Sáng 27/5, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Đồng chí Đào Tấn Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác tư pháp ở tỉnh Phú Yên đã có sự chuyển biến tích cực. Hầu hết những nội dung Nghị quyết đề ra đã được các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, có kết quả, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội. Các cấp ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã đề ra chương trình công tác trọng tâm cho từng cơ quan tư pháp để thực hiện. Qua đó, giúp hoạt động của các cơ quan tư pháp dần đi vào nề nếp, đúng chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc chỉ rõ những tồn tại như: Đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp các cấp còn thiếu về số lượng, năng lực chuyên môn chưa đều, chưa đạt với yêu cầu cải cách tư pháp; tỉ lệ án phải trả lại ở giai đoạn điều tra, án hủy, sửa vẫn còn cao; tỉ lệ thi hành án dân sự còn thấp nên không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; các cơ quan tố tụng chưa phối hợp tốt trong một số vụ án quan trọng... Để khắc phục những tồn tại trên, Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc nhấn mạnh: Trong thời gian đến các cơ quan tố tụng tập trung công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng mà dư luận quan tâm nhưng không được làm oan sai, không để vi phạm thủ tục tố tụng. Các cơ quan tố tụng sớm xây dựng quy chế phối hợp để làm tốt quá trình tố tụng vụ án, tránh sai sót, oan sai… nhằm làm tốt công tác chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. TAND tỉnh tiến hành khẩn trương việc tăng thẩm quyền xét xử cho các tòa án cấp huyện còn lại theo lộ trình mà Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã đề ra. Các cơ quan tư pháp phải chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đặc biệt là chú trọng đến phẩm chất, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ. Chính quyền cấp huyện quan tâm tạo điều kiện để đảm bảo cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp cùng cấp; đồng thời, tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân.
ĐỨC THÔNG