Ngày 27/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Về cơ bản, các đại biểu đều cho rằng việc ban hành Luật BHYT là cần thiết để thực hiện chính sách BHYT tiến tới mục tiêu toàn dân, tạo nên những thay đổi quan trọng trong cơ chế, chính sách tài chính y tế, góp phần hình thành và hoàn thiện chính sách an sinh xã hội ở nước ta.
Theo nhiều đại biểu, BHYT là đóng góp theo khả năng kinh tế và quyền lợi theo nhu cầu, vì vậy mức đóng BHYT mới quy định trong dự thảo là 6% thay vì mức 3% như trước đây cần phải cân nhắc. Có ý kiến cho rằng mức đóng 6% không hẳn đã giải quyết được chất lượng khám chữa bệnh mà vấn đề đáng quan tâm là chất lượng khám chữa bệnh, do vậy trong dự luật BHYT cần tập trung mạnh vào các giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, làm sao để tăng cường nhận thức của y bác sĩ về vấn đề y đức, để đội ngũ bác sĩ thấy được việc khám chữa bệnh theo BHYT bình đẳng với các hình thức khám chữa bệnh khác.
Có đại biểu đề xuất nên quy định theo mức thu nâng dần để có thể tạm cân đối ngân quỹ hoặc giảm bội chi, chứ không nên nâng gấp đôi mức thu, hoặc có thể đặt ra lộ trình nâng mức thu gắn với nâng dần quyền lợi của người đóng bảo hiểm. Có như vậy BHYT mới giữ được ý nghĩa chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo sự công bằng.
Một số đại biểu đặt vấn đề trong điều kiện nước ta hiện nay, có nên quy định việc tham gia bảo hiểm y tế toàn dân, bắt buộc hay tự nguyện trong bảo hiểm y tế hay không? Một số đại biểu phân tích, thực tế trong năm qua cho thấy mặc dù có quy định bắt buộc, nhưng một số nhóm bắt buộc vẫn không tham gia đầy đủ theo quy định. Một trong những nguyên nhân là do việc tuân thủ pháp luật chưa nghiêm, tính chất pháp lý của quy định chưa cao. Do đó, các đại biểu cho rằng, chỉ nên mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT khi các nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc tăng mạnh, số lượng tham gia BHYT tự nguyện tăng mạnh. Một số đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ là thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân nên có lộ trình đến năm 2010, 2012, 2014; tùy theo đối tượng mà trong lúc thực hiện lộ trình vẫn tiếp tục duy trì loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện.
Có ý kiến nêu rằng lộ trình tiến tới BHYT toàn dân là một quá trình kéo dài trong nhiều năm, vì vậy nên xác lập những bước đi phù hợp để thực hiện, như từng bước mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, cân đối giữa quyền lợi và nghĩa vụ bảo đảm an toàn về tài chính...
Về cơ chế cùng chi trả được quy định như trong dự thảo luật, nhiều đại biểu cho rằng trong thời điểm hiện nay quy định như vậy là cần thiết và cần phải quy định cơ chế cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh theo một tỉ lệ nhất định, nhằm đảm bảo cân đối quỹ BHYT và giảm được những chi phí không cần thiết trong điều trị bệnh, đồng thời hạn chế được tình trạng lạm dụng BHYT đang diễn ra phổ biến hiện nay.
Cuối giờ chiều của ngày làm việc hôm qua, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường về dự án Luật Công nghệ cao, đồng thời cho ý kiến thảo luận về dự án luật này.
KHƯƠNG NGUYÊN (tổng hợp)