Sáng qua (19/5, tức rằm tháng tư năm Mậu Tý), Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 (Vesak 2008) – PL 2552 tỉnh Phú Yên đã long trọng tổ chức Đại lễ mừng đức Phật đản sinh tại chùa Bảo Tịnh (TP Tuy Hòa).
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi phát biểu chúc mừng Đại lễ Phật đản - Ảnh: T.QUỚI |
Đến dự lễ có các đồng chí Đào Tấn Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Chi, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBMTQVN tỉnh, Sở Nội vụ, Ban Dân vận Tỉnh ủy; Thành ủy, UBND, UBMTTQVN TP Tuy Hòa. Đông đảo chư tôn hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni và hàng ngàn phật tử, đạo hữu trong tỉnh cũng đã vân tập về tham dự đại lễ.
Lễ Phật đản 2008, ngoài ý nghĩa mừng ngày đức Phật đản sinh, lễ tam hợp (Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật nhập Niết bàn), còn có ý nghĩa lớn lao hơn khi lần đầu tiên, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc. Tại buổi lễ, đại diện Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên tuyên đọc thông điệp của đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam với chủ đề “Sự đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.
Phát biểu tại Đại lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi khẳng định sự đóng góp to lớn của Phật giáo trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội Phú Yên trong thời gian qua. Đồng chí kêu gọi các tăng ni, phật tử tiếp tục hoằng dương phật pháp, làm tốt công việc phật sự, đồng thời là nhân tố tích cực vì mục tiêu xây dựng xã hội công bằng dân chủ, văn minh theo tinh thần “Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”.
Đông đảo chư tôn hòa thượng, thượng tọa đến dự Đại lễ Phật đản 2008 – Phật lịch 2552 – Ảnh: T.QUỚI |
Sau Đại lễ tập trung, chiều và tối qua (19/5), tăng ni, phật tử ở tự, viện địa phương trong tỉnh tiếp tục tổ chức hành lễ và các hoạt động mừng Phật đản tại địa bàn mình.
* Nhân Đại lễ Phật đản Liên hợp Quốc Vesak 2008 – Phật lịch 2552, một triển lãm tranh và thư pháp Phật giáo đã được khai trương tại chùa Bửu Lâm (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa). Gần 40 bức tranh phiên bản kích cỡ 30 x 45cm về tiểu sử đức Phật do các họa sĩ Ấn Độ sáng tác, một số tranh thư pháp của Đại đức Thích Chánh Ngã (Việt Nam) cùng gần 100 bức thư pháp thể hiện những câu kinh bài kệ do Đại đức Thích Nhuận Thông quê ở Tuy An thể hiện được trưng bày tại đây. Triển lãm tranh và thư pháp sẽ kết thúc vào cuối tháng 5 này.
THẾ NHƠN – TƯỜNG VĂN