm vụ.

 

Với quan niệm: “có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng tìm kiếm, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng những người có đủ tài và đức cho cách mạng.

 

Tư tưởng “Chiêu hiền đãi sĩ” được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ ngay từ những ngày đầu cách mạng; khi còn ở Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã lựa chọn, tập hợp những thanh niên ưu tú, có trình độ, năng lực để đào tạo, bồi dưỡng sau này đưa về nước hoạt động. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, với tư tưởng “kiến quốc cần có người tài”, Người đã viết hai bài viết “Nhân tài và kiến quốc”, “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc, nhờ đó thu hút được rất nhiều người có tài, đức tham gia xây dựng và kiến thiết đất nước từ những ngày đầu chính quyền cách mạng còn non trẻ.

 

(Còn nữa)

------------------------------------

1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.269

2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.240,

3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.631

4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.252-253

5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.253

6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.480

7 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.54

8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.644

9 Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.293

10 Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.492

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek