Đó là cụ Hoàng Đạo Thúy, nguyên Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân huấn, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm Tổng thư ký đầu tiên của Ban thi đua ái quốc Trung ương, sau khi Người ra lời kêu gọi thi đua ái quốc cách đây tròn 60 năm (11/6/1948-11/6/2008)...
Chân dung cụ Hoàng Đạo Thúy - Ảnh: QĐND
Cách đây ít lâu, tôi có dịp gặp gỡ, viết bài về giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung, một trong 8 giáo sư kiến trúc ở Việt Nam hiện nay. Anh là con trai út cụ Hoàng Đạo Thúy, một cán bộ lão thành có rất nhiều gắn bó với quân đội ta.
Học giả Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) là một cán bộ quân đội lão thành, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Hiệu trưởng đầu tiên của trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường sĩ quan Lục quân 1), Cục trưởng đầu tiên của các Cục Quân huấn (Bộ Tổng tham mưu), Cục Thông tin liên lạc (nay là Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc). Đặc biệt, như anh Cung cho biết: Khi cụ Thúy đang là Cục trưởng Cục Quân huấn thì được Bác Hồ giao nhiệm vụ làm Tổng thư ký đầu tiên của Ban thi đua ái quốc Trung ương. Cụ có viết một cuốn nhật ký, nói về những ngày đầu của phong trào thi đua ái quốc hiện anh Cung còn giữ được. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, tôi đã thuyết phục anh Cung cho tiếp cận di cảo của cụ Hoàng Đạo Thúy nói về “cái thuở ban đầu” của phong trào thi đua ấy. Xin trích giới thiệu cùng bạn đọc.
“Năm 1948, tôi đang ở Cục Quân huấn. Bỗng có “Hỏa tốc” đến. Mở ra đọc, tôi vừa phấn khởi, lại vừa sững sờ. Thay đổi thế này ư?
Thư rằng:
“Gởi ông Hoàng Đạo Thúy
Lão đồng chí,
Nay có một việc rất quan trọng, cần có một người có sáng kiến, nhiều kinh nghiệm, và tính xốc vác. Tức là việc Tổng bí thư cho Ban thi đua Trung ương.
Tôi muốn nhờ đồng chí phụ trách việc ấy. Chắc đồng chí sẽ không từ chối. Vẫn biết bên quốc phòng và tổng chỉ huy cũng cần đồng chí giúp, song nếu đồng chí bằng lòng, thì tôi sẽ tìm cách dàn xếp.
Chào thân ái và quyết thắng!
6/48
Hồ Chí Minh”.
Thật là rõ ràng và chu đáo. Cụ đã đề bạt mình làm “lão đồng chí”. Nét chữ của cái máy của Cụ đây. Một vị Chủ tịch nước đang kháng chiến, giữa hai buổi họp của Hội đồng chính phủ, quyết định thay người rồi tự đánh máy thư gọi cán bộ, cho cầm đi luôn.
Tôi lập tức lên yên. Giữa đường gặp đồng chí Tổng chỉ huy. Đồng chí bảo: “Ông cụ đã quyết định. Phải làm thôi. Khi nào công việc có kết quả, chuyển cho người khác được, thì về vậy”…
Một mái tranh nứa, che một tấm phên đan lóng đôi, không rộng hơn chiếc chiếu. Ba phía có vách, cũng bằng phên. Tất cả đặt lên bốn cột tre cao độ 2 mét. Trèo lên bằng một thang tre. Kiến trúc đã khá cũ rồi. Trên chiếu có một cái tráp, ồ không, một cái hòm bao đồ bằng gỗ tạp. Trên vách cài một cái điếu píp, một cái quạt, đúng cái quạt của các cụ nhà quê ta, quạt thước, vừa để quạt, vừa che nắng, vừa để xua chó. Cụ chỉ cái tẩu, cười:
- Tê-lê-phôn của tôi đấy.
Cụ rút cái tẩu, gõ vào ống tre, là chú liên lạc chạy ngay đến. Ngồi một lúc thì Cụ Thoại Sơn (Cụ Tôn), trưởng ban vận động thi đua ái quốc đến.
Cụ Chủ tịch thết hai chúng tôi một bữa cơm, y như bữa cơm thường, với đậu phụ, rau chấm tương. Chắc vì có khách, nên có thêm đĩa dạ dày lợn và chai rượu vơi quá nửa…
Cơm xong, Cụ Tôn ra về.
Cụ Chủ tịch xê lại gần tôi, Cụ nói giọng đơn sơ nhưng dứt khoát: “Ông bí thư trước nhận nhiệm vụ một tháng mà chưa bắt đầu làm, nên phải nhờ Cụ”.
Rồi Cụ nói tiếp: “Tôi trao cho Cụ toàn quyền hành động. Phải tuyên truyền thật tốt. Tuyên truyền giỏi hơn Mỹ thì càng tốt. Cần tiêu bao nhiêu thì cứ lĩnh. Nếu không lĩnh được thì bảo tôi. Nếu thiếu cán bộ thì lấy một nửa văn phòng của tôi. Yêu cầu là sau một năm phải có phong trào”.
Tôi hiểu ngay. Rõ ràng. Vắn tắt. Quyền hạn rộng rãi. Nhưng nghiêm khắc là ở câu sau cùng.
Tôi thưa:
- Chúng tôi xin hết sức!
Chiếc quạt giấy Bác Hồ tặng cho cụ Hoàng Đạo Thúy - Ảnh: N.D
Về đơn vị, tôi nghĩ, mừng rằng đã được làm việc gần hai Cụ, Cụ Hồ và Cụ Tôn. Suy nghĩ cả đêm, nào phương pháp, nào phong trào, nào cán bộ. Ngồi nhỏm dậy lúc nào không biết. Nghêu ngao một câu hò thi đua mới nghĩ ra. Bỗng nhìn thấy anh em cán bộ, chiến sĩ đang ngủ yên, mà mình cười mình.
Sáng dậy, tôi viết lia lịa. Viết xong chương nào, đưa đánh máy ngay chương ấy. Bốn mươi tám giờ sau, cho liên lạc viên đem bản thảo tập “Thi đua yêu nước” và tập “Cán bộ thi đua” đến Phủ Chủ tịch. Cứ tưởng Cụ Chủ tịch sẽ có xem, nhưng làm gì có thời giờ mà đọc cả được. Hai mươi tư giờ sau, hai tập đã trở về đến tay tôi. Mở cái bao ra, tôi toát cả mồ hôi. Bút chì đỏ đã có dấu vết ở khắp mọi trang, đánh cả những cái dấu bỏ sót, thêm những dấu phẩy ở những chỗ cần thiết. Chết chửa, anh viết và anh đánh máy! Từ nay chừa cái tính “Cứ tưởng” đi nhé. Cụ thêm cho những điều rất cụ thể:
1. Mỗi cán bộ từ khu đến huyện phải phụ trách một xã.
2. Cán bộ phải hiểu thấu rồi làm cho dân hiểu thấu, thấy rõ lợi hại.
3. Cán bộ mà không biết, là dân không biết.
4. Trước khi phát động phải cùng cán bộ địa phương khai hội, định kế hoạch, lập tổ xung phong.
5. Có khen thưởng để người được khen thưởng tiến lên và giúp đỡ người khác.
6. Từ cá nhân đến đoàn thể, việc tổ chức công tác là rất mực cần thiết.
Cuối cùng Cụ nêu một câu hỏi:
“Ban thi đua Trung ương đã có chương trình huấn luyện chưa? Đã mở lớp huấn luyện chưa?”.
Thế là Cụ đã nêu ngay cho việc cấp bách nhất và việc cụ thể nhất.
Từ đó Cụ theo dõi phong trào hằng ngày. Trong suốt một năm trời, không có một bức thư nào của Cụ mà không có câu “Chào thi đua thắng lợi”. Cụ dặn các đồng chí Trần Đăng Ninh và Hoàng Quốc Việt đi lại giúp luôn…
Cuối năm 1948, Ban thi đua họp Hội nghị cán bộ ở trại Hoàng Nông… Hội nghị nhận định phong trào đã lan khá rộng, nhưng cách tổ chức và lãnh đạo nhiều nơi còn yếu. Quyết định phát động một đợt thi đua 3 tháng. Hẹn ngày kỷ niệm thi đua một năm sẽ có Đại hội thi đua.
Việc chuẩn bị Đại hội thi đua năm 1949 làm cẩn thận lắm. Báo Cứu Quốc có một câu nhận định: “Hội nghị thi đua ái quốc toàn quốc là một cuộc tổng kết vĩ đại các thành tích một năm thi đua”.
Theo QĐND