Ngày 15/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi.
THU HẸP ĐỐI TƯỢNG KHÔNG CHỊU THUẾ GTGT
Thảo luận về dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với việc thu hẹp đối tượng không thuộc diện chịu thuế như quy định của dự thảo luật để phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế; đáp ứng tình hình thực tế của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, đề nghị cần rà soát danh mục các nhóm hàng để bảo đảm tính hợp lý của việc thu hẹp đối tượng; không bỏ sót các nhóm hàng cần phải đánh thuế, bảo đảm tính ổn định của luật. Có ý kiến cho rằng Bảo hiểm Y tế không phải là loại hình kinh doanh, hàng năm Nhà nước vẫn phải xuất ngân sách hỗ trợ, vì thế nên đưa dịch vụ này vào diện không chịu thuế. Một số ý kiến khác đề nghị nên đưa sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa qua chế biến vào diện không chịu thuế hoặc chỉ chịu thuế ở mức 5%.
Về các mức thuế suất, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc áp dụng thống nhất một mức thuế suất là 10% với lý do nếu để 3 mức thuế suất như hiện nay sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp; mặt khác sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm bớt phiền hà trong công tác quản lý thuế.
Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình cao với quy định thanh toán qua ngân hàng. Theo các đại biểu, hình thức thanh toán này có tác dụng hạn chế sự lợi dụng của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng hóa đơn, chứng từ giả để hoàn thuế khống, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, tạo sự không bình đẳng trong quá trình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp; đồng thời, góp phần làm giảm bớt lượng tiền mặt lưu thông.
GIẢM THUẾ SUẤT THU NHẬP DOANH NGHIỆP XUỐNG 25%?
Thảo luận về dự luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, nhiều đại biểu tán thành việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống 25% nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Mặc dù việc giảm thuế suất có thể ảnh hưởng đến nguồn thu trước mắt, nhưng bù lại sẽ khuyến khích đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng nghĩa với tăng trưởng nguồn thu một cách vững chắc. Thậm chí, một số đại biểu còn yêu cầu mức giảm này xuống còn mức từ 20-22%.
Về chính sách ưu đãi thuế, đa số đại biểu tán thành với ý kiến của Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng chủ trương ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ là hợp lý. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, không bỏ sót những đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề đáng được hưởng ưu đãi, khuyến khích đầu tư và những vùng miền thực sự khó khăn; đồng thời để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan để có quy định phù hợp, bảo đảm sự đồng bộ của pháp luật.
Theo kế hoạch, hôm nay (16/5), Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, cho ý kiến đối với 2 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí và việc thực hiện Nghị quyết 16/2003 của Quốc hội.
KHƯƠNG NGUYÊN (tổng hợp)