Thứ Năm, 28/11/2024 22:50 CH
5 thành tựu nổi bật của ngoại giao năm 2007
Thứ Hai, 31/12/2007 15:08 CH

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trả lời phỏng vấn TTXVN về đánh giá thành tựu nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong năm 2007 và phương hướng hoạt động của ngành trong năm 2008.

*  Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong năm 2007 và phương hướng hoạt động của ngành trong năm 2008?

071231--Pho-TT.jpgNăm 2007 để lại trong mỗi người dân Việt Nam niềm phấn khởi và tự hào về những bước tiến quan trọng của đất nước trên con đường phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Dưới sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội, phát huy vị thế mới của đất nước và trên nền tảng những thắng lợi của năm 2006, công tác đối ngoại đã tiếp tục được triển khai một cách toàn diện và đạt được được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp xứng đáng vào những thắng lợi chung của đất nước.

Thành tựu trước hết là chúng ta đã đưa khuôn khổ quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, nhất là các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, lên tầm cao mới và mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác tiềm năng khác. Đối ngoại đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đấu tranh có hiệu quả chống mọi âm mưu can thiệp, chống phá Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thứ hai, công tác ngoại giao phục vụ kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc đạt kỷ lục về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), viện trợ phát triển (ODA), thương mại, du lịch, lao động và kiều hối... mở ra những cơ hội phát triển kinh tế nước ta trong những năm tới.

Thứ ba, hoạt động ngoại giao đa phương tiếp tục được triển khai tích cực, nổi bật trong năm qua là việc Việt Nam được bầu vào vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 với số phiếu rất cao.

Thứ tư, công tác bảo hộ công dân và vận động người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục thu được những kết quả quan trọng qua những chính sách và biện pháp cụ thể như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài; bảo vệ các quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt, lợi ích của doanh nghiệp, doanh nhân, lao động, công dân Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ cứu nạn bà con ngư dân ta bị thiên tai, bão lụt...

Thứ năm, công tác thông tin tuyên truyền và văn hoá đối ngoại tiếp tục đổi mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, thân thiện, thuỷ chung và là một điểm đến an toàn của thế giới.

Yêu cầu đặt ra hiện nay và trong những năm tới là cần tiếp tục đổi mới tư duy, quán triệt sâu sắc nội dung, nhiệm vụ của đường lối, chính sách mà Đại hội X của Đảng đề ra; tăng cường tính chủ động, sáng tạo và hiệu quả trong hoạt động đối ngoại; kết hợp chặt chẽ giữa chính trị, kinh tế và văn hoá; phối hợp chặt chẽ đối ngoại với các lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, ngoại giao nhân dân... để tạo ra sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Trên cơ sở đó, hoạt động đối ngoại thời gian tới sẽ tập trung vào một số hướng chính sau:

Một là, tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao khuôn khổ quan hệ hợp tác với các nước; phát huy vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc; tham gia tích cực hơn nữa trong các diễn đàn đa phương ở khu vực và trên thế giới; chủ động tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhằm nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam.

Hai là, đẩy mạnh công tác ngoại giao phục vụ kinh tế; triển khai mạnh mẽ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về việc đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững; thúc đẩy hợp tác đa chiều trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ...

Ba là, tập trung hoàn thành việc phân giới, cắm mốc với các nước láng giềng trong năm 2008; kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh về biên giới lãnh thổ trên bộ cũng như trên biển với các nước, góp phần vào việc tạo môi trường thuận lợi cho phát triển và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn mới; tăng cường công tác bảo hộ công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào hội nhập thành công vào đời sống nước sở tại và đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Năm là, đẩy mạnh đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền và văn hoá đối ngoại, phối hợp và phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại.

* Một trong những động lực thúc đẩy những thành tựu kinh tế trong năm qua là nỗ lực về hoạt động Ngoại giao kinh tế (NGKT). Vậy đồng chí có thể cho biết những kết quả đáng kể nhất trong hoạt động này trong năm qua?

Trước những vận hội mới của đất nước, ngành Ngoại giao đã chọn năm 2007 là năm Ngoại giao kinh tế để phát huy mạnh mẽ hơn nữa lợi thế của Ngoại giao cho sự nghiệp phát triển đất nước. Năm qua, Việt Nam đã nắm bắt được những cơ hội mới và biến đó thành luồng vốn đầu tư nước ngoài kỷ lục trên 20 tỷ đô la Mỹ, nguồn vốn ODA đạt 5,42 tỷ đô la Mỹ, kim ngạch xuất khẩu cũng lên tới gần 50 tỷ đô la Mỹ. Nhìn lại một năm qua, có thể nói công tác Ngoại giao kinh tế đã đạt được hiệu quả tích cực trên các mặt sau:

Thứ nhất, gắn kết ngày càng hiệu quả chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại. Các chuyến thăm cấp cao trong năm qua của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã thành công trên nhiều phương diện cả về chính trị và kinh tế, nâng quan hệ giữa ta với các nước tới thăm lên một tầm cao mới, đưa đến những thoả thuận kinh tế với tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ đô la Mỹ.

Thứ hai, ngành Ngoại giao đã làm tốt công tác tham mưu, đóng góp hiệu quả vào việc triển khai quan hệ với các nước đối tác hàng đầu. Bộ Ngoại giao đã khuyến nghị và chủ trì tổ chức để Thủ tướng ta dự Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos. Chuyến công tác ngắn nhưng rất hiệu quả này đã mở ra cơ hội hiện thực cho việc Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á vào năm 2009 và các hoạt động của các CEO lớn của thế giới tại Việt Nam trong những năm tới.

Bộ Ngoại giao cũng tham mưu cho Chính phủ về tranh thủ nguồn vốn nhàn rỗi ở vùng Vịnh (Trung Đông) và triển khai mạnh các biện pháp để tranh thủ nguồn vốn này. Chưa bao giờ có sự quan tâm lớn như vậy của các nước Trung Đông – Châu Phi tới quan hệ các mặt với Việt Nam. Đây là kết quả vận động của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện, của chuyến thăm tới khu vực của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư và Thứ trưởng Ngoại giao với tư cách đặc phái viên của Chính phủ…cũng như sau kết quả của Hội nghị toàn quốc đánh giá về quan hệ hợp tác với Trung Đông - Châu Phi do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức;

Thứ ba, Bộ Ngoại giao đã triển khai nhiều hình thức đa dạng hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp hiệu quả và thiết thực.

Bộ Ngoại giao đã lần đầu tiên chủ trì và tổ chức hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại cho 7 tỉnh biên giới phía Bắc và thành phố Hải Phòng sang Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc). Hoạt động rất thành công, được các địa phương ta và bạn đánh giá cao. Bộ Ngoại giao cũng chủ trì phối hợp với Thành phố Đà Nẵng và các địa phương tổ chức Tuần lễ Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC) với nhiều hoạt động phong phú, góp phần xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, nâng cao hình ảnh Việt Nam trong cơ chế hợp tác này.

Năm 2007 cũng là năm đầu tiên Bộ Ngoại giao chủ động tổ chức đón các Đoàn doanh nghiệp lớn của các nước sang thăm và tìm hiểu cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Nổi bật là đón Chủ tịch Tập đoàn GE (Mỹ), hai đoàn doanh nghiệp lớn của Thái Lan do Lãnh đạo tập đoàn Amata và CP dẫn đầu, tập đoàn Tân Hoa (Hồng Kông); tập đoàn Tata (Ấn Độ); hỗ trợ hoạt động của Hội đồng Kinh doanh Mỹ -ASEAN với đại diện 18 tập đoàn hàng đầu của Mỹ vào tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, mở ra cơ hội hiện thực đầu tư nhiều tỷ đôla Mỹ vào nước ta trong những năm tới.

Công tác Ngoại giao kinh tế đã nhận được sự hỗ trợ và phối hợp tích cực của nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, nhờ vậy ngành Ngoại giao đã làm tốt Năm Ngoại giao kinh tế, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển đất nước.

* Việt Nam đã trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vậy trong năm 2008, Việt Nam sẽ gánh vác trọng trách này như thế nào?

- Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Bảo an LHQ vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, thách thức lớn đối với chúng ta. Xác định được điều đó, ngay sau khi đưa ra chủ trương ứng cử từ năm 1997, song song với những nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của các nước, trong 10 năm qua chúng ta đã và đang có những bước chuẩn bị tích cực và kỹ càng để có thể đảm nhiệm tốt nhất vai trò làm Ủy viên không thường trực HĐBA. Đến nay, với sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, chúng ta đã cơ bản hoàn tất các khâu chuẩn bị về mọi mặt.

Về cơ chế ra quyết định, chúng ta đã nghiên cứu, liên tục cập nhật thông tin, tiến hành tham vấn với nhiều nước, đặc biệt là các nước trong HĐBA, về các vấn đề mà HĐBA xem xét, từ đó hệ thống hoá lập trường cơ bản của ta, đưa ra các phương thức xử lý phù hợp. Ngoài ra, ta cũng tiến hành phân cấp ra quyết định để đảm bảo cơ chế ra quyết định nhanh chóng đồng thời tính toán kỹ lưỡng đến lợi ích quốc gia và trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.

Về công tác tổ chức, chúng ta đã hoàn thiện cơ chế phối hợp tương đối đồng bộ và chặt chẽ, bao gồm cơ chế liên Bộ, Ban, Ngành, Nhóm công tác liên Vụ trong Bộ Ngoại giao và cơ chế phối hợp giữa Bộ Ngoại giao với Phái đoàn đại diện tại LHQ. Ta chủ trương và trên thực tế đã thúc đẩy các hoạt động tham vấn, chia sẻ thông tin ở cấp thủ đô và phái đoàn đại diện với các quốc gia trong và ngoài HĐBA, đặc biệt là với tất cả 5 Uỷ viên thường trực (P5) của cơ quan này. Các nước cũng rất coi trọng vai trò của ta tại HĐBA trong hai năm tới, nhiều nước đã chủ động đề nghị hợp tác với ta. Bộ Ngoại giao cũng đã có nhiều hoạt động tăng cường nguồn nhân lực cho nhiệm vụ trọng đại hai năm tới.

Về nhân sự, đó là một quá trình lâu dài. Chúng ta đã cử cán bộ tham dự các khoá đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao kỹ năng ngoại giao đa phương và nắm bắt các vấn đề liên quan chức năng hoạt động của HĐBA. Trong hai năm qua, Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ đã được tăng cường thêm nhiều cán bộ có trình độ và kinh nghiệm.

Với vị thế và vai trò mới của ta, dựa trên những kinh nghiệm đã tích lũy và quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp tham gia của nhiều ngành và sự đồng lòng ủng hộ của toàn dân, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ đảm đương tốt trọng trách là Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.

* Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek