Thứ Tư, 25/09/2024 16:19 CH
Để phụ nữ vươn lên trong thời hội nhập
Thứ Bảy, 08/03/2008 07:00 SA

Ngay giữa những năm 20 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việt Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Từ khi Đảng ta khởi xướng con đường cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đánh giá rất cao và phát huy sức mạnh to lớn, toàn diện của người phụ nữ Việt Nam. Đầu năm 1930 khi thành lập Đảng, trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra chủ trương đấu tranh thực hiện “Nam nữ bình quyền”. Trong quá trình lãnh đạo toàn dân tộc làm cách mạng, thực hiện kháng chiến và xây dựng CNXH, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn phát huy vai trò to lớn của người phụ nữ Việt Nam.

 

080308-thi-nghiem.jpg

Nữ sinh viên Trường Đại học Phú Yên trong giờ thực hành thí nghiệm – Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Tiến tới cuộc cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định: “Lực lượng phụ nữ là lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại phụ nữ không tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thể thắng lợi được”. Ngay trước khi Đảng ta ra đời, phụ nữ ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam ở nước ta đã tham gia Thanh niên – tổ chức tiền thân của Đảng như các chị: Hoàng Thị Ái, Nguyễn Thị Minh Lãng, Thái Thị Bội, Nguyễn Thị Nhỏ... hoặc tham gia đảng Tân Việt như chị Nguyễn Thị Minh Khai, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Xân. Năm 1935, tại diễn đàn Đại hội VII Quốc tế cộng sản, thay mặt Đảng ta và phụ nữ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã khẳng định với các Đảng trong Quốc tế cộng sản và các lực lượng cách mạng thế giới rằng: “Chúng tôi sẽ gắng sức để làm cho phụ nữ lao động Đông Dương thực sự là chiến sĩ bảo vệ hòa bình”. Trên thực tế, phụ nữ luôn luôn có mặt đi đầu trong các cao trào cách mạng thời 1930 – 1931, 1936 – 1939, 1939 – 1945. Và trong cuộc cách mạng Tháng Tám 1945, nhiều chị em đã tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ở các địa phương như chị Hà Thị Quế ở tỉnh Bắc Giang, chị Nguyễn Thị Định ở tỉnh Bến Tre, chị Phan Thị Nể ở tỉnh Quảng Nam, chị Trương Thị Mỹ ở thị xã Hà Đông v.v...

 

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH  ở miền Bắc (1954 – 1975), phụ nữ nước ta đã tham gia tích cực trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, đối ngoại và đã đạt được những thành tựu xuất sắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Từ trước đến nay phụ nữ Việt Nam ta đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, phụ nữ ta rất đáng kính”. Người cho rằng: “Trên thế giới chưa có nơi nào phụ nữ làm Phó Tổng tư lệnh như ở miền Nam nước ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dưới chế độ XHCN, hàng ngàn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành, và cán bộ lãnh đạo, làm giám đốc và phó giám đốc các xí nghiệp, chủ nhiệm các HTX nông nghiệp, chủ tịch ủy ban hành chính, bí thư chi bộ Đảng...”, “Một trong những tiến bộ rõ rệt nhất là phụ nữ ta hiện nay tham gia chính quyền ngày càng nhiều...”.

 

Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ ta đảm đang, đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên...”.

 

Ngày 21/1/2002, Thủ tướng Chínn phủ đã ban hành Quyết định số 19/2002/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam đến 2010, với mục tiêu tổng quát của chiến lược là: “Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ. Tạo điều kiện để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...”.

 

080308-ngay-ra-truong1.jpg
Phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế trong xã hội. Trong ảnh: Niềm vui của các nữ tân sinh viên - Ảnh D.T.XUÂN

 

Những năm từ 2007 đến 2012 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hội LHPN Việt Nam và phong trào phụ nữ cả nước, là thời kỳ hội nhập sâu rộng và toàn diện. Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về: “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là Luật Bình đẳng giới” được ban hành mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra trách nhiệm lớn cho phong trào phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác Hội và phong trào phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, các cấp Hội đặt ra mục tiêu phấn đấu, đoàn kết, vận động các tầng lớp phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, chủ động tham gia phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế; nâng cao trình độ về mọi mặt, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Phấn đấu để góp phần thực hiện mục tiêu: Đến năm 2020, nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất khu vực.

 

Lực lượng phụ nữ cả nước đang ra sức thi đua thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội X Hội LHPN Việt Nam đã đề ra là: Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của phụ nữ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, trí thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh; mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế vì bình đẳng, phát triển và hòa bình.

 

Lực lượng phụ nữ cả nước đã và đang nỗ lực phát huy truyền thống của dân tộc và truyền thống của cách mạng của phụ nữ Việt Nam, xứng đáng với tám chữ vàng mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”

 

TÔ PHƯƠNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek