Thứ Ba, 24/09/2024 02:22 SA
Quốc hội nhất trí chú trọng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Thứ Năm, 10/04/2008 10:21 SA

Ngày 9/4, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (QH) về kế hoạch và phát triển kinh tế - xã hội năm 2007; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Kinh tế của QH nhất trí cao với chủ trương đưa mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, đặt lợi ích dài hạn (tăng trưởng bền vững) lên hàng đầu trong những tháng cuối năm 2008.

Báo cáo do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Hòa trình bày nêu rõ: Quý 1 năm 2008, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; hỗ trợ nhằm giảm bớt những khó khăn cho đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo bị ảnh hưởng bởi thiên tai và tăng giá. Những vấn đề lớn nổi lên là: Vẫn giữ được mức tăng trưởng kinh tế khá, nhưng thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng của công nghiệp thấp hơn nhiều so với quý I năm 2007. Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có khả năng không đạt được như kế hoạch đề ra: Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng cao; giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã bị đẩy lên cao gây nhiều khó khăn cho đời sống của nhân dân (tháng 3/2008 so với tháng 12/2007 tăng 9,19%); thị trường chứng khoán hoạt động không ổn định, nhập siêu tiếp tục tăng, đầu tư phát triển đang gặp nhiều khó khăn... Dự báo, bên cạnh những thuận lợi cơ bản như chính trị -xã hội ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, uy tín và vị thế của Việt Nam được nâng cao, trong thời gian tới nền kinh tế nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ dự kiến trình QH xem xét giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và điều chỉnh lại chỉ tiêu lạm phát cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng: Kiềm chế lạm phát không cao hơn năm 2007; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%; khi có điều kiện cố gắng phấn đấu đạt mức cao hơn. Tiếp tục mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc.

8 nhóm giải pháp chủ yếu đặt ra là: Về chính sách tiền tệ tín dụng; chính sách tài khóa, chi tiêu công; bảo đảm cân đối cung cầu với các loại vật tư quan trọng; tăng cường các biện pháp quản lý thị trường giá cả, tổ chức tốt thương mại trong nước; thúc đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu; tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, bảo đảm cho đầu tư và sản xuất kinh doanh phát triển ổn định; tăng cường các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân; tạo ra sự thống nhất cao trong tất cả các ngành, các cấp.

Thẩm tra báo cáo về kế hoạch và phát triển kinh tế - xã hội năm 2007, các đại biểu đề cập tới các vấn đề: Chỉ số giá tiêu dùng; xuất, nhập khẩu và nhập siêu; sự thay đổi thất thường của thị trường chứng khoán; hiệu quả đầu tư; công tác điều hành và một số lĩnh vực xã hội. So với báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 2 QH khóa XII, có thêm 3 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, đó là chỉ số giá tiêu dùng (12,63%) cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP (8,48%); giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm, ngư nghiệp (3,40%), thấp hơn chỉ tiêu của QH (3,5-3,8%) và chỉ tiêu số địa phương đạt chuẩn chương trình phổ cập giáo dục THCS (39 tỉnh), thấp hơn chỉ tiêu của QH (40 tỉnh). Như vậy, trong năm 2007 có 5/23 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra; trong đó có 2 chỉ tiêu rất quan trọng của nền kinh tế là chỉ số tăng giá tiêu dùng và tăng kim ngạch nhập khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng tăng làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp và đời sống của đại bộ phận nhân dân. Theo các ông Nguyễn Hữu Đồng, Cao Sỹ Kiêm (Uỷ ban Kinh tế của QH), bên cạnh nguyên nhân khách quan là tác động của thị trường thế giới, cần thẳng thắn nhìn nhận nguyên chủ quan là do công tác điều hành chưa tốt; trong đó các khâu dự báo, hệ thống chính sách, giải pháp… còn nhiều vấn đề.

Giải thích nguyên nhân nhập siêu năm 2007 tăng gấp 2,7 lần so với năm 2006, bằng 29% tổng kim ngạch xuất khẩu (14,12 tỉ USD), Chính phủ cho rằng tăng là do nhập khẩu máy móc thiết bị và vật tư, nguyên vật liệu phục vụ cho đầu tư phát triển, sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; giá cả thị trường thế giới tăng và việc mở cửa thị trường, giảm thuế nhập khẩu theo các lộ trình cam kết hội nhập. Theo thường trực Uỷ ban Kinh tế, thâm hụt cán cân thương mại còn thể hiện khả năng cạnh tranh thấp của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và cơ cấu nền kinh tế chưa được dịch chuyển phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Trong lĩnh vực xã hội, cần phải có đánh giá nghiêm túc ảnh hưởng của kinh tế thời gian qua tới chỉ tiêu giảm nghèo và ổn định đời sống. Quản lý trật tự đô thị, ATGT tiếp tục là những “vấn đề nóng” do chưa có những giải pháp hiệu quả thực sự… Một số vấn đề lớn cần quan tâm trong điều hành vĩ mô là công tác phân tích, dự báo tình hình; cần xem xét lại một số biện pháp trong việc thực hiện chủ trương điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt; việc ban hành một số chính sách chưa phù hợp thực tế làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm và đời sống của một bộ phận người lao động nghèo…

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek