Sáng nay (19/5), Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh.
Phần lớn các ý kiến đại biểu đều đồng tình và nhất trí cao với việc phải mở rộng quy mô địa giới hành chính Hà Nội. Nhất là trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều bất cập: cơ sở hạ tầng xuống cấp, gia tăng đột biến về dân số, các khu công nghiệp. Là bộ mặt của đất nước, không thể để Thủ đô Hà Nội phát triển như hiện nay.
Các đại biểu nhấn mạnh, chủ trương mở rộng Hà Nội không chỉ đáp ứng yêu cầu khách quan, mà còn tạo tiền đề để phát triển Thủ đô hiện đại, bền vững. Các đại biểu cũng đồng tình với phương án một của Chính phủ trình là hợp lý, có tính khả thi cao, có đủ điều kiện để xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô một cách bền vững.
Tuy nhiên các đại biểu cũng kiến nghị cần có lộ trình cụ thể và quan tâm tới một số vấn đề sau khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội như: cần làm rõ ưu điểm, hạn chế của loại hình Thủ đô đa chức năng; cân nhắc về lợi ích dân số cho phù hợp; Hà Nội phải được xây dựng theo mục tiêu nào, có thể không cần một Hà Nội lớn về quy mô và dân số mà phải phát triển về chiều sâu. Thủ đô Hà Nôi phải là trung tâm chính trị, đối ngoại, đào tạo, thương mại, du lịch… của đất nước. Bên cạnh đó, vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa lịch sử ở các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình sau khi hợp nhất với Hà Nội cũng cần phải được tính đến một cách cụ thể.
Đồng tình và nhất trí với Tờ trình của Chính phủ theo phương án 1, đại biểu Hồ Nghĩa Dũng (đoàn Đắk Nông) cho đây là phương án tốt, có nhiều điều kiện thuận lợi để thực thi được quy hoạch phát triển giao thông vận tải theo hướng hiện đại và tạo ra được tiền đề cơ bản để giải quyết một cách bền vững những bất cập về giao thông vận tải hiện nay.
Ông Hồ Nghĩa Dũng cũng cung cấp một số hiện trạng về giao thông vận tải, so sánh với thủ đô của một số quốc gia trong khu vực và so với tiêu chí của thế giới. Theo đó, so với các quốc gia trong khu vực, quỹ đất đất dành cho giao thông của thành phố Hà Nội rất thấp, chỉ chiếm khoảng 7%, trong khi đó Thủ đô Bangkok của Thái Lan con số này là 25%, Tokyo là 23,8%, Bắc Kinh 29%… Số km đường giao thông/1.000 dân trong khu vực là 0,95 đến 1 thì của Hà Nội là 0,31, chỉ bằng 30% so với các nước…
Đại biểu cho rằng, nhìn vào những tiêu chí đó cho thấy, hạ tầng giao thông vận tải của Thủ đô Hà Nội hiện nay là rất bất cập. Với kết cấu hạ tầng như thế, cộng với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân cao… nếu không mở rộng Thủ đô rất khó để hiện đại hoá hạ tầng giao thông đô thị một cách bền vững.
Đại biểu Bùi Văn Duôi (đoàn Hoà Bình) kiến nghị, dù Quốc hội có thông qua hay chưa thông qua cũng phải để những dự án tại Hoà Bình và Hà Tây đang triển khai được tiếp tục để góp phần cải thiện đời sống người dân.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ cần thành lập một ban đặc trách bàn về vấn đề này, có tờ trình hợp lý chặt chẽ. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua chủ trương về việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Trên cơ sở đó, giao nhiệm vụ cho Chính phủ, tổ chức thực hiện, lên bộ máy, xây dựng quy hoạch trình Quốc hội cho ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Sinh Hùng (đoàn Hà Tĩnh) nhấn mạnh, vấn đề mở rộng địa giới hành chính Hà Nội là một vấn đề quan trọng, không chỉ hiện tại mà cả tương lai, cho Thủ đô và cả đất nước. Đại biểu đồng tình với nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải thu thập thêm nhiều thông tin để quyết định vấn đề này một cách nhanh chóng. Đại biểu cho rằng, trên cơ sở chủ trương của Quốc hội về địa giới hành chính, mới có thể lập ra bộ máy hành chính mới lãnh đạo Hà Nội. Nếu không có bộ máy lãnh đạo này thì không thể xây dựng được quy hoạch của Hà Nội rồi vấn đề mời gọi đầu tư, chỉ tiêu ngân sách… Đại biểu tin tưởng với sự nhất trí cao của Bộ Chính trị, của Quốc hội và Chính phủ cùng với bộ máy hành chính mới của Hà Nội, quy hoạch về Hà Nội sẽ được xây dựng có căn cứ khoa học, có tính đồng thuận cao và sẽ được quảng bá rộng rãi đến với mọi người dân. Đây là một quá trình lâu dài để xây dựng Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Tuy nhiên, nó không thể có được nếu chủ trương về địa giới hành chính Hà Nội chưa được Quốc hội thông qua.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội Nhân dân Việt Nam.
Theo VOV