Thứ Tư, 25/09/2024 14:19 CH
Tiến tới rút gọn các loại văn bản quy phạm pháp luật
Thứ Ba, 13/05/2008 10:09 SA

Chiều 12/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, nghe Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật này.

080513-qh.jpg

Qua thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều tán thành với Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cho rằng so với các dự thảo trước, bản dự thảo lần này đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến đóng góp của đại biểu từ các kỳ trước, được nâng lên cả về chất lượng và nội dung.

Các đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang), Lưu Thị Chi Lan (đoàn Vĩnh Phúc), Vũ Hồng Anh (đoàn Hà Nội) tán thành với việc cần thiết phải thu gọn các loại văn bản quy phạm pháp luật, và tiến tới phải được rút gọn thêm nữa. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quá nhiều loại văn bản (trên 20 loại văn bản), lại do nhiều chủ thể khác nhau ban hành, nên gây nhiều khó khăn cho công tác thi hành và áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng việc thu gọn đến đâu và loại văn bản nào cần được thu gọn cũng cần được cân nhắc kỹ và cần phải được thực hiện từng bước; trước mắt chỉ nên thu gọn các loại văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Toà án Nhân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ban hành.

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang), vấn đề nổi cộm nhất trong dự thảo luật lần này là phải chỉnh lý lại việc lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy định ở mục 1, chương 3. Đại biểu cơ bản thống nhất như trong dự thả giao cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cơ quan lập chương trình xây dựng luật, trình Quốc hội thông qua, thay vì trước đây giao cho Chính phủ. Tuy nhiên trình tự lập thì cần phải nghiên cứu kỹ quy định sao cho chặt chẽ và chính xác.

Đóng góp ý kiến về sự đảm bảo cho tính thống nhất của luật, đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) nêu ý kiến về khoản 2, Điều 5 của Dự thảo luật quy định, văn bản quy phạm pháp luật quy định trực tiếp các nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, quy định lại các nội dung đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề mới được nêu trong dự thảo luật, tuy nhiên với quy định không mang tính nguyên tắc như trên sẽ được hiểu và thực hiện ra sao khi mà ngay trong luật vẫn còn nhiều vấn đề quy định lại các nội dung đã được quy định trong luật khác. Ví dụ nguyên tắc biểu quyết theo đa số của Quốc hội, Chính phủ khi thông qua Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh hoặc vấn đề quy định tại khoản 2 Điều 27, khoản 4 Điều 39, khoản 4 Điều 65 thực chất là việc nhắc lại nguyên tắc biểu quyết được quy định trong Luật Tổ chức ở Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ ở Điều 4 và Điều 19. Đại biểu đề nghị, nếu đã quy định như vậy, cần thiết phải xem xét, nghiên cứu để tránh trùng lặp.

Về quy định mới quy định Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm thảo luận, góp ý bằng văn bản đối với các Dự án luật do các cơ quan khác của Quốc hội thẩm tra, đại biểu Hà Công Long băn khoăn không biết sẽ thực hiện quy định này như thế nào. Đây là quy định mới, liệu trong thực tế có Ủy ban nào tham gia thảo luận không. Đại biểu kiến nghị xem xét lại và nên chăng giao cho thường trực các Ủy ban đã có đại biểu chuyên trách.

Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (đoàn Vĩnh Phúc) băn khoăn, Nghị quyết của Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng tính pháp lý và thời hiệu của các nghị quyết thường rất khác nhau. Có những Nghị quyết thời hiệu quá ngắn như Nghị quyết về kinh tế xã hội năm 2008, Quốc hội thông qua và có hiệu lực mới được 5 tháng đã phải sửa. Tuổi thọ của văn bản chỉ được tính bằng tháng. Đại biểu kiến nghị có thể đưa Nghị quyết của Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật nếu tính pháp lý và thời gian có hiệu lực của văn bản được tăng lên không phải bằng tháng mà bằng năm.

Đại biểu cũng cho rằng thời điểm có hiệu lực và việc đăng công báo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định trong dự thảo không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày ký ban hành hoặc công bố là cần thiết, tuy nhiên khoảng thời gian này đối với các luật là ngắn nhưng đối với các Nghị quyết của Quốc hội là dài. Đại biểu nêu dẫn chứng, nếu Quốc hội họp phiên cuối năm, kết thúc vào cuối tháng 11 thì thời gian có hiệu lực của Nghị quyết kinh tế xã hội vào năm sau sẽ bị chậm hơn thời điểm ngày 1/1 năm sau vì chỉ có 1 tháng, không phải 45 ngày.

Có nên mở rộng điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản

Trước đó cuối buổi sáng và đầu giờ chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự án Luật trưng mua, trưng dụng tài sản.

Về điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản quy định trong Điều 5 của Dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng, quy định điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản quá rộng, cần phải được cân nhắc cho phù hợp với quy định tại Điều 23 của Hiến pháp. Các đại biểu cho rằng “Vì lý do quốc phòng, an ninh” “Vì lợi ích quốc gia” là những điều kiện luôn gắn kết với nhau, liên quan đến lợi ích sống còn của dân tộc, vì vậy việc trưng mua, trưng dụng theo quy định của Hiến pháp là rất hãn hữu và chỉ áp dụng trong trường hợp “thật cần thiếtmà Nhà nước không còn cách nào khác buộc phải dùng mệnh lệnh hành chính để trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức. Vì thế, không nên mở rộng điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá  (đoàn Trà Vinh) cho rằng, việc mở rộng có thể dẫn đến sự lạm dụng, chồng chéo vì các trường hợp cần thiết khác đã được điều chỉnh ở nhiều luật liên quan.

Về nội dung Thẩm quyền quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản quy định tại Điều 13 và Điều 23 của dự thảo luật, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định theo hướng hạn chế người có thẩm quyền quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản và không giao cho cấp huyện và cấp xã thẩm quyền trưng mua, trưng dụng tài sản. Chủ thể có thẩm quyền quyết định trưng mua, trưng dụng chỉ nên gồm Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng của Bộ có chức năng liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời, quy định rõ mỗi chủ thể có quyền quyết định trưng mua, trưng dụng đối với mỗi loại tài sản trong từng tình huống cụ thể. Về nội dung này, đại biểu Trần Văn Kiệt  (đoàn Vĩnh Long) cho rằng nội dung, tính chất và điều khoản trong luật không phù hợp nhau. Nội dung luật đúng là trưng mua, trưng dụng tài sản mang tính cấp bách trong tình hình an ninh, quốc phòng, thiên tai nhưng điều khoản trong này quy định không mang tính đó. Đại biểu nêu ví dụ, thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản nhưng ở lĩnh vực quy định Thủ tướng, Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong trường hợp khẩn cấp ở lĩnh vực an ninh, quốc phòng, thiên tai thì các vị này có trực tiếp không, nếu không trực tiếp thì phải chờ trình, tấu đến quyết định thì đúng là vấn đề khó, nhất là vấn đề truy lùng bắt cướp. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét có quy định đặc biệt hơn, đối với lĩnh vực truy lùng bắt cướp hoặc cấp bách thì người đang thi hành công vụ đó có quyền như thế nào? Có thẻ như thế nào để đủ chứng cớ để trưng mua, trưng dụng tài sản. Nếu chúng ta chờ Chủ tịch tỉnh hoặc Thủ tướng, Bộ trưởng thì “cướp cũng về tới Thái Lan rồi”.

Về hình thức quyết định trưng dụng bằng lời nói, đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc trưng dụng tài sản bằng lời nói trong trường hợp đặc biệt, nhưng để làm bằng chứng cần phải có giấy xác nhận ngay việc này. Một số ý kiến khác cho rằng không nên quy định hình thức quyết định trưng dụng bằng lời nói vì dễ tùy tiện khi áp dụng và khó khăn trong việc giải quyết hậu quả.

Hôm nay (13/5), Quốc hội sẽ nghe giải trình và thảo luận đối với 2 dự thảo Luật: Luật hoạt động chữ thập đỏ, Luật năng lượng nguyên tử; Nghe trình bày của Chính phủ về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản và việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh.

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek