Thứ Năm, 26/09/2024 04:19 SA
Để tổ chức cơ sở Đảng làm tốt nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Thứ Năm, 28/02/2008 10:30 SA

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X khẳng định: “Hai mươi năm qua, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được một số kết quả tích cực nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng...”(*) đang là nguy cơ liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ.

 

Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) đã đề ra Nghị quyết số 04 – NQ/TW, ngày 21/8/2006 Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đây là vấn đề hàng đầu trong 20 vấn đề quan trọng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết hoặc kết luận của toàn khóa. Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, nhằm làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.

 

Mọi sự chuyển biến đều bắt đầu từ mỗi tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ). Bởi TCCSĐ là pháo đài chính trị, tư tưởng và là nguồn sức mạnh chiến đấu cơ bản tạo cho từng đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có phẩm chất, đạo đức trong sáng để góp phần làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh.

 

Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) chỉ ra 4 nguyên nhân chủ yếu của thiếu sót, khuyết điểm trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thì có một nguyên nhân là do “Cơ chế, chính sách pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, còn sơ hở nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung”, 3 nguyên nhân còn lại đều là sự yếu kém của TCCSĐ trong lãnh đạo hệ thống chính trị, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên.

 

Mười giải pháp mà Trung ương đưa ra trong nghị quyết liên quan đến sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng là rất đúng đắn, nhưng tính khả thi lại phụ thuộc chủ yếu vào từng TCCSĐ. Chỉ khi nào các TCCSĐ vào cuộc thì những vấn đề gốc rễ của tham nhũng, lãng phí mới được giải quyết một cách triệt để, bền vững. Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ tham nhũng không phải do TCCSĐ phát hiện – mặc dù là “đơn vị chiến đấu cơ bản của Đảng”. Hơn nữa các phần tử tham nhũng, lãng phí có không ít người là đảng viên, là cán bộ và quần chúng trong cơ quan, đơn vị dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng. Thậm chí có đơn vị xảy ra các vụ tham nhũng rất lớn và kéo dài khá lâu, thế nhưng TCCSĐ ở đó không biết (hay cố tình làm ngơ?) và vẫn được công nhận là TCCSĐ trong sạch, vững mạnh nhiều năm liền.

 

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các TCCSĐ cần phải làm tốt các nhiệm vụ cơ bản sau đây: Một là, quán triệt nghiêm túc tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí gắn với việc liên hệ, kiểm điểm về công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức trong từng TCCSĐ. Hai là, lãnh đạo xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị theo hướng công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, đặc biệt là về những vấn đề nhạy cảm, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí. Chỉ khi nào những việc dễ dẫn đến tham nhũng, lãng phí được quy định cụ thể rõ ràng, công khai minh bạch, có cơ chế giám sát khả thi và phát huy mạnh mẽ tinh thần dân chủ ở cơ sở thì vấn đề tham nhũng, lãng phí mới được phát hiện và ngăn chặn từ gốc. Ba là, củng cố kiện toàn và phát huy vai trò của thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị. Ban Thanh tra nhân dân giữ vai trò nòng cốt, quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở từng đơn vị cơ sở. Để mỗi thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, cần bố trí những người có kiến thức, có dũng khí đấu tranh vào Ban thanh tra. Bốn là, phát huy dân chủ trong từng tổ chức Đảng, trong từng cơ quan, đơn vị. Gắn trách nhiệm của cấp ủy Đảng cơ sở và người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Phát huy dân chủ trong tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị là biện pháp tốt nhất để chủ động, tích cực phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, ngăn chặn từ khi có dấu hiệu vi phạm hoặc từ những vụ việc nhỏ. Xử lý nghiêm những người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu kiểm tra đôn đốc hay nể nang né tránh, dung túng, bao che cho tham nhũng, lãng phí. Cấp ủy, mà trước hết là bí thư cấp ủy cũng phải chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật Đảng nếu đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí.

 

Ngoài các nhiệm vụ cơ bản trên, cần tăng cường công tác kiểm tra của cấp ủy trên đối với cơ sở để sớm phát hiện, xử lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Xây dựng cơ chế khả thi nhằm bảo vệ cái đúng, người đúng, đồng thời xử lý kỷ luật những đảng viên có hành vi tham nhũng, lãng phí, ức hiếp, trù dập những người dám phê bình, dám nói ra sự thật. Làm được như vậy thì mới đem lại niềm tin cho nhân dân.

 

(*) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X

TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek