Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng cả đức và tài trong một con người, nhưng xét về thứ tự ưu tiên thì Người vẫn cho đức là cơ bản hơn cả. Đây là quan điểm cơ bản, có ý nghĩa thời sự nóng hổi hiện nay.
Theo Người, đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ yếu nhất. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình, cùng đồng chí mình tiến bộ. Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu. Có như thế mới thắng được địch và thực hiện được nhiệm vụ cách mạng. Cho nên đạo đức cách mạng là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng; hết sức trung thành phục vụ giai cấp công nhân và nông dân lao động, tuyệt đối không thể lừng Khừng. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ một cách vẻ vang”. Trong năm cuối đời (năm 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đúng vào dịp kỷ niệm thành lập Đảng để giáo dục cán bộ, đảng viên. Và trong Di chúc, Người viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân...”.
Có thể nói rằng, sinh thời hầu như lúc nào và ở đâu Bác Hồ cũng nói hoặc viết và nhất là làm có liên quan đến vấn đề đạo đức. Đó là nếp sống văn hóa thường nhật của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xét vấn đề đạo đức tới mọi đối tượng, mà chung nhất là đạo đức công dân và đặc biệt nhấn mạnh là đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng. Nói đến đạo đức, một vấn đề không thể không đề cập là các mối quan hệ của con người. Con người có rất nhiều mối quan hệ chồng chéo, phong phú, nhưng cũng rất phức tạp. Chủ tịch Hồ Chí Minh quy tất cả các mối quan hệ ấy vào ba mối quan hệ chủ yếu là: Đối với người, đối với việc, đối với mình. Thực chất, trong ba mối quan hệ đó, tất cả đều là quan hệ của con người. Có thể nói một cách tổng quát: Đạo đức là ứng xử các mối quan hệ giữa người với người, trong đó có mối quan hệ đặc biệt là tự mình đối với bản thân mình. Nếu tự mình bị tha hóa thì các mối quan hệ khác đều bị phá vỡ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin. Theo Người, có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác của Đảng giao phó.
TÔ PHƯƠNG