Tuần làm việc thứ hai của Quốc hội với tinh thần thẳng thắn, dân chủ và tâm huyết, các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến đối với 9 Dự án luật và các Tờ trình của Chính phủ.
Tuần qua, 9 Dự án luật được quốc hội thảo luận và cho ý kiến. Trong đó 4 dự án luật lần đầu tiên đã đưa ra bàn thảo là: Luật Quản lý và Sử dụng tài sản Nhà nước; Luật Trưng mua, Trưng dụng tài sản; Luật Hoạt động Chữ thập đỏ và Luật Năng lượng nguyên tử.
Lần đầu tiên, các quy định về quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước được tập hợp trong một đạo luật thống nhất. Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chỉ ra tình trạng sử dụng tài sản công còn lãng phí ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. Không ít trường hợp tổ chức, cá nhân tại cơ quan nhà nước lợi dụng việc cho thuê tài sản để tham ô, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí và sao nhãng việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy, Dự thảo Luật quy định: “Trường hợp tài sản không được sử dụng hoặc sử dụng không hết thì phải thu hồi, điều chuyển cho cơ quan khác để bảo đảm tài sản được sử dụng, phát huy tối đa công dụng”. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính, kể cả tài sản của tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cũng không được cho thuê tài sản nhà nước và những tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Việc thông qua Dự án Luật Quản lý và Sử dụng tài sản nhà nước là một bước tiếp theo thể hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng, Nhà nước ta.
Một vấn đề khác mà dư luận cả nước rất quan tâm và cũng là vấn đề đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao là việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số địa phương khác.
Việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, theo hướng hợp nhất tỉnh Hà Tây và một số địa phương khác, các ý kiến phát biểu đều tán thành chủ trương mở rộng Thủ đô Hà Nội như Tờ trình của Chính phủ và đề nghị giao cho Chính phủ xây dựng quy hoạch, lộ trình thực hiện.
Khi tham gia thảo luận ở tổ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đã được nghiên cứu kỹ lưỡng cách đây 6 năm, với hơn hai chục cuộc hội thảo khoa học, căn cứ trên hệ thống yêu cầu và tiêu chí của Thủ đô hiện đại, đa chức năng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng giải thích rõ những băn khoăn của Đại biểu Quốc hội về việc tổ chức bộ máy nhân sự, về ngân sách sau hợp nhất và các vấn đề khác. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Từ khi thảo luận ở tổ đến phiên thảo luận tại hội trường và phiên biểu quyết (vào ngày 19 và 22/5), Đại biểu Quốc hội cần thông tin gì về điều chỉnh địa giới Thủ đô, Chính phủ sẽ cung cấp thêm để Quốc hội có cơ sở quyết định”.
Ý kiến của các Đại biểu Quốc hội về những vấn đề hệ trọng của đất nước được Chính phủ tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và bổ sung để Quốc hội quyết định trong thời gian tới.
Theo VOV