Nguyên tắc tự phê bình và phê bình, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản và là quy luật phát triển của Đảng. Người cho rằng: “Người ta không phải thánh nhân, không ai tránh khỏi khuyết điểm, chúng ta không sợ khuyết điểm, chỉ sợ là chúng ta không thấy và không kiên quyết sửa nó đi”. Bài giảng đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc giảng cho lớp chiến sĩ Cộng sản Việt Nam đầu tiên là bài “Tư cách người cách mệnh” có một mệnh đề quan trọng, đó là “cả quyết sửa lỗi mình”.
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh càng đề cao vị trí của phê bình và tự phê bình. Trong thư gửi Ủy ban nhân dân các cấp, Hồ Chủ tịch chỉ ra một số khuyết điểm của những người làm việc trong các cơ quan chính quyền như: trái phép, cậy thế, tư túng để mưu vinh thân phì gia… Và Người chỉ rõ: Các khuyết điểm đó, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động. Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay. Kết thúc bức thư, Người viết: “Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà mà tôi phải nói: Chúng ta phải ghi sâu những chữ công bình chính trực vào lòng…”.
Tháng giêng năm 1946, Hồ Chủ tịch viết bài Tự phê bình đăng trên các báo xuất bản ở Hà Nội lúc bấy giờ. Sau khi nêu lên những thành tựu ban đầu mà chính quyền các cấp đã làm được, Người viết những dòng chân thành, xúc động sau đây:
...“Vì yêu mến và tin cậy tôi mà đồng bào đã giao vận mệnh nước nhà cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bến bờ hạnh phúc.
Tuy những người trong bộ máy hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song các nạn tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch.
Tuy Chính phủ ra sức chỉnh đốn, song nhiều nơi chính trị chưa vào nề nếp.
Có thể cho rằng những khuyết điểm đó vì thời gian còn ngắn, vì nước ta còn mới, hoặc vì lẽ này, lẽ khác.
Nhưng không, tôi phải nói thật: Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi…”.
Và, Người kêu gọi: “Xin đồng bào hãy phê bình, giám sát công việc của Chính phủ”.
Sau này, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (xuất bản đầu năm 1948) Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mục đích của phê bình là cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi lối làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc chứ không phải phê bình người.
Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét mà sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét. Không chịu nghe phê bình, không thật thà tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ”. Vì thế “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình như mỗi ngày phải rửa mặt vậy”.
Giải thích vì sao một số nơi tinh thần phê bình chưa tốt, Hồ Chủ tịch viết: “Trước hết vì cách lãnh đạo của ta không được dân chủ. Họ không nói, không phê bình, không phải họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ: nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi còn bị “trù” là khác”.
Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ (tháng 11/1950, tại Việt Bắc) Hồ Chủ tịch nhắc nhở: “Tất cả chúng ta phụ trách trước nhân dân, trong anh em phải có tự phê bình và phê bình một cách liên tục và thực thà”.
Trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người cũng nhắc nhở, căn dặn: “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất. Phải có tình đoàn kết, thương yêu lẫn nhau”.
Thế mới biết, công tác tự phê bình và phê bình chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong toàn bộ tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.
BẰNG TÍN