Vào rạng sáng ngày hôm nay, phiên điều trần đầu tiên về chất độc da cam trên phương diện của nạn nhân VN đã kết thúc tại phòng 2172 của ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ.
Với chủ đề “Trách nhiệm bị lãng quên của chúng ta: chúng ta có thể làm gì để giúp các nạn nhân chất độc da cam?", nghị sĩ Eni Faleomavaega, chủ tịch tiểu ban châu Á, Thái Bình Dương, khẳng định vấn đề này đã bị lãng quên quá lâu, đặc biệt 30 năm sau khi cuộc chiến đã kết thúc.
“Da cam là vấn đề nhân đạo” - nghị sĩ Faleomavaega nhấn mạnh và kêu gọi tìm cách để “hai chính phủ và các công ty cùng chung nguồn lực để giúp đỡ các nạn nhân da cam thay vì chỉ để hàng triệu các nạn nhân da cam nghèo khó của VN tự gánh chịu lấy hậu quả thảm khốc này.”
Ông tiếp tục khẳng định “nước Mỹ là cường quốc chính bởi khả năng dám nhận lỗi và sửa chữa sai lầm của mình…Đó không phải là kẻ thù của chúng ta mà đó là những con người.” Ông chỉ ra thực tế chính những cựu binh Mỹ chịu chất độc da cam đã phải phải đấu tranh mới có được những đền bù về mặt tài chính. “Không thể giả vờ rằng chuyện đó không xảy ra và chúng ta nên có trách nhiệm đối với vấn đề này.” - ông nói.
Phát biểu tại phiên điều trần, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Scot Marciel thay mặt chính phủ Mỹ tiếp tục phủ nhận bất cứ trách nhiệm pháp lý nào liên quan đến chất độc da cam mà cho rằng các trao đổi về vấn đề này cần dựa trên những nghiên cứu khoa học đáng tin cậy. Điều này đã bị phó chủ tịch tiểu ban, ông Donald Manzullo, chỉ trích là “có 2 tiêu chuẩn về y tế đối với cựu binh Mỹ và người dân VN.”
GSBS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, với tư cách là nhà khoa học đã đưa ra những bằng chứng và chứng kiến của mình trong hơn 40 năm công tác tại bệnh viện Từ Dũ ở TP HCM. Bà kể lại câu chuyện lần đầu bà đỡ một quái thai không đầu không tay khi còn là một bác sĩ thực tập năm 1965, cùng nỗi sợ hãi của người mẹ với ý nghĩ rằng mình đã mắc tội và đang bị trời phạt. Đồng thời, bà cũng cung cấp những bằng chứng khoa học mà bà và các đồng nghiệp đã nghiên cứu được trong nhiều năm qua liên quan đến chất độc da cam dioxin.
Những người điều trần khác như bà Catharin E. Dalpino của ĐH Georgetown, Rich Weiman từ hội cựu chiến binh Mỹ, Vaughan C.Turekian của nhóm đối thoại Việt Mỹ về chất độc da cam Dioxin đều có các bài điều trần kêu gọi chính phủ Mỹ nên quan tâm hơn nữa đến vấn đề này.
Ông Walter Isaacson, Chủ tịch viện ASPEN không tham dự nhưng cũng gửi bài trình bày mang tên “Hợp tác để hàn gắn vết thương chiến tranh” trong đó khẳng định “không thể lượng hóa hết được những thiệt hại đối với sức khỏe con người và môi trường tại VN” và kêu gọi tiến hành hỗ trợ nhân đạo cho những người bị tàn tật.
Kết luận phiên điều trần, nghị sĩ Eni cho rằng đây là khởi đầu để các bước tiếp theo có thể được tiến hành nhằm hỗ trợ hơn nữa cho các nạn nhân da cam VN. Rất tiếc rằng dù có nhiều người tới để nghe tại phiên điều trần nhưng tiểu ban châu Á, Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ chỉ có 2 nghị sĩ là ông chủ tịch và phó chủ tịch tham dự phiên điều trần lần này.
Theo TTO