Thứ Ba, 24/09/2024 22:32 CH
Dựa vào dân và làm gương cho dân
Thứ Tư, 21/05/2008 10:02 SA

Những ngày tháng 5 lịch sử này, trong niềm hân hoan kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nhớ về Bác với tấm lòng biết ơn vô hạn.

 

080521-bac.jpg

Mỗi ngày, hàng vạn người dân đến thăm ngôi nhà sàn nơi ở và làm việc của Bác lúc sinh thời tại thủ đô Hà Nội - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

 

Vì nước, vì dân, Bác chịu bao gian khổ, hy sinh đi tìm đường cứu nước, sáng lập, rèn luyện Đảng ta, lãnh đạo toàn dân tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người đã dành cho dân, cho nước với một ham muốn tột bậc là làm cho Tổ quốc độc lập, thống nhất, đồng bào được hạnh phúc, tự do, “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành”. Yêu nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức, bóc lột là đạo đức vĩ đại của Bác và Người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng loài người. Nắm vững linh hồn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin “Đảng có mạnh cách mạng mới thành công”, để lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tâm huyết xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta trong cuộc đấu tranh cách mạng của toàn dân.

 

Suốt cuộc đời, Người chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo lớp lớp cán bộ, đảng viên theo tư cách của một đảng chân chính cách mạng. Đảng chỉ mưu cầu hạnh phúc cho dân và không có lợi ích nào khác, ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần dạy cán bộ, đảng viên: “Đối với nhân dân: Phải nhớ đoàn thể làm việc cho dân, đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân... Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”(1).

 

Đối với việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đó không chỉ là công việc của Đảng mà còn là của toàn dân. Quan điểm này của Bác là sợi chỉ đỏ xuyên suốt  tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Người nói: “Nhiệm vụ của Chính quyền ta và đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đầy tớ cho dân... Muốn làm được như vậy, thì mỗi cán bộ chính quyền và đoàn thể cần phải:

 

- Luôn luôn gần gũi nhân dân.

 

- Ra sức nghe ngóng và hiểu biết nhân dân.

 

- Học hỏi nhân dân.

 

- Lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân”.(2)

 

Nêu tấm gương mẫu mực về tự phê bình và phê bình, Bác Hồ chỉ rõ, mục đích của phê bình cốt để giúp nhau tiến bộ, đối với đồng chí mình phải “Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị”.(3) Cho nên phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông.

 

Khi phê bình phải xét nguyên nhân của khuyết điểm, phải cân nhắc đến ưu điểm, phải đề ra cách sửa chữa. Tự phê bình cần thành khẩn, như rửa mặt hàng ngày. Bác dạy: Thường xuyên tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng. Làm tốt công tác tự phê bình và phê bình để “gột rửa” những tư tưởng, quan điểm, hành vi trái với bản chất của Đảng, vi phạm phẩm chất, đạo đức của người cán bộ, đảng viên.

 

Trong điều kiện đảng cầm quyền, thật thà tự phê bình và phê bình còn là “tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài”, chọn lựa “những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo” để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, loại bỏ những thói hư, tật xấu, nhất là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

 

Hiện nay, để nâng cao chất lượng, hiệu quả tự phê bình và phê bình, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, cần đẩy mạnh tự phê bình và phê bình của các tổ chức đảng và đảng viên. Hết sức coi trọng vai trò của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy trong việc “cầm cân nảy mực” khi tiến hành kiểm điểm, đánh giá, kết luận ưu điểm, khuyết điểm của tổ chức và từng đảng viên, cán bộ. Thông qua tổ chức thực hiện tự phê bình, phê bình và nêu gương, cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy kịp thời động viên những đảng viên, cán bộ có tiến bộ sửa chữa khuyết điểm. Đồng thời, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, những khuyết điểm mới nảy sinh trong sinh hoạt, công tác của cán bộ, đảng viên.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc của người cách mạng. Do đó, bồi dưỡng đạo đức cách mạng gắn liền chống chủ nghĩa cá nhân. Do sa vào chủ nghĩa cá nhân mà làm ô danh Đảng, tham ô, hối lộ, nhũng nhiễu nhân dân làm mất tư cách đạo đức của người cán bộ, đảng viên.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

 

Thực hiện lời dạy của Người, chỉ đạo và phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bộ Chính trị đã đề ra yêu cầu nhiệm vụ ra sức bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, làm cho Đảng trong sạch, chống thoái hóa, biến chất, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, dựa vào nhân dân để chỉnh đốn Đảng, tăng cường mối quan hệ gắn bó của Đảng với nhân dân. Đối với cán bộ, đảng viên việc bồi dưỡng đạo đức Hồ Chí Minh là học tập, rèn luyện, tu dưỡng làm theo tấm gương đạo đức, lối sống cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Bác Hồ.

 

Trong điều kiện lịch sử mới đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và mở rộng hợp tác quốc tế, các cấp ủy đảng cần có các biện pháp đưa đảng viên tham gia các hoạt động cụ thể để phát huy tính tiên phong, gương mẫu và có các biện pháp quản lý đảng viên theo các quy định của Điều lệ Đảng. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần thực hiện phương châm nói đi đôi với làm; tăng cường đối thoại, tiếp xúc giữa cán bộ lãnh đạo ở các cấp với nhân dân, khắc phục tệ quan liêu, nhũng nhiễu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức.

 

Cùng với phát huy dân chủ và thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, dân chủ từ cơ sở thì ngành kiểm tra và Mặt trận Tổ quốc cần làm tốt chức năng giám sát và thực hiện có hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên, nhất là ngăn ngừa, chống tham nhũng, lãng phí.

 

PHẠM VĂN KHÁNH

1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 5, tr 55.

2- Sđd, tập 6, tr 88.

3- Sđd, tập 5, tr 54.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek