Sáng nay (15/5), Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.
Đại biểu Phạm Thị Loan phát biểu tại Hội trường
Tại Hội trường, các Đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi. Theo đó, Luật hiện hành còn bộc lộ một số hạn chế cần được tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển theo hướng lành mạnh, bền vững; nhằm thống nhất và pháp điển hóa các văn bản riêng lẻ về thuế giá trị gia tăng. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau được các đại biểu tập trung thảo luận trong phiên làm việc sáng nay là diện hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế GTGT; thuế suất thuế GTGT; điều kiện được khấu trừ, hoàn thuế.
Về diện hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế GTGT, Luật thuế GTGT hiện hành quy định 28 nhóm hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế GTGT. Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng thu hẹp diện không chịu thuế, theo đó, có 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ chuyển từ nhóm đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang nhóm đối tượng chịu thuế, bao gồm: Hàng hóa nhập khẩu là thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải làm tài sản cố định của doanh nghiệp, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được; Vận tải quốc tế, hàng hóa, dịch vụ cung cấp trực tiếp cho vận tải quốc tế; Hoạt động văn hóa, triển lãm và thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim nhựa, phim video tài liệu; điều tra, thăm dò địa chất, đo đạc, lập bản đồ thuộc loại điều tra cơ bản của nhà nước. Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung thêm các dịch vụ tài chính phái sinh vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Thảo luận về vấn đề này, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với việc thu hẹp đối tượng không thuộc diện chịu thuế như quy định của Dự thảo Luật để phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế; đáp ứng tình hình thực tế của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, đề nghị cần rà soát danh mục các nhóm hàng để bảo đảm tính hợp lý của việc thu hẹp đối tượng; không bỏ sót các nhóm hàng cần phải đánh thuế, bảo đảm tính ổn định của Luật.
Đại biểu Trần Hồng Việt (đoàn Hậu Giang) đề nghị cần làm rõ Bảo hiểm Y tế có nằm trong dịch vụ y tế hay không? Nếu không thì phải bổ sung thêm vào danh mục đối tượng không chịu thuế. Đại biểu này phân tích, Bảo hiểm Y tế không phải là loại hình kinh doanh, hàng năm Nhà nước vẫn phải xuất ngân sách hỗ trợ, vì thế nên đưa dịch vụ này vào diện không chịu thuế.
Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng nên đưa sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa qua chế biến vào diện không chịu thuế. Đại biểu Trần Hồng Việt e ngại, quy định này có thể khiến nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước sẽ bị cạn kiệt. Vì thế đề nghị nên quy định đây là đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 5%.
Đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) kiến nghị mọi đối tượng tham gia sản xuất kinh doanh thương mại đều phải nộp thuế GTGT. Chúng ta cần có lộ trình để các thành phần tham gia vào nền kinh tế cùng nộp loại thuế này. Chế độ ưu tiên hay ưu đãi cho các đối tượng, dịch vụ có thể đưa vào chính sách hoàn thuế và ưu đãi cho từng thời kỳ. Phương thức hoàn thuế cũng phải xem xét sao cho minh bạch và đơn giản để việc hoàn thuế được dễ dàng. Bởi trên thực tế đầu ra của đối tượng này là đầu vào của đối tượng khác, nếu không quản lý tốt sẽ gây thất thoát cho Nhà nước.
Về các mức thuế suất, Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định áp dụng 3 mức thuế suất: 0%, 5% và 10%. Dự thảo Luật trình Quốc hội giữ nguyên 3 mức thuế suất nhưng điều chỉnh một số nhóm hàng hoá, dịch vụ đang thuộc diện không chịu thuế sang chịu thuế với mức thuế suất 5% hoặc 10%; điều chỉnh một số nhóm hàng hoá, dịch vụ đang chịu mức thuế suất 5% lên chịu mức thuế suất 10%.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến đề nghị cân nhắc áp dụng thống nhất một mức thuế suất là 10% với lý do nếu để 3 mức thuế suất như hiện nay sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ có những doanh nghiệp được áp mức thuế suất 0% nhưng đầu vào của họ đã phải chịu 10%, như vậy doanh nghiệp sẽ bị thiệt. Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp, mặt hàng đầu ra chịu mức thuế 10% nhưng khi đầu vào là 5% và 0%, như thế Nhà nước sẽ bị thiệt. Nếu áp dụng thống nhất một mức thuế là 10%, điều này sẽ không xảy ra. Mặt khác sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm bớt phiền hà trong công tác quản lý thuế. Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình cao với quy định thanh toán qua ngân hàng. Theo các đại biểu, việc quy định thanh toán qua ngân hàng là cần thiết, có tác dụng hạn chế sự lợi dụng của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng hóa đơn, chứng từ giả để hoàn thuế khống, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, tạo sự không bình đẳng trong quá trình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quy định này còn góp phần làm giảm bớt lượng tiền mặt lưu thông.
Về quản lý hoá đơn GTGT, đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) cho rằng Bộ Tài chính nên xem xét để cho các doanh nghiệp tự in hoá đơn, một mặt giảm bớt gánh nặng cho Bộ mình. Mặt khác cần tăng cường công tác kiểm soát, tránh để nảy sinh nhiều kẽ hở cho các doanh nghiệp “ma” thành lập chỉ để mua bán hóa đơn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hoà (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng giá tính thuế trong dự thảo quy định đối với hàng hoá bán trả góp đòi hỏi doanh nghiệp trả thuế 1 lần là không hợp lý. Theo đại biểu này, một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chỉ thu tiền lần đầu khoảng 30% giá trị hàng hoá. 70% còn lại chúng ta khuyến khích cho người mua trả trong thời gian dài hơn (có khi là 10, 20 năm), vì thế nếu yêu cầu nộp luôn 100% thuế GTGT sẽ không khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào loại hình kinh doanh này. Đại biểu kiến nghị, thuế GTGT quy định với hàng hoá bán trả chậm, trả góp chỉ nên thu tương ứng với số tiền doanh nghiệp bán hàng thu được trong từng lần.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hoà cũng kiến nghị Luật thuế GTGT (sửa đổi) nên tổ chức theo hướng thu hẹp phương pháp tính thuế trực tiếp. Đại biểu này phân tích, hiện nay Luật vẫn áp dụng 2 phương pháp tính thuế: khấu trừ và trực tiếp. Trong đó phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng với các cơ sở kinh doanh không có sổ sách, chứng từ kế toán đầy đủ. Mặt khác theo yêu cầu hội nhập đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngày càng tiến tới minh bạch hoá, nếu duy trì hoặc mở rộng phương pháp tính thuế trực tiếp cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận duy trì các cơ sở kinh doanh không có chứng từ, sổ sách đầy đủ- đây là điều không thể chấp nhận trong hội nhập. Đại biểu kiến nghị cần có quy định: với quy mô, doanh thu ở mức nào đó thì tính thuế trực tiếp, còn nếu vượt mức đó thì phải chuyển sang phương pháp tính thuế khấu trừ.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luật về dự án Luật thế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Theo VOV