Thứ Tư, 25/09/2024 14:21 CH
Nhân đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008:
Liệt sĩ Đại đức, Pháp sư Thích Giác Lượng
Thứ Ba, 13/05/2008 07:27 SA

Giữa những năm 60 thế kỷ trước, ở miền Trung Trung bộ, nhất là vùng giải phóng, tên tuổi Đại đức Pháp sư Thích Giác Lượng được nhân dân biết rất rộng rãi với lòng tôn kính, ngưỡng mộ một nhà sư đã rời đồng bằng lên chiến khu tham gia kháng chiến chống Mỹ, ngụy, giữa lúc chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt.

 

Đại đức Pháp sư Thích Giác Lượng tên khai sinh là Ngô Sáu, sinh năm 1932, trong một gia đình nông dân ở xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa (nay là xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa), tỉnh Phú Yên. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ngô Sáu học trường trung học Lương Văn Chánh vừa thành lập trong tỉnh. Phú Yên là vựa lúa của miền Nam Trung bộ nhưng bị giặc Pháp ném bom đánh phá hệ thống thủy lợi Đồng Cam khiến đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Ngô Sáu phải bỏ dở việc học ở trường, về nhà giúp gia đình. Sau đó, anh được hòa thượng Thích Hưng Từ, trụ trì chùa Phổ Độ ở Tuy Hòa đem về nuôi ở chùa, cho học thêm văn hóa và giáo lý Phật giáo. Từ đó Ngô Sáu được đạo hữu gọi là Thầy Sáu.

 

Sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố ác liệt những người kháng chiến, trong đó có gia đình Thầy Sáu. Được sự giúp đỡ của nhà chùa, ông được vào học trường đại học Phật giáo Vạn Hạnh, Sài Gòn. Tại đây, ông được tiếp xúc với nhiều nhà sư bậc thầy, các nhân sĩ trí thức, sinh viên, phật tử, tham gia nhiều cuộc đấu tranh chống áp bức của chính quyền tay sai Mỹ.

 

Trở về Phú Yên, ông tu hành và trụ trì ở chùa Hồ Sơn, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa. Nơi đây, nhân dân có truyền thống yêu nước, chống địch. Càng ngày ông càng thấy rõ bộ mặt phản nước, hại dân của chế độ gia đình trị họ Ngô. Do có mối quan hệ mật thiết với bà con Phật giáo ở Bình Định, ông ra xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), phát nguyện công đức lập chùa An Hòa. Là đại đức pháp sư, ông trăn trở nhiều về đạo và đời, về nhân dân và Tổ quốc. Ngụy quyền xã Mỹ Chánh và huyện Phù Mỹ tìm mọi cách ngăn cản tín đồ đến lễ Phật và gây khó khăn cho Đại đức Thích Giác Lượng. Có lúc ngụy quyền Sài Gòn còn đặt nhà chùa An Hòa vào vùng được “tự do pháo kích”. Dù vậy tín đồ vẫn đi lại cúng lễ như thường. Đại đức Thích Giác Lượng đã lấy sự thật trước mắt chỉ bảo đạo hữu đâu là chính, đâu là tà. Đại đức đã đem hết tâm lực viết cuốn sách “Thử đặt một hướng đi”. Non một trăm trang sách chứa đựng tấm lòng yêu nước, thương dân, bày tỏ nguyện vọng tha thiết về một xứ sở thanh bình. Ông thử vẽ ra một nét đại cương về đạo Phật và văn hóa dân tộc, sự bình đẳng trong nghề nghiệp và sự tự do cho nhân dân.

 

Hướng đi mà Đại đức Thích Giác Lượng “thử đặt” không trái với hành động mười điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nêu ra. Sau khi nghiên cứu kỹ chương trình hành động của Mặt trận, được Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Trung Trung bộ cử người đến mời ông tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã tạm biệt tăng ni, phật tử và ngôi chùa mình sáng lập, lên chiến khu vào cuối năm 1964. Đại đức được bầu vào ban lãnh đạo rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng, là Ủy viên thường trực, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Trung Trung bộ.

 

Tháng 8/1967, khi Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đề ra Cương lĩnh chính trị, Đại đức phát biểu: “Cương lĩnh chính trị của Mặt trận chẳng những làm mát lòng mát dạ tuyệt đại đa số tín đồ và lãnh tụ các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, mà nó còn giải đáp đúng đắn những băn khoăn nghi ngờ của một số vị về tiền đồ của đạo... Phật tử miền Trung Trung bộ chúng tôi vô cùng hoan hỉ chào đón và nhiệt liệt hưởng ứng bản Cương lĩnh với tất cả lòng khâm phục, tin tưởng và biết ơn sâu sắc về những chính sách ưu việt, thủy chung của Mặt trận đối với các tôn giáo...” (báo Cờ Giải phóng Trung Trung Bộ /10/1967).

 

Để tích cực góp phần thực hiện Cương lĩnh của Mặt trận, Đại đức đã đi đến nhiều thôn xã ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, vào tận những vùng sát nách địch, giảng giải cho dân chúng hiểu biết, thực hiện chính sách, chủ trương của mặt trận, kêu gọi con em ở “phía bên kia” làm điều lành, tránh điều dữ, tạo ra “nhân lành” để đời hưởng “quả phúc”. Sự có mặt của Đại đức từ vùng giải phóng vang xa đến vùng địch kiểm soát, vào tận các thành phố, thị xã. Một số đạo hữu đã lặn lội vượt qua vòng kìm kẹp của địch, đến vùng giải phóng vấn an, thỉnh giáo Đại đức.

 

Một số người ở vùng giải phóng lần đầu được mời đi nghe Đại đức thuyết pháp, đã nói: “Làm gì ở trên núi rừng xa thẳm lại có nhà sư đi làm cách mạng, chắc là mấy ông Mặt trận cử cán bộ lấy danh nghĩa nhà sư đấy thôi”. Không ngờ khi gặp và nghe nhà sư thuyết pháp, họ mới thấy đó là nhà sư chân chính, uyên thâm. Hơn ba năm lên chiến khu, Đại đức Thích Giác Lượng đã đi nói chuyện, thuyết pháp cho hàng nghìn người nghe. Đại đức đã đóng góp rất nhiều công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 

Trong hoàn cảnh sinh hoạt hằng ngày còn rất khó khăn, thiếu thốn, Mặt trận chủ trương dành cho các nhân sĩ, trí thức, một số ưu đãi vật chất, dù còn ít ỏi, để cho cuộc sống đỡ khổ, nhưng đại đức đã một mực chối từ. Đại đức nói: “Tôi đã phát nguyện làm người tu hành, suốt đời giữ giới hạnh. Ngày nay tôi làm cách mạng vì đời, cũng là vì đạo. Khi cách mạng thắng lợi, nước nhà độc lập, thống nhất, tôi sẽ trở về với tín hữu không có gì phải hổ thẹn”.

 

Trong cuộc sống hằng ngày ở căn cứ kháng chiến cũng như lúc trèo đèo lội suối, qua những vùng đạn bom ác liệt, Đại đức luôn luôn lạc quan, tin tưởng, sống hòa nhập với tất cả cán bộ, nhân viên và nhân dân. Ai đã từng gặp, làm việc, nghe Đại đức thuyết pháp đều rất có cảm tình, kính mến và quý trọng Đại đức.

 

Cuối năm 1967, khi bắt đầu chuẩn bị chiến dịch Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, biết rằng chiến tranh sẽ diễn ra cực kỳ ác liệt, Ban thường vụ Khu ủy Khu 5 đã điện mời các vị nhân sĩ đang đi công tác ở các tỉnh đồng bằng về căn cứ ở rừng Trường Sơn để được an toàn hơn. Lúc này Đại đức Thích Giác Lượng đang công tác ở Quảng Ngãi. Được điện, Đại đức đã đi từ miền tây huyện Tư Nghĩa về khu. Đến trạm liên lạc của cơ quan Mặt trận tại thôn 4, miền tây huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam, thì bị máy bay Mỹ ném bom sát hại. Đó là đêm 15/12/1967. Đại đức hy sinh ở tuổi 35 tràn đầy sức sống.

 

Tin Đại đức Thích Giác Lượng hy sinh đã làm cho tất cả cán bộ, nhân viên Mặt trận dân tộc Giải phóng Trung Trung bộ và nhân dân, phật tử vô cùng xúc động, tiếc thương.

 

Trong điều kiện rất hạn hẹp của căn cứ kháng chiến, lễ tang của Đại đức vẫn được thực hiện theo đúng nghi thức truyền thống. Dự lễ và tiễn đưa Đại đức có mặt hầu hết cán bộ, cơ quan đoàn thể khu căn cứ. Do hoàn cảnh chiến tranh, thi hài của Đại đức được chôn cất ở miền núi huyện Trà My. Sau khi nước nhà hoàn toàn độc lập, thống nhất, năm 1997, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và di chuyển hài cốt của Đại đức Thích Giác Lượng về an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh tại Đông Tác, TP Tuy Hòa.

 

Đại đức Thích Giác Lượng đã nêu một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, tinh thần phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hết lòng vì đạo, vì đời.

 

Hai người anh của Đại đức cũng hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Có ba người con trai hy sinh cho độc lập của Tổ quốc, bà mẹ của Đại đức Thích Giác Lượng được truy phong là Bà mẹ Anh hùng. Gia đình của Đại đức là gia đình yêu nước đã có nhiều đóng góp cho độc lập và thống nhất nước nhà.

 

ĐẶNG MINH PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek